You are here:

Các khoản giảm trừ thuế thu nhập cá nhân mới nhất

Các khoản giảm trừ là các khoản được trừ vào thu nhập chịu thuế của cá nhân trước khi xác định thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công. Có 3 khoản giảm trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân, bao gồm: giảm trừ gia cảnh (giảm trừ cho bản thân người nộp thuế và cho người phụ thuộc); khoản đóng bảo hiểm bắt buộc, quý hưu trí tự nguyện và khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.

Trong bài viết này, công ty kế toán thuế TinLaw xin chia sẻ thông tin mới nhất về mức giảm trừ thuế thu nhập cá nhân 2022. Cùng theo dõi nhé!

Căn cứ pháp lý

Có bao nhiêu khoản được giảm trừ thuế thu nhập cá nhân?

Các khoản giảm trừ thuế TNCN là các khoản được trừ vào thu nhập chịu thuế của cá nhân trước khi xác định thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công. Các khoản giảm trừ thuế thu nhập cá nhân gồm 3 khoản như sau:

  • Giảm trừ gia cảnh, gồm giảm trừ cho bản thân và giảm trừ cho người phụ thuộc
  • Giảm trừ đối với các khoản đóng bảo hiểm, Quỹ hưu trí tự nguyện
  • Giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học

Giảm trừ gia cảnh thuế TNCN

Căn cứ theo Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC; Điều 15 Thông tư 92/2015/TT-BTC của Bộ tài chính và Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 quy định về việc giảm trừ gia cảnh như sau:

“Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của người nộp thuế là cá nhân cư trú.”

⇒ Như vậy: Chỉ có cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công mới được giảm trừ gia cảnh.

Mức giảm trừ gia cảnh:

Mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân năm 2022 được quy định như sau:

Đối tượng  Mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân
Mức giảm trừ đối với bản thân người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm).
Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng.
Năm 2022, đang áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới
Năm 2022, đang áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới

Nguyên tắc tính mức giảm trừ gia cảnh

♦ Nguyên tắc tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế:

  • Người nộp thuế có nhiều nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công thì tại một thời điểm (tính đủ theo tháng) người nộp thuế lựa chọn tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một nơi.

Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A ký hợp đồng lao động dài hạn với 2 công ty. Trường hợp này, khi tính thuế thu nhập cá nhân ông A chỉ được phép chọn tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại 1 công ty, công ty còn lại sẽ không được giảm trừ bản thân nữa.

>> Xem thêm: Hướng dẫn tính thuế thu nhập cá nhân cho người làm 2 công việc

  • Trường hợp trong năm tính thuế cá nhân chưa giảm trừ cho bản thân hoặc giảm trừ cho bản thân chưa đủ 12 tháng thì được giảm trừ đủ 12 tháng khi thực hiện quyết toán thuế.

Ví dụ: Ông Nguyễn Văn B vào làm tại công ty X là tháng 7/2022, thì hàng tháng hoặc hàng quý công ty X sẽ tính giảm trừ bản thân từ tháng 7/2022. Đến cuối năm Quyết toán:

Trường hợp ông B ko đủ điều kiện ủy quyền cho công ty: Tức là công ty X sẽ chỉ quyết toán phần thu nhập mà công ty trả cho ông B, lúc này thì giảm trừ bản thân = 11 triệu đồng/tháng  x Tổng số tháng đã tính giảm trừ trong năm. Khi ông B tự đi quyết toán trực tiếp với Cơ quan thuế thì được tính đủ 12 tháng là 132 triệu đồng/năm.

Trường hợp ông B đủ điều kiện được ủy quyền cho công ty X: Tức là công ty X sẽ Quyết toán thay cho ông B thì được tính đủ 12 tháng là 132 triệu đồng/năm.

>> Xem thêm: Hướng dẫn ủy quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân

  • Đối với người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam được tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 01 hoặc từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam trong năm tính thuế (được tính đủ theo tháng).

Ví dụ: Ông John là người Mỹ đến Việt Nam làm việc liên tục từ ngày 01/3/2022. Đến ngày 15/11/2022, ông John kết thúc Hợp đồng lao động và về nước. Từ ngày 01/3/2022 đến khi về nước ông John có mặt tại Việt Nam trên 183 ngày.

⇒ Như vậy, năm 2022, ông John là cá nhân cư trú và được giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 01 đến hết tháng 11 năm 2022.

Ví dụ: Bà Gwen là người Anh đến Việt Nam lần đầu tiên vào ngày 21/9/2021. Ngày 15/6/2022, Bà Gwen kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ ngày 21/9/2021 đến ngày 15/6/2022 Bà Gwen có mặt tại Việt Nam 187 ngày.

⇒ Như vậy trong năm tính thuế đầu tiên (từ ngày 21/9/2021 đến ngày 20/9/2022), Bà Gwen được xác định là cá nhân cư trú của Việt Nam và được giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 9/2021 đến hết tháng 6/2022.

>> Xem thêm: Hướng dẫn cách xác định cá nhân cư trú hay không cư trú

♦ Nguyên tắc tính mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc:

  • Người nộp thuế được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nếu người nộp thuế đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế người phụ thuộc.
  • Khi người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc sẽ được cơ quan thuế cấp mã số thuế cho người phụ thuộc và được tạm tính giảm trừ gia cảnh trong năm kể từ khi đăng ký.
  • Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.

Riêng đối với người phụ thuộc khác theo hướng dẫn tại tiết d.4, điểm d, khoản 1, Điều này thời hạn đăng ký giảm trừ gia cảnh chậm nhất là ngày 31 tháng 12 của năm tính thuế, quá thời hạn nêu trên thì không được tính giảm trừ gia cảnh cho năm tính thuế đó.

Ví dụ: Bà A sinh con vào tháng 3/2022.

Tháng 8/2022 Công ty đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc cho Bà A -> Tại Mẫu số 02/ĐK-NPT-TNCN khai chỉ tiêu “thời điểm tính giảm trừ” là tháng 3/2022.

⇒ Thì trong năm bà A được tạm tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc kể từ tháng 8/2022. Khi quyết toán bà A được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc từ tháng 3/2022 đến hết tháng 12/2022 mà không phải đăng ký lại.

Ví dụ: Bà A sinh con vào tháng 3/2022.

Tháng 8/2022 Công ty đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc cho Bà A -> Tại Mẫu số 02/ĐK-NPT-TNCN khai chỉ tiêu “thời điểm tính giảm trừ” là tháng 8/2022.

⇒ Thì trong năm bà A được tạm tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc kể từ tháng 8/2022. Khi quyết toán để được tính lại theo thực tế phát sinh từ tháng 3/2022 thì bà A phải đăng ký lại theo thực tế phát sinh tại Mẫu số 02/ĐK-NPT-TNCN và gửi kèm theo hồ sơ quyết toán thuế.

  • Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế.

Trường hợp nhiều người nộp thuế có chung người phụ thuộc phải nuôi dưỡng thì người nộp thuế tự thỏa thuận để đăng ký giảm trừ gia cảnh vào một người nộp thuế.

>> Xem thêm: Hướng dẫn đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh qua mạng

Chú ý:

  • Cá nhân đăng ký người phụ thuộc giảm trừ thuế thu nhập cá nhân sẽ nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc tại Doanh nghiệp đăng ký nhé (Doanh nghiệp có trách nhiệm lưu giữ và xuất trình khi cơ quan thuế thanh kiểm tra)
  • Thời hạn nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc: trong vòng ba (03) tháng kể từ ngày nộp tờ khai đăng ký người phụ thuộc (bao gồm cả trường hợp đăng ký thay đổi người phụ thuộc).
  • Quá thời hạn nộp hồ sơ nêu trên, nếu người nộp thuế không nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc sẽ không được giảm trừ cho người phụ thuộc và phải điều chỉnh lại số thuế phải nộp.
  • Người nộp thuế có thu nhập từ tiền lương, tiền công từ 11 triệu đồng/tháng trở xuống không cần phải đăng ký người phụ thuộc (Vì giảm trừ bản thân là 11tr/tháng -> Nên chưa đến mức phải nộp thuế TNCN)
  • Người nộp thuế chỉ phải đăng ký và nộp hồ sơ chứng minh cho mỗi một người phụ thuộc một lần trong suốt thời gian được tính giảm trừ gia cảnh.
  • Trường hợp người nộp thuế thay đổi nơi làm việc thì thực hiện đăng ký và nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc như trường hợp đăng ký người phụ thuộc lần đầu.

Mức giảm trừ đối với khoản đóng bảo hiểm, Quỹ hưu trí tự nguyện

Các khoản đóng bảo hiểm bao gồm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc.

Mức giảm trừ theo tỷ lệ trích nộp các khoản bảo hiểm vào lương của người lao động:

  • Bảo hiểm xã hội: 8%;
  • Bảo hiểm y tế 1.5%;
  • Bảo hiểm thất nghiệp: 1%.

Các khoản đóng vào Quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện

  • Mức đóng vào quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế theo thực tế phát sinh nhưng tối đa không quá một (01) triệu đồng/tháng đối với người lao động tham gia các sản phẩm hưu trí tự nguyện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính bao gồm cả số tiền do người sử dụng lao động đóng cho người lao động và cả số tiền do người lao động tự đóng (nếu có), kể cả trường hợp tham gia nhiều quỹ.

Căn cứ xác định thu nhập được trừ là bản chụp chứng từ nộp tiền (hoặc nộp phí) do quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm cấp.

Ví dụ: Ông Y đóng góp vào Quỹ hưu trí tự nguyện thông qua việc giao kết hợp đồng bảo hiểm với các doanh nghiệp bảo hiểm hoặc các doanh nghiệp được phép cung cấp các sản phẩm hưu trí tự nguyện. Trường hợp các sản phẩm hưu trí tự nguyện này tuân thủ các quy định của Bộ Tài chính và được Bộ Tài chính phê chuẩn triển khai, ông Y sẽ được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế như sau:

− Giả sử mức đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện của người lao động là 800.000 đồng/tháng, tương ứng với 9.600.000 đồng/năm thì mức được trừ khỏi thu nhập chịu thuế là 9.600.000 đồng/năm.

− Giả sử mức đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện là 2.000.000 đồng/tháng, tương ứng với 24.000.000 đồng/năm thì mức đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện của người lao động được trừ là 12.000.000 đồng/năm.

  • Người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam là cá nhân cư trú nhưng làm việc tại nước ngoài có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở nước ngoài đã tham gia đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc theo quy định của quốc gia nơi cá nhân cư trú mang quốc tịch hoặc làm việc tương tự quy định của pháp luật Việt Nam như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bắt buộc và các khoản bảo hiểm bắt buộc khác (nếu có) thì được trừ các khoản phí bảo hiểm đó vào thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công khi tính thuế thu nhập cá nhân.

Cá nhân người nước ngoài và người Việt Nam có tham gia đóng các khoản bảo hiểm nêu trên ở nước ngoài sẽ được tạm giảm trừ ngay vào thu nhập để khấu trừ thuế trong năm (nếu có chứng từ) và tính theo số chính thức nếu cá nhân thực hiện quyết toán thuế theo quy định. Trường hợp không có chứng từ để tạm giảm trừ trong năm thì sẽ giảm trừ một lần khi quyết toán thuế.

  • Khoản đóng góp bảo hiểm, đóng góp vào Quỹ hưu trí tự nguyện của năm nào được trừ vào thu nhập chịu thuế của năm đó.
  • Chứng từ chứng minh đối với các khoản bảo hiểm được trừ nêu trên là bản chụp chứng từ thu tiền của tổ chức bảo hiểm hoặc xác nhận của tổ chức trả thu nhập về số tiền bảo hiểm đã khấu trừ, đã nộp (trường hợp tổ chức trả thu nhập nộp thay).

=> Sau khi đã xác định được các khoản giảm trừ thuế TNCN các bạn tiến hành tính số thuế TNCN phải nộp… >> Xem thêm: Cách tính thuế thu nhập cá nhân

Mức giảm trừ đối với khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học

Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học được trừ vào thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công trước khi tính thuế của người nộp thuế là cá nhân cư trú, bao gồm:

  • Khoản chi đóng góp vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa.

Các tổ chức cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, phải được thành lập và hoạt động theo quy định tại Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội; Nghị định số 81/2012/NĐ-CP ngày 08/10/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội và Nghị định  số 109/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 195/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.

Tài liệu để chứng minh đóng góp vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa là chứng từ thu hợp pháp của tổ chức, cơ sở.

  • Khoản chi đóng góp vào các quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học được thành lập và hoạt động theo quy định tại Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, khuyến học, không nhằm mục đích lợi nhuận và quy định tại các văn bản khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ.

Tài liệu chứng minh đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học là chứng từ thu hợp pháp do các tổ chức, các quỹ của Trung ương hoặc của tỉnh cấp.

  • Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học phát sinh vào năm nào được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế của năm tính thuế đó, nếu giảm trừ không hết không được trừ vào thu nhập chịu thuế của năm tính thuế tiếp theo.

Mức giảm trừ tối đa không vượt quá thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công của năm tính thuế phát sinh đóng góp từ thiện nhân đạo, khuyến học.

Trên đây là những thông tin cơ bản về các khoản giảm trừ thuế TNCN mới nhất 2022. Các bạn khi tính thuế thì phải trừ các khoản giảm trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính số thuế phải nộp.

Picture of Chuyên gia Nguyễn Thị Viện
Chuyên gia Nguyễn Thị Viện
Tốt nghiệp Cử nhân Tài chính - Kế toán, với 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Kế toán - Thuế, đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp tối ưu tài chính và tuân thủ quy định về thuế tại Việt Nam.
Picture of Chuyên gia Nguyễn Thị Viện

Chuyên gia Nguyễn Thị Viện

Tốt nghiệp Cử nhân Tài chính - Kế toán, với 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Kế toán - Thuế, đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp tối ưu tài chính và tuân thủ quy định về thuế tại Việt Nam.

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

Đặt câu hỏi, ý kiến hoặc yêu cầu tư vấn