You are here:

Cách tính thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài 2023

Tính thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài phân theo 2 trường hợp: cá nhân cư trú và không cư trú. Do vậy, nếu kế toán xác định không đúng đối tượng thì sẽ dẫn đến tính sai tiền thuế và quyết toán thuế cũng bị sai theo. Trong bài viết này, dịch vụ kế toán TinLaw sẽ hướng dẫn quý độc giả cách tính thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài một cách chi tiết nhất. Cùng theo dõi nhé!

1. Cách tính thuế TNCN người nước ngoài là cá nhân cư trú

Điều kiện để xác định người nước ngoài là cá nhân cư trú

Căn cứ theo Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC, người nước ngoài được xác định là cá nhân cư trú khi đáp ứng 1 trong các điều kiện sau đây:

  • Cá nhân có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam.Trong đó:

+ Ngày đến được tính là 01 ngày cư trú và ngày đi được tính là 1 ngày cư trú. Ngày đến và ngày đi được căn cứ vào chứng thực của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trên hộ chiếu (hoặc giấy thông hành) của cá nhân khi đến và khi rời Việt Nam.

+ Trường hợp nhập cảnh và xuất cảnh trong cùng một ngày thì được tính chung là một ngày cư trú.

+ Cá nhân có mặt tại Việt Nam theo hướng dẫn tại điểm này là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ Việt Nam.

  • Hoặc có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo một trong hai trường hợp sau:

1. Có nơi ở thường xuyên theo quy định của pháp luật về cư trú:

+ Đối với công dân Việt Nam: nơi ở thường xuyên là nơi cá nhân sinh sống thường xuyên, ổn định không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú.

+ Đối với người nước ngoài: nơi ở thường xuyên là nơi ở thường trú ghi trong Thẻ thường trú hoặc nơi ở tạm trú khi đăng ký cấp Thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an cấp.

2. Có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, với thời hạn của các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế, cụ thể như sau:

+ Cá nhân chưa hoặc không có nơi ở thường xuyên theo hướng dẫn tại điểm b.1, khoản 1, Điều này nhưng có tổng số ngày thuê nhà để ở theo các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế cũng được xác định là cá nhân cư trú, kể cả trường hợp thuê nhà ở nhiều nơi.

+ Nhà thuê để ở bao gồm cả trường hợp ở khách sạn, ở nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, ở nơi làm việc, ở trụ sở cơ quan,… không phân biệt cá nhân tự thuê hay người sử dụng lao động thuê cho người lao động.

Trường hợp cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo quy định tại khoản này nhưng thực tế có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế mà cá nhân không chứng minh được là cá nhân cư trú của nước nào thì cá nhân đó là cá nhân cư trú tại Việt Nam.

Việc chứng minh là đối tượng cư trú của nước khác được căn cứ vào Giấy chứng nhận cư trú. Trường hợp cá nhân thuộc nước hoặc vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định thuế với Việt Nam không có quy định cấp Giấy chứng nhận cư trú thì cá nhân cung cấp bản chụp Hộ chiếu để chứng minh thời gian cư trú.

Ví dụ 1: Ông Minjun là người Hàn Quốc đến Việt Nam làm việc liên tục từ ngày 01/01/2023 đến ngày 30/10/2023, ông Minjun kết thúc Hợp đồng lao động và về nước. Từ ngày 01/01/2023 đến khi về nước ông Minjun có mặt tại Việt Nam 200 ngày. Như vậy, năm 2023, ông Minjun được xác định là cá nhân cư trú.

Ví dụ 2: Bà Helen là người Anh đến Việt Nam ngày 01/01/2023, công ty thuê khách sạn cho bà ở đến ngày 10/6/2023. Tổng thời gian ở tại khách sạn là 6 tháng (>183 ngày), nên bà Helen thuộc cá nhân cư trú.

⇒ Người nước ngoài chỉ cần đáp ứng một trong các điều kiện nêu trên thì đã được coi là cá nhân cư trú, không bắt buộc phải đáp ứng tất cả điều kiện.

>> Xem chi tiết tại đây: Hướng dẫn xác định cá nhân cư trú hay không cư trú

Muốn tính thuế TNCN cho người nước ngoài trước hết phải xác định tình trạng cư trú
Muốn tính thuế TNCN cho người nước ngoài phải xác định được tình trạng cư trú

Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế của người nước ngoài là cá nhân cư trú:

Theo Điều 2 Thông tư 119/2014/TT-BTC, phạm vi xác định thu nhập chịu thuế TNCN như sau:

  • Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập.
  • Đối với cá nhân là công dân của quốc gia, vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định với Việt Nam về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và là cá nhân cư trú tại Việt Nam thì nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân được tính từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam (được tính đủ theo tháng) không phải thực hiện các thủ tục xác nhận lãnh sự để được thực hiện không thu thuế trùng hai lần theo Hiệp định tránh đánh thuế trùng giữa hai quốc gia.

 Như vậy, người nước ngoài là cá nhân cư trú phải đóng thuế thu nhập đối với tiền lương phát sinh tại Việt Nam, kể cả tiền lương phát sinh ở nước ngoài.

Cách tính thuế TNCN cho người nước ngoài cư trú

Công thức tính thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài cư trú:

Thuế TNCN phải nộp  = Thu nhập tính thuế  x Thuế suất

Trong đó:

– Thu nhập tính thuế được tính như sau:

Thu nhập tính thuế  = Thu nhập chịu thuế  – Các khoản giảm trừ

Trong đó:

+ Các khoản giảm trừ gồm: (1) giảm trừ gia cảnh; (2) giảm trừ đối với các khoản đống bảo hiểm bắt buộc, quỹ hưu trí tự nguyện; (3) giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học;

>> Xem chi tiết tại đây: Các khoản giảm trừ thuế TNCN

+ Thu nhập chịu thuế được tính như sau:

Thu nhập chịu thuế  = Tổng thu nhập  – Các khoản được miễn thuế

+ Các khoản được miễn thuế xem chi tiết tại đây: Các khoản được miễn thuế thu nhập cá nhân

– Thuế suất thuế TNCN: 

Các bạn dựa vào thu nhập tính thuế để xác định mức thuế suất theo biểu lũy tiến từng phần dưới đây:

Bậc

Thu nhập tính thuế/tháng

Thuế suất

Tính số thuế phải nộp

Cách 1 Cách 2
1 Đến 5 triệu đồng (trđ) 5% 0 trđ + 5% TNTT 5% TNTT
2 Trên 5 trđ đến 10 trđ 10% 0,25 trđ + 10% TNTT trên 5 trđ 10% TNTT – 0,25 trđ
3 Trên 10 trđ đến 18 trđ 15% 0,75 trđ + 15% TNTT trên 10 trđ 15% TNTT – 0,75 trđ
4 Trên 18 trđ đến 32 trđ 20% 1,95 trđ + 20% TNTT trên 18 trđ 20% TNTT – 1,65 trđ
5 Trên 32 trđ đến 52 trđ 25% 4,75 trđ + 25% TNTT trên 32 trđ 25% TNTT – 3,25 trđ
6 Trên 32 trđ đến 52 trđ 30% 9,75 trđ + 30% TNTT trên 52 trđ 30 % TNTT – 5,85 trđ
7 Trên 80 trđ 35% 18,15 trđ + 35% TNTT trên 80 trđ 35% TNTT – 9,85 trđ

>> Xem thêm: Cách tính thuế thu nhập cá nhân

Kỳ tính thuế đối với người nước ngoài cư trú: 

Người nước ngoài có thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương, tiền công sẽ áp dụng kỳ tính thuế theo năm.

  • Trường hợp trong năm dương lịch, cá nhân có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên thì kỳ tính thuế được tính theo năm dương lịch.
  • Trường hợp trong năm dương lịch, cá nhân có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày nhưng tính trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam là từ 183 ngày trở lên thì kỳ tính thuế đầu tiên được xác định là 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Từ năm thứ hai, kỳ tính thuế căn cứ theo năm dương lịch.

Ví dụ: Bà Beatrix là chuyên gia người nước ngoài được cử sang công ty A tại Việt Nam làm việc lần đầu từ 30/7/2023. Tính đến 31/12/2023, bà ở Việt Nam 130 ngày. Sang năm 2023, từ 1/1 đến 1/4 bà Beatrix có mặt tại Việt Nam tổng cộng 60 ngày.

Căn cứ vào quy định ở trên:

  • Kỳ tính thuế đầu tiên của bà Beatrix được xác định từ ngày 30/7/2023 đến hết ngày 30/7/2024.
  • Kỳ tính thuế thứ hai được xác định từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 31/12/2024.

2. Cách tính thuế TNCN cho người nước ngoài không cư trú

Doanh nghiệp trả các khoản thu nhập chịu thuế cho cá nhân không cư trú có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trước khi trả thu nhập.

Điều kiện để xác định người ngước ngoài là cá nhân không cư trú

Cá nhân không cư trú là những cá nhân không đáp ứng những điều kiện là cá nhân cư trú.

Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế

Đối với cá nhân không cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.

Cách tính thuế TNCN cho cá nhân không cư trú

Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định bằng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công nhân với thuế suất 20%.

Công thức tính:

Thuế TNCN = Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công x 20%

Trong đó:

  • Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định như đối với thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú

>> Các bạn xem chi tiết tại đây: Cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân không cư trú

Kỳ tính thuế TNCN Đối với cá nhân không cư trú

  • Kỳ tính thuế đối với cá nhân không cư trú được tính theo từng lần phát sinh thu nhập.
  • Trường hợp cá nhân kinh doanh không cư trú có địa điểm kinh doanh cố định như cửa hàng, quầy hàng thì kỳ tính thuế áp dụng như đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ kinh doanh.

3. Quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài

♦ Người nước ngoài là cá nhân không cư trú KHÔNG phải quyết toán thuế TNCN khi rời Việt Nam.

Theo công văn 1657/TCT-TNCN ngày 20/04/2016 của Tổng cục thuế:

“Theo hướng dẫn nêu trên thì trường hợp Ông Ananda là người nước ngoài đến Việt nam từ ngày 16/5/2012 đến ngày 31/3/2015 Ông kết thúc hợp đồng lao động và rời khỏi Việt Nam thì trong năm 2015 Ông được xác định là cá nhân không cư trú tại Việt Nam, thu nhập chịu thuế của Ông trong năm 2015 kê khai nộp thuế TNCN theo thuế suất 20% và không phải quyết toán thuế khi rời Việt Nam…”

♦ Người nước ngoài là cá nhân cư trú thì phải quyết toán thuế TNCN trước khi xuất cảnh.

  • Cá nhân cư trú là người nước ngoài kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế trước khi xuất cảnh.
  • Nếu là Cá nhân cư trú có thu nhập phát sinh tại nước ngoài đã tính và nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của nước ngoài thì được trừ số thuế đã nộp ở nước ngoài.

– Số thuế được trừ không vượt quá số thuế phải nộp tính theo biểu thuế của Việt Nam tính phân bổ cho phần thu nhập phát sinh tại nước ngoài.

– Tỷ lệ phân bổ được xác định bằng tỷ lệ giữa số thu nhập phát sinh tại nước ngoài và tổng thu nhập chịu thuế.

  • Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công trong trường hợp số ngày có mặt tại Việt Nam tính trong năm dương lịch đầu tiên là dưới 183 ngày, nhưng tính trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam là từ 183 ngày trở lên.

– Năm tính thuế thứ nhất: khai và nộp hồ sơ quyết toán thuế chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày tính đủ 12 tháng liên tục.

– Từ năm tính thuế thứ hai: khai và nộp hồ sơ quyết toán thuế chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch. Số thuế còn phải nộp trong năm tính thuế thứ 2 được xác định như sau:

Số thuế còn phải nộp năm tính thuế thứ 2 = Số thuế phải nộp của năm tính thuế thứ 2 – Số thuế tính trùng được trừ

Trong đó:

Số thuế phải nộp của năm tính thuế thứ 2 = Thu nhập tính thuế của năm tính thuế thứ 2 x Thuế suất thuế thu nhập cá nhân theo Biểu lũy tiến từng phần

Số thuế tính trùng được trừ = (Số thuế phải nộp trong năm tính thuế thứ nhất/12) x Số tháng tính trùng

Ủy quyền quyết toán thuế TNCN:

Nguyên tắc ủy quyền quyết toán thuế được áp dụng chung, không phân biệt là lao động Việt Nam hay nước ngoài. Cụ thể:

Trên đây là cách tính thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài các bạn cần lưu ý. Hy vọng những thông tin trên đã cung cấp những thông tin hữu ích cho quý độc giả, đặc biệt là người nước ngoài và doanh nghiệp có lao động người nước ngoài.

Picture of Chuyên gia Nguyễn Thị Viện
Chuyên gia Nguyễn Thị Viện
Tốt nghiệp Cử nhân Tài chính - Kế toán, với 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Kế toán - Thuế, đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp tối ưu tài chính và tuân thủ quy định về thuế tại Việt Nam.
Picture of Chuyên gia Nguyễn Thị Viện

Chuyên gia Nguyễn Thị Viện

Tốt nghiệp Cử nhân Tài chính - Kế toán, với 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Kế toán - Thuế, đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp tối ưu tài chính và tuân thủ quy định về thuế tại Việt Nam.

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

Đặt câu hỏi, ý kiến hoặc yêu cầu tư vấn