You are here:

Cách tính thuế thuế khoán cho hộ kinh doanh cá thể

Đối với các hộ kinh doanh thì mức nộp thuế khoán là một trong những điều mà mọi người quan tâm nhiều nhất. Theo quy định, tùy thuộc vào ngành nghề kinh doanh sẽ có tỷ lệ nộp thuế khác nhau. Vì vẫn còn khá nhiều chủ hộ kinh doanh chưa nắm rõ vấn đề này nên công ty kế toán thuế TinLaw xin viết bài chia sẻ đến quý độc giả quy định về thuế khoán đối với hộ kinh doanh kinh doanh cá thể theo ngành từng nghề, lĩnh vực kinh doanh.

Căn cứ pháp lý

Thông tin về cách tính thuế khoán của hộ kinh doanh chúng tôi chia sẻ trong bài viết được tham khảo tại:

  • Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật quản lý thuế;
  • Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài;
  • Nghị định 22/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 139/2016/NĐ-CP;
  • Thông tư 302/2016/TT-BTC hướng dẫn về lệ phí môn bài;
  • Thông tư 65/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 302/2016/TT-BTC.

Cách tính thuế khoán cho hộ kinh doanh

Có 3 loại thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải đóng, đó là: thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.

Mức nộp thuế môn bài hộ kinh doanh:

Căn cứ theo khoản 3 điều 1 Thông tư 65/2020/TT-BTC, mức thuế môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình kinh doanh như sau:

Doanh thu bình quân năm Mức thuế môn bài cả năm
Doanh thu trên 500 triệu đồng/năm 1.000.000 đồng/năm
Doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm 500.000 đồng/năm
Doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm 300.000 đồng/năm

Doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình, địa điểm mới ra kinh doanh của hộ kinh doanh như sau:

– Doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình (trừ cá nhân cho thuê tài sản) là tổng doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân năm trước liền kề của hoạt động sản xuất, kinh doanh (không bao gồm hoạt động cho thuê tài sản) của các địa điểm kinh doanh theo quy định tại Thông tư số 92/2015/TT-BTC.

Ví dụ: Để tính số tiền lệ phí môn bài phải nộp của năm 2022, hộ kinh doanh không phải nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài, cơ quan thuế sẽ căn cứ vào hồ sơ khai thuế, cơ sở dữ liệu quản lý thuế để xác định tổng doanh thu năm trước đó (2021) từ các nguồn, các địa điểm kinh doanh để tính số tiền thuế môn bài phải nộp năm 2022 và thông báo cho người nộp thuế.

– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình đã giải thể, tạm ngừng sản xuất, kinh doanh sau đó ra kinh doanh trở lại không xác định được doanh thu của năm trước liền kề thì doanh thu làm cơ sở xác định mức thu lệ phí môn bài là doanh thu của năm tính thuế của cơ sở sản xuất, kinh doanh cùng quy mô, địa bàn, ngành nghề theo quy định tại Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

– Doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân có hoạt động cho thuê tài sản là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của các hợp đồng cho thuê tài sản của năm tính thuế. Trường hợp cá nhân phát sinh nhiều hợp đồng cho thuê tài sản tại một địa điểm thì doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài cho địa điểm đó là tổng doanh thu từ các hợp đồng cho thuê tài sản của năm tính thuế. Trường hợp cá nhân phát sinh cho thuê tài sản tại nhiều địa điểm thì doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài cho từng địa điểm là tổng doanh thu từ các hợp đồng cho thuê tài sản của các địa điểm của năm tính thuế, bao gồm cả trường hợp tại một địa điểm có phát sinh nhiều hợp đồng cho thuê tài sản.

– Trường hợp hợp đồng cho thuê tài sản kéo dài trong nhiều năm thì nộp lệ phí môn bài theo từng năm tương ứng với số năm cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân một lần đối với hợp đồng cho thuê tài sản kéo dài trong nhiều năm thì chỉ nộp lệ phí môn bài của một năm.

– Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân sản xuất, kinh doanh đã giải thể có hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trong thời gian 6 tháng đầu năm nộp mức lệ phí môn bài cả năm và hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/7 năm ra hoạt động, trong thời gian 6 tháng cuối năm nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm và thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/1 năm liền kề năm ra hoạt động.

Căn cứ điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP và Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP, các trường hợp được miễn lệ phí môn bài, gồm:

  • Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12).
  • Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.
  • Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
  • Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất muối.
  • Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.

⇒ Như vậy:

  • Cá nhân, hộ gia đình kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu/năm trở xuống sẽ được miễn lệ phí môn bài.
  • Cá nhân, hộ kinh doanh lần đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ được miễn lệ phí môn bài năm đầu thành lập.

– Ngoài ra, theo điểm c, khoản 1, điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP: “Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân được miễn lệ phí môn bài.”

⇒ Như vậy:

  • Nếu năm đầu thành lập (được miễn lệ phí môn bài) => Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình thành lập chi nhánh, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, địa điểm kinh doanh đó cũng sẽ được miễn lệ phí môn bài
  • Nếu sang năm thứ 2 thành lập chi nhánh, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, địa điểm kinh doanh đó không được miễn lệ phí môn bài nhé.

– Theo điểm b, khoản 1, điều 10, Nghị định 126/2020/NĐ-CP, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân nộp thuế theo phương pháp khoán không phải khai lệ phí môn bài. Cơ quan thuế căn cứ tờ khai thuế, cơ sở dữ liệu ngành thuế để xác định doanh thu kinh doanh làm căn cứ tính mức lệ phí môn bài phải nộp của hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân nộp thuế theo phương pháp khoán.

>> Xem thêm: Cách lập và nộp tờ khai thuế môn bài 01/LPMB

Cách tính thuế GTGT, thuế TNCN hộ kinh doanh cá thể

Thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của hộ kinh doanh được tính theo phương pháp khoán.

Nguyên tắc tính thuế GTGT, TNCN hộ kinh doanh:

Căn cứ theo Thông tư 40/2021/TT-BTC và Thông tư 100/2021/TT-BTC, nguyên tắc tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành về thuế GTGT, thuế TNCN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Cụ thể:

  • Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN.
  • Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN được xác định cho một (01) người đại diện duy nhất của nhóm cá nhân, hộ gia đình trong năm tính thuế.

⇒ Như vậy:

  • Nếu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu trong năm dương lịch từ 100 triệu/năm trở xuống => Không phải nộp thuế GTGT, TNCN.
  • Nếu trên 100 triệu/năm => Thì phải nộp thuế GTGT, TNCN

Ví dụ: Hộ gia đình Ông A được thành lập bởi một nhóm gồm 06 cá nhân. Năm 2022 Hộ gia đình ông A có doanh thu kinh doanh là 110 triệu đồng (>100 triệu đồng).

-> Như vậy: Hộ gia đình ông A thuộc diện phải nộp thuế GTGT và TNCN trên tổng doanh thu là 110 triệu đồng.

Phương pháp khoán được áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc trường hợp nộp thuế theo phương pháp kê khai và không thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh theo hướng dẫn tại Điều 5, Điều 6 Thông tư 40/2021/TT-BTC.

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán (Hộ khoán) không phải thực hiện chế độ kế toán.

Hộ khoán sử dụng hóa đơn lẻ phải lưu trữ và xuất trình cho cơ quan thuế các hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, hồ sơ chứng minh hàng hóa, dịch vụ hợp pháp khi đề nghị cấp, bán lẻ hóa đơn theo từng lần phát sinh.

Riêng trường hợp hộ khoán kinh doanh tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu trên lãnh thổ Việt Nam phải thực hiện việc lưu trữ hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, hồ sơ chứng minh hàng hóa hợp pháp và xuất trình khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Hộ khoán đã được cơ quan thuế thông báo số thuế khoán phải nộp từ đầu năm thì hộ khoán thực hiện nộp thuế theo thông báo.

Trường hợp hộ khoán đã được thông báo số thuế từ đầu năm nhưng trong năm ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh => Thì cơ quan thuế thực hiện điều chỉnh số thuế phải nộp theo hướng dẫn tại điểm b.4, điểm b.5 khoản 4 Điều 13 Thông tư 40/2021/TT-BTC.

Trường hợp hộ khoán mới ra kinh doanh trong năm (kinh doanh không đủ 12 tháng trong năm dương lịch):

  • Nếu có doanh thu kinh doanh trong năm trên 100 triệu đồng => Thì hộ khoán thuộc diện phải nộp thuế GTGT, phải nộp thuế TNCN.
  • Nếu có doanh thu kinh doanh trong năm từ 100 triệu đồng trở xuống => Thì thuộc diện không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN.

Hộ khoán khai thuế theo năm quy định tại điểm c khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế, nộp thuế theo thời hạn ghi trên Thông báo nộp tiền của cơ quan thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Quản lý thuế.

Trường hợp hộ khoán sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế cấp, bán lẻ theo từng số thì hộ khoán khai thuế, nộp thuế riêng đối với doanh thu phát sinh trên hóa đơn đó theo từng lần phát sinh.

Cách tính thuế khoán hộ kinh doanh phải nộp

Căn cứ tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu tính thuế và tỷ lệ % thuế tính trên doanh thu:

* Công thức tính thuế

Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT

Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN

Trong đó:

Doanh thu tính thuế

Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền; các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định; các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế TNCN); doanh thu khác mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu

Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN áp dụng chi tiết đối với từng lĩnh vực, ngành nghề theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC.

Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động nhiều lĩnh vực, ngành nghề thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện khai và tính thuế theo tỷ lệ thuế tính trên doanh thu áp dụng đối với từng lĩnh vực, ngành nghề. Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề hoặc xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh thì cơ quan thuế thực hiện ấn định doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN áp dụng chi tiết đối với từng lĩnh vực, ngành nghề cụ thể như sau:

STT Danh mục ngành nghề Tỷ lệ % tính thuế GTGT Thuế suất thuế TNCN
1. Phân phối, cung cấp hàng hóa
– Hoạt động bán buôn, bán lẻ các loại hàng hóa (trừ giá trị hàng hóa đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng);
– Khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền cho hộ khoán;
1% 0,5%
– Hoạt động phân phối, cung cấp hàng hóa không chịu thuế GTGT, không phải khai thuế GTGT, thuộc diện chịu thuế GTGT 0% theo pháp luật về thuế GTGT;
– Hoạt động hợp tác kinh doanh với tổ chức thuộc nhóm ngành nghề này mà tổ chức có trách nhiệm khai thuế GTGT đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định;
– Khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền cho hộ khoán gắn với mua hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, không phải khai thuế GTGT, thuộc diện chịu thuế GTGT 0% theo pháp luật về thuế GTGT;
– Khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác.
0,5%
2. Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu
– Dịch vụ lưu trú gồm: Hoạt động cung cấp cơ sở lưu trú ngắn hạn cho khách du lịch, khách vãng lai khác; hoạt động cung cấp cơ sở lưu trú dài hạn không phải là căn hộ cho sinh viên, công nhân và những đối tượng tương tự; hoạt động cung cấp cơ sở lưu trú cùng dịch vụ ăn uống hoặc các phương tiện giải trí;
– Dịch vụ bốc xếp hàng hóa và hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải như kinh doanh bến bãi, bán vé, trông giữ phương tiện;
– Dịch vụ bưu chính, chuyển phát thư tín và bưu kiện;
– Dịch vụ môi giới, đấu giá và hoa hồng đại lý;
– Dịch vụ tư vấn pháp luật, tư vấn tài chính, kế toán, kiểm toán; dịch vụ làm thủ tục hành chính thuế, hải quan;
– Dịch vụ xử lý dữ liệu, cho thuê cổng thông tin, thiết bị công nghệ thông tin, viễn thông; quảng cáo trên sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số;
– Dịch vụ hỗ trợ văn phòng và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác;
– Dịch vụ tắm hơi, massage, karaoke, vũ trường, bi-a, internet, game;
– Dịch vụ may đo, giặt là; cắt tóc, làm đầu, gội đầu;
– Dịch vụ sửa chữa khác bao gồm: sửa chữa máy vi tính và các đồ dùng gia đình;
– Dịch vụ tư vấn, thiết kế, giám sát thi công xây dựng cơ bản;
– Các dịch vụ khác thuộc đối tượng tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ với mức thuế suất thuế GTGT 10%;
– Xây dựng, lắp đặt không bao thầu nguyên vật liệu (bao gồm cả lắp đặt máy móc, thiết bị công nghiệp);
5% 2%
– Hoạt động cung cấp dịch vụ không chịu thuế GTGT, không phải khai thuế GTGT, thuộc diện chịu thuế GTGT 0% theo pháp luật về thuế GTGT;
– Hoạt động hợp tác kinh doanh với tổ chức thuộc nhóm ngành nghề này mà tổ chức có trách nhiệm khai thuế GTGT đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định;
– Khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác;
2%
– Cho thuê tài sản gồm:
  + Cho thuê nhà, đất, cửa hàng, nhà xưởng, kho bãi trừ dịch vụ lưu trú;
+ Cho thuê phương tiện vận tải, máy móc thiết bị không kèm theo người điều khiển;
+ Cho thuê tài sản khác không kèm theo dịch vụ;
5% 5%
– Làm đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, bán hàng đa cấp;
– Khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác.
5%
3. Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu
– Sản xuất, gia công, chế biến sản phẩm hàng hóa;
– Khai thác, chế biến khoáng sản;
– Vận tải hàng hóa, vận tải hành khách;
– Dịch vụ kèm theo bán hàng hóa như dịch vụ đào tạo, bảo dưỡng, chuyển giao công nghệ kèm theo bán sản phẩm;
– Dịch vụ ăn uống;
– Dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác;
– Xây dựng, lắp đặt có bao thầu nguyên vật liệu (bao gồm cả lắp đặt máy móc, thiết bị công nghiệp);
– Hoạt động khác thuộc đối tượng tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ với mức thuế suất thuế GTGT 10%;
3% 1,5%
– Hoạt động không chịu thuế GTGT, không phải khai thuế GTGT, thuộc diện chịu thuế GTGT 0% theo pháp luật về thuế GTGT;
– Hoạt động hợp tác kinh doanh với tổ chức thuộc nhóm ngành nghề này mà tổ chức có trách nhiệm khai thuế GTGT đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định.
1,5%
4. Hoạt động kinh doanh khác
– Hoạt động sản xuất các sản phẩm thuộc đối tượng tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ với mức thuế suất thuế GTGT 5%; 2% 1%
– Hoạt động cung cấp các dịch vụ thuộc đối tượng tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ với mức thuế suất thuế GTGT 5%;
– Hoạt động khác chưa được liệt kê ở các nhóm 1, 2, 3 nêu trên;

Ví dụ: Hộ gia đình bà B kinh doanh dịch vụ ăn uống có doanh thu trung bình mỗi tháng là 70 triệu. Trong quá trình kinh doanh hộ kinh doanh phải chi những khoản phí sau: Phí thuê nhà 10 triệu, phí thuê nhân viên 6 triệu, phí mua thực phẩm 25 triệu, tiền điện nước 2 triệu.

Vì vậy doanh thu khoán của hộ kinh doanh trung bình mỗi tháng là:

70 – (10+7+25+3) = 25 triệu.

Mức thuế GTGT hộ kinh doanh của bà B phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x 3% = 25 triệu x 3% = 750.000 (VNĐ).

Mức thuế TNCN mà hộ kinh doanh của bà B phải nộp =Doanh thu tính thuế TNCN x 1.5% =  25 triệu x 1.5% = 375.000 (VNĐ).

Ví dụ 2: Ông Nguyễn Văn C mở nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống. Khi Ông C đi đăng ký kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế khoán nên cơ quan thuế quản lý ông ấn định Doanh thu tính thuế khoán của ông là 40 triệu/tháng.

Như vậy: Ông C thuộc diện phải nộp thuế khoán vì (Doanh thu 12 tháng = 40 triệu x 12 = 480 triệu lớn hơn 100 triệu).

=> Cách tính thuế khoán phải nộp như sau:

  • Số thuế môn bài phải nộp = 500.000/năm
  • Số thuế GTGT phải nộp = 40 triệu x 3% = 1.200.000/tháng
  • Số thuế TNCN phải nộp = 40 triệu x 1,5% = 600.000/tháng

Ngoài ra: Do khách hàng có nhu cầu lấy hoá đơn => Nên Ông C phải lên Cơ quan thuế để mua hoá đơn đơn bán lẻ để giao cho khách hàng.

Như vậy: Mỗi lần lên mua hoá đơn bán lẻ theo từng số đó thì Ông C sẽ phải khai thuế, nộp thuế riêng đối với doanh thu phát sinh trên hoá đơn theo từng lần đó.

Ví dụ: Ông C muốn xuất hoá đơn với Doanh thu là 20 triệu đồng. -> Thì Ông C phải nộp thêm là: = 20tr x 4,5% = 900.000.

>> Xem chi tiết: Hướng dẫn tính thuế TNCN, thuế GTGT cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

Đối với hộ kinh doanh thì mức nộp thuế khoán là điều mà họ quan tâm nhiều nhất
Đối với hộ kinh doanh thì mức nộp thuế khoán là điều mà họ quan tâm nhiều nhất

Cách kê khai thuế khoán hộ kinh doanh:

1. Căn cứ xác định thuế khoán đối với hộ khoán bao gồm:

  • Hồ sơ khai thuế của hộ khoán do hộ khoán tự kê khai theo dự kiến doanh thu và mức thuế khoán của năm tính thuế;
  • Cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế;
  • Ý kiến tham vấn của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn;
  • Kết quả công khai thông tin và tiếp nhận ý kiến phản hồi từ Hội đồng tư vấn thuế, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn, hộ khoán và các tổ chức, cá nhân khác

2. Hồ sơ khai thuế khoán hộ kinh doanh:

a) Từ ngày 20 tháng 11 đến ngày 05 tháng 12 hằng năm, cơ quan thuế phát Tờ khai thuế năm sau cho tất cả các hộ khoán.

b) Hồ sơ khai thuế đối với hộ khoán là Tờ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo mẫu số 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC.

Tải về: Mẫu 01/CNKD Tờ khai thuế cá nhân kinh doanh.

c) Trường hợp hộ khoán sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế cấp, bán lẻ theo từng lần phát sinh, khi khai thuế đối với doanh thu trên hóa đơn lẻ thì hộ khoán khai thuế theo từng lần phát sinh và sử dụng Tờ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo mẫu số 01/CNKD, đồng thời xuất trình, nộp kèm theo hồ sơ khai thuế các tài liệu sau:

  • Bản sao hợp đồng kinh tế cung cấp hàng hóa, dịch vụ cùng ngành nghề với hoạt động kinh doanh của hộ khoán;
  • Bản sao biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng;
  • Bản sao tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ như: Bảng kê thu mua hàng nông sản nếu là hàng hóa nông sản trong nước; Bảng kê hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới nếu là hàng cư dân biên giới nhập khẩu; Hóa đơn của người bán hàng giao cho nếu là hàng hóa nhập khẩu mua của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong nước; tài liệu liên quan để chứng minh nếu là hàng hóa do cá nhân tự sản xuất, cung cấp;…

Chú ý: Cơ quan thuế có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu, xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.

3. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán:

Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với hộ khoán chậm nhất là ngày 15 tháng 12 năm trước liền kề năm tính thuế.

Trường hợp hộ khoán mới ra kinh doanh (bao gồm hộ kê khai chuyển đổi sang phương pháp khoán), hoặc hộ khoán chuyển đổi sang phương pháp kê khai, hoặc hộ khoán thay đổi ngành nghề, hoặc hộ khoán thay đổi quy mô kinh doanh trong năm thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của hộ khoán chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày bắt đầu kinh doanh, hoặc chuyển đổi phương pháp tính thuế, hoặc thay đổi ngành nghề, hoặc thay đổi quy mô kinh doanh.

Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với trường hợp hộ khoán có sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế cấp, bán lẻ theo từng lần phát sinh chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh doanh thu có yêu cầu sử dụng hóa đơn.

4. Xác định doanh thu và mức thuế khoán:

a) Xác định doanh thu và mức thuế khoán:

  • Doanh thu và mức thuế khoán được tính theo năm dương lịch hoặc tháng đối với trường hợp kinh doanh theo thời vụ và ổn định trong một năm.
  • Hộ khoán tự xác định doanh thu tính thuế khoán trong năm trên Tờ khai thuế theo mẫu số 01/CNKD.

Trường hợp hộ khoán không xác định được doanh thu khoán, không nộp hồ sơ khai thuế hoặc doanh thu tính thuế khoán xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh thì cơ quan thuế thực hiện ấn định doanh thu và xác định mức thuế khoán theo quy định tại Điều 51 Luật Quản lý thuế.

  • Căn cứ hồ sơ khai thuế của hộ khoán và cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế để lấy ý kiến công khai, tham vấn ý kiến của Hội đồng tư vấn thuế và làm cơ sở cho Cục Thuế chỉ đạo, rà soát việc lập Sổ bộ thuế tại từng Chi cục Thuế.

b) Điều chỉnh doanh thu và mức thuế khoán:

Hộ khoán trong năm có đề nghị điều chỉnh doanh thu, mức thuế khoán do thay đổi hoạt động kinh doanh thì cơ quan thuế điều chỉnh lại mức thuế khoán theo quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật Quản lý thuế kể từ thời điểm có thay đổi. Cụ thể như sau:

b.1) Hộ khoán thay đổi quy mô kinh doanh (diện tích kinh doanh, lao động sử dụng, doanh thu) thì phải khai điều chỉnh, bổ sung Tờ khai thuế theo mẫu số 01/CNKD.

b.2) Hộ khoán thay đổi địa điểm kinh doanh thì phải thực hiện thay đổi thông tin đăng ký thuế theo quy định và thực hiện thủ tục khai thuế tại địa điểm mới như đối với hộ khoán mới ra kinh doanh.

b.3) Hộ khoán thay đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh (kể cả trường hợp không thay đổi về tỷ lệ, thuế suất áp dụng) thì hộ khoán phải thực hiện thủ tục thay đổi thông tin đăng ký thuế theo quy định (nếu có thay đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh so với đăng ký thuế), đồng thời khai điều chỉnh, bổ sung Tờ khai thuế theo mẫu số 01/CNKD.

b.4) Hộ khoán ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh thì hộ khoán thực hiện thông báo khi ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.

b.5) Hộ khoán ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thì cơ quan thuế căn cứ văn bản yêu cầu ngừng hoặc tạm ngừng của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để điều chỉnh mức thuế khoán theo thực tế cho thời gian yêu cầu ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh.

b.6) Hộ khoán chuyển đổi sang phương pháp kê khai thì hộ khoán khai điều chỉnh, bổ sung Tờ khai thuế khoán theo mẫu số 01/CNKD.

Hóa đơn sử dụng cho hộ kinh doanh

Hóa đơn sử dụng cho hộ kinh doanh là hoá đơn bán hàng.

Nếu Hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp khoán muốn sử dụng hoá đơn bán lẻ do cơ quan thuế cấp, bán lẻ theo từng số, từng lần phát sinh => Thì liên hệ với Cơ quan thuế để mua và kê khai theo từng lần phát sinh (Chi tiết cách mua và kê khai xem tiếp phần IV bên dưới nhé).

Hộ, các nhân kinh doanh theo phương pháp Khoán không sử dụng hoá đơn quyển (Theo Công văn 2626/TCT-DNNCN)

Xử phạt khi chậm nộp hồ sơ khai thuế

Khi bắt đầu hoạt động kinh doanh buộc bạn phải nộp hồ sơ khai thuế lên cơ quan thuế, tuy nhiên với dữ liệu bạn đưa ra thì từ khi bạn có được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bạn không hề lên cơ quan thuế do đó với hành vi này bạn sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 9 Thông tư 166/2013/TT-BTC:

– Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 05 ngày mà có tình tiết giảm nhẹ.

– Phạt tiền 700.000 đồng, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu không thấp hơn 400.000 đồng hoặc có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt tối đa không quá 1.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 10 ngày (trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này).

– Phạt tiền 1.400.000 đồng, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu không dưới 800.000 đồng hoặc có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt tối đa không quá 2.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ trên 10 ngày đến 20 ngày.

– Phạt tiền 2.100.000 đồng, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu không thấp hơn 1.200.000 đồng hoặc có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt tối đa không quá 3.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ trên 20 ngày đến 30 ngày.

– Phạt tiền 2.800.000 đồng, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu không thấp hơn 1.600.000 đồng hoặc có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt tối đa không quá 4.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ trên 30 ngày đến 40 ngày.

– Phạt tiền 3.500.000 đồng, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu không thấp hơn 2.000.000 đồng hoặc có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt tối đa không quá 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ trên 40 ngày đến 90 ngày.

b) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định trên 90 ngày nhưng không phát sinh số thuế phải nộp hoặc trường hợp quy định tại Khoản 9 Điều 13 Thông tư này.

c) Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp (trừ trường hợp pháp luật có quy định không phải nộp hồ sơ khai thuế).

d) Nộp hồ sơ khai thuế tạm tính theo quý quá thời hạn quy định trên 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế nhưng chưa đến thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm.

– Thời hạn nộp hồ sơ quy định tại Điều này bao gồm cả thời gian được gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

– Không áp dụng các mức xử phạt quy định Điều này đối với trường hợp người nộp thuế trong thời gian được gia hạn thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, gia hạn thời hạn nộp thuế.

– Người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế bị xử phạt theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều này, nếu dẫn đến chậm nộp tiền thuế thì phải nộp tiền chậm nộp tiền thuế theo quy định tại Điều 106 Luật quản lý thuế và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật này.

Trường hợp chậm nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định và cơ quan thuế đã ra quyết định ấn định số thuế phải nộp. Sau đó trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế hợp lệ và xác định đúng số tiền thuế phải nộp của kỳ nộp thuế thì cơ quan thuế xử phạt hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo Khoản 1, 2, 3, 4, 5 và Khoản 6 Điều này và tính tiền chậm nộp tiền thuế theo quy định. Cơ quan thuế phải ra quyết định bãi bỏ quyết định ấn định thuế.

>> Xem thêm: Mức phạt chậm nộp hồ sơ khai thuế GTGT, TNCN, TNDN, môn bài

Trên đây là cách tính thuế và mức thuế khoán hộ kinh doanh phải nộp theo ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh. Nếu  vẫn còn thắc mắc liên quan đến vấn đề thuế khoán, vui lòng liên hệ dịch vụ kế toán thuế TinLaw để được hướng dẫn chi tiết.

Picture of Chuyên gia Nguyễn Thị Viện
Chuyên gia Nguyễn Thị Viện
Với 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kế toán - thuế từ năm 2009 đến nay, bà Viện đã đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp thuộc đa dạng các lĩnh vực, giúp họ tối ưu hóa quy trình tài chính và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp lý về thuế.

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

Đặt câu hỏi, ý kiến hoặc yêu cầu tư vấn