You are here:

Đăng ký kinh doanh vận tải phải nộp những loại thuế nào?

Chào TinLaw, tôi tên Hà.M.Đức, hiện đang sở hữu 1 xe du lịch 16 chỗ trị giá 500 triệu và đã đăng ký kinh doanh vận tải hành khách. Tôi ký hợp đồng với 1 công ty đưa đón cán bộ công nhân viên. Lương hàng tháng là 22 triệu đồng, đã bao gồm các khoảng xăng dầu, phí cầu đường… (công ty yêu cầu phải có hóa đơn mới thanh toán những khoản phí này). Vậy trong trường hợp của tôi, khi đã đăng ký kinh doanh vận tải hành khách phải nộp những loại thuế nào? Và cụ thể là nộp bao nhiêu tiền?

Chào anh Đức, cảm ơn anh đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Với thắc mắc “Đăng ký kinh doanh vận tải hành khách phải nộp những loại thuế nào?” Công ty kế toán thuế TinLaw xin được giải đáp như sau:

Anh Đức là cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải nên sẽ phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN theo phương pháp khoán nếu doanh thu của anh trên 100 triệu đồng/năm.

Cụ thể trường hợp của anh, Điều 2 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định:

“Căn cứ tính thuế đối với cá nhân nộp thuế khoán là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu.

a) Doanh thu tính thuế

a.1) Doanh thu tính thuế là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ.

Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hoá đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hoá đơn.

a.2) Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế khoán hoặc xác định không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

b) Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu

b.1) Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế giá trị gia tăng và tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân áp dụng đối với từng lĩnh vực ngành nghề như sau:

Phân phối, cung cấp hàng hóa: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 1%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 0,5%.

Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 5%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 2%.

Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 3%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 1,5%.

Hoạt động kinh doanh khác: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 2%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 1%.

b.2) Chi tiết danh mục ngành nghề để áp dụng tỷ lệ thuế giá trị gia tăng, tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân theo hướng dẫn tại Phụ lục số 01 ban hành kèm Thông tư này.

b.3) Trường hợp cá nhân kinh doanh nhiều lĩnh vực, ngành nghề thì cá nhân thực hiện khai và tính thuế theo tỷ lệ thuế tính trên doanh thu áp dụng đối với từng lĩnh vực, ngành nghề. Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề hoặc xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán của từng lĩnh vực, ngành nghề theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

c) Xác định số thuế phải nộp

Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN

Trong đó:

– Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng và doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân theo hướng dẫn tại điểm a, khoản 2 Điều này.

– Tỷ lệ thuế giá trị gia tăng và tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân theo hướng dẫn tại điểm b khoản 2 Điều này.”

Cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải sẽ phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN
Cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải sẽ phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN

Vì anh Đức kinh doanh vận tải nên anh sẽ phải nộp thuế cho ngành nghề “Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa” với tỷ lệ thuế GTGT là 3% và tỷ lệ thuế TNCN là 1.5%.

Như vậy đối với ngành nghề kinh doanh vận tải thì anh phải nộp thuế TNCN và thuế GTGT theo phương pháp khoán nếu doanh thu của anh trên 100 triệu đồng/năm. Nếu mức doanh thu của anh nhỏ hơn 100 triệu đồng/năm thì anh chỉ nộp thuế môn bài theo quy định tai văn bản hợp nhất số 33 tại bảng sau:

Đơn vị: đồng

Bậc thuế Thu nhập 1 tháng Mức thuế cả năm
1 Trên 1.500.000 1.000.000
2 Trên 1.000.000 đến 1.500.000 750.000
3 Trên 750.000 đến 1.000.000 500.000
4 Trên 500.000 đến 750.000 300.000
5 Trên 300.000 đến 500.000 100.000
6 Bằng hoặc thấp hơn 300.000 50.000

Về thuế khoán đối với hộ kinh doanh bao gồm 2 loại thuế, thuế GTGT và thuế TNCN. Vậy trường hợp anh kinh doanh vận tải theo hướng dẫn tại phụ lục 1 thông tư số 92/2015/TT-BTC anh thuộc trường hợp Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hoá, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu thuế GTGT có tỷ lệ chịu thuế là 3% thuế TNCN có tỷ lệ chịu thuế là 1,5%

Công thức tính thuế GTGT và thuế TNCN như sau:

  • Thuế GTGT: Doanh thu khoán x 3%
  • Thuế TNCN: Doanh thu khoán x 1.5%

Với mức lương là 22 triệu/tháng, suy ra tổng tiền 1 năm của anh là 264 triệu đồng (>100 triệu). Với số tiền này anh Đức sẽ phải đóng thuế theo quy định ở trên.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi “Đăng ký kinh doanh vận tải phải nộp những loại thuế nào?”của quý khách hàng. Anh Đức căn cứ vào hướng dẫn trên đây sẽ tính được số thuế mà mình cần nộp hàng năm. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Picture of Chuyên gia Nguyễn Thị Viện
Chuyên gia Nguyễn Thị Viện
Với 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kế toán - thuế từ năm 2009 đến nay, bà Viện đã đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp thuộc đa dạng các lĩnh vực, giúp họ tối ưu hóa quy trình tài chính và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp lý về thuế.

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

Đặt câu hỏi, ý kiến hoặc yêu cầu tư vấn