You are here:

Hướng dẫn thành lập công ty chứng khoán

Hướng dẫn thành lập công ty chứng khoán

Thị trường chứng khoán ngày càng trở nên hấp dẫn nhà đầu tư, với lợi nhuận và sự phát triển nhanh chóng của thị trường này thúc đẩy các nhà đầu tư đầu tư thành lập công ty chứng khoán ngày càng nhiều. Vậy khi thành lập công ty chứng khoán cần đáp ứng những yêu cầu gì về vốn, điều kiện và quy trình thành lập công ty như thế nào? Hãy cùng chúng tôi theo dõi nội dung của bài viết sau đây.

Cơ sở pháp lý

  • Luật doanh nghiệp 2020;
  • Luật chứng khoán 2019
  • Nghị định số 155/2020/NĐ-CP – Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chứng khoán;
  • Thông tư số 121/2020/TT-BTC – Quy định về hoạt động của Công ty chứng khoán;

Công ty chứng khoán là gì?

Căn cứ theo Luật chứng khoán 2019 có quy định : Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Công ty chứng khoán thường được hoạt động dưới các hình thức:

  • Công ty cổ phần
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 72 Luật chứng khoán năm 2019, công ty chứng khoán được cấp phép thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động kinh doanh: Môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán. Công ty chứng khoán được hoạt động dưới sự kiểm soát của Luật chứng khoán và một số quy định khác của pháp luật.

Công ty chứng khoán thường thực hiện các hoạt động: Môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán.

Các hình thức kinh doanh của công ty chứng khoán

Căn cứ theo Điều 72 Luật Chứng khoán 2019, nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán bao gồm một hoặc một số hoạt động sau:

– Môi giới chứng khoán:

– Tự doanh chứng khoán;

– Bảo lãnh phát hành chứng khoán;

– Tư vấn đầu tư chứng khoán.

STTLoại hình nghiệp vụLĩnh vực hoạt động
1

Môi giới chứng khoán

Nhận ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân; thực hiện phân phối hoặc làm đại lý phân phối chứng khoán; quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán; cung ứng dịch vụ quản lý danh sách người sở hữu chứng khoán cho các doanh nghiệp khác;

Cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến; cung cấp hoặc phối hợp với các tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán hoặc cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán; lưu ký chứng khoán; bù trừ và thanh toán chứng khoán; các dịch vụ trên thị trường chứng khoán phái sinh…

2

Tự doanh chứng khoán

Giao dịch chứng khoán trên tài khoản tự doanh chứng khoán và được đầu tư, góp vốn, phát hành, chào bán các sản phẩm tài chính.
3

Bảo lãnh phát hành chứng khoán

Cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán chứng khoán, thực hiện các thủ tục trước khi chào bán chứng khoán; đại lý lưu ký, thanh toán, chuyển nhượng chứng khoán;

– Tư vấn tái cơ cấu, hợp nhất, sáp nhập, tổ chức lại, mua bán doanh nghiệp; tư vấn quản trị, tư vấn chiến lược doanh nghiệp; tư vấn chào bán, niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán; tư vấn cổ phần hóa doanh nghiệp.

4

Tư vấn đầu tư chứng khoán

Ký hợp đồng cung cấp dịch vụ cho khách hàng theo quy định tại khoản 32 Điều 4 của Luật chứng khoán 2019.

Lưu ý: Công ty chứng khoán chỉ được cung cấp dịch vụ tài chính khác phù hợp với quy định của pháp luật sau khi báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bằng văn bản. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền tạm ngừng, đình chỉ việc cung cấp dịch vụ tài chính khác của công ty chứng khoán nếu việc cung cấp dịch vụ đó trái với quy định của pháp luật hoặc gây rủi ro hệ thống thị trường chứng khoán.

Điều kiện thành lập công ty chứng khoán

Tại khoản 2 Điều 71 Luật Chứng khoán 2019 đã nêu rõ, công ty chứng khoán được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

Theo đó, khi thành lập công ty chứng khoán phải đáp ứng các điều kiện sau (Điều 74 Luật Chứng khoán 2019):

– Điều kiện về vốn: Việc góp vốn điều lệ vào công ty chứng khoán phải bằng Đồng Việt Nam và đáp ứng vốn điều lệ tối thiểu cho từng nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán, cụ thể:

+ Môi giới chứng khoán: 25 tỷ đồng;

+ Tự doanh chứng khoán: 50 tỷ đồng;

+ Bảo lãnh phát hành chứng khoán: 165 tỷ đồng;

+ Tư vấn đầu tư chứng khoán: 10 tỷ đồng.

– Điều kiện về cổ đông, thành viên góp vốn:

+ Trường hợp là cá nhân: Không thuộc các trường hợp không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam;

+ Trường hợp là tổ chức: Phải có tư cách pháp nhân và đang hoạt động hợp pháp; hoạt động kinh doanh có lãi trong 02 năm liền trước năm đề nghị cấp giấy phép; báo cáo tài chính năm gần nhất phải được kiểm toán với ý kiến chấp nhận toàn phần;

– Điều kiện về cơ sở vật chất:

+ Có trụ sở làm việc bảo đảm cho hoạt động kinh doanh chứng khoán;

+ Có đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang bị, thiết bị văn phòng phù hợp.

– Điều kiện về nhân sự:

Có Tổng giám đốc (Giám đốc), tối thiểu 03 nhân viên có chứng chỉ hành nghề chứng khoán và tối thiểu 01 nhân viên kiểm soát tuân thủ. Tổng giám đốc (Giám đốc) phải đáp ứng các tiêu chuẩn của pháp luật.

– Dự thảo Điều lệ phù hợp với quy định.

Hồ sơ cấp phép thành lập và hoạt động công ty chứng khoán

Căn cứ theo Điều 176 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán gồm các giấy tờ:

– Giấy đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của công ty chứng khoán.

– Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, kỹ thuật bảo đảm thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán.

– Xác nhận của ngân hàng về mức vốn pháp định gửi tại tài khoản phong toả mở tại ngân hàng.

– Danh sách dự kiến Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và các nhân viên thực hiện nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán kèm theo bản sao Chứng chỉ hành nghề chứng khoán.

–  Danh sách cổ đông sáng lập hoặc thành viên sáng lập kèm theo bản sao căn cước công dân hoặc Hộ chiếu đối với cá nhân và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với pháp nhân.

– Bản sao báo cáo tài chính năm gần nhất có xác nhận của tổ chức kiểm toán độc lập của cổ đông sáng lập hoặc thành viên sáng lập là pháp nhân tham gia góp vốn từ mười phần trăm trở lên vốn điều lệ đã góp của tổ chức đề nghị cấp giấy phép.

– Dự thảo Điều lệ công ty.

– Dự kiến phương án hoạt động kinh doanh trong ba năm đầu phù hợp với nghiệp vụ kinh doanh đề nghị cấp phép kèm theo các quy trình nghiệp vụ, quy trình kiểm soát nội bộ, quy trình quản lý rủi ro.

Thủ tục, các bước thành lập công ty chứng khoán

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ thành lập công ty chứng khoán

Hồ sơ đề nghị xin được cấp phép thành lập công ty chứng khoán được gửi tới bộ phận một cửa của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Doanh nghiệp chuẩn bị đủ hồ sơ nộp tại Ủy ban chứng khoán Nhà nước

  • Trong thời hạn 30 ngày tính kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp (trường hợp hồ sơ hợp lệ) hoặc từ chối cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động. Trường hợp từ chối, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Lưu ý:

  • Trong trường hợp sửa đổi hoặc bổ sung hồ sơ phải có chữ ký của những người đã ký trong hồ sơ đã gửi trước đó cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
  • Nếu trường hợp cần làm rõ vấn đề liên quan đến hồ sơ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền đề nghị người đại diện cổ đông, thành viên sáng lập hoặc người dự kiến làm Giám đốc (Tổng Giám đốc) giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản.

Bước 2: Hoàn tất cơ sở vật chất, phong tỏa vốn góp

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản đề nghị hoàn tất các điều kiện cơ sở vật chất, phong tỏa vốn góp.

Cổ đông, thành viên góp vốn được trích phần vốn góp để đầu tư cơ sở vật chất, phần vốn góp còn lại phải được phong tỏa trên tài khoản của ngân hàng thương mại theo chỉ định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Sau khi được cấp giấy phép thành lập và hoạt động, phần vốn này sẽ được giải tỏa, chuyển vào tài khoản của công ty.

Bước 3: Cấp giấy phép thành lập và hoạt động

Trong thời hạn 07 ngày tính kể từ ngày nhận được giấy xác nhận phong tỏa vốn, biên bản kiểm tra cơ sở vật chất và các tài liệu hợp lệ khác. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép thành lập và hoạt động. Trường hợp từ chối, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Một số câu hỏi thường gặp

Hỏi: Kinh doanh chứng khoán cần bao nhiêu vốn?

Trả lời: Tùy vào nghiệp vụ kinh doanh của công ty đầu tư chứng khoán mà quy định về mức vốn pháp định sẽ khác nhau, cụ thể:

  • 10 tỷ đồng đối với tư vấn đầu tư chứng khoán;
  • 25 tỷ đồng đối với môi giới chứng khoán;
  • 100 tỷ đồng đối với tự doanh chứng khoán;
  • 165 tỷ đồng đối với bảo lãnh phát hành chứng khoán.

Hỏi: Các mã ngành chứng khoán?

Trả lời: Mã 6612 – Môi giới hợp đồng hàng hóa và chứng khoán.

Hy vọng với những gì mà chúng tôi cung cấp, có thể giúp quý khách hàng thành công trong việc thành lập công ty chứng khoán. Nếu còn bất cứ thắc mắc về các vấn đề liên quan, hãy liên hệ với dịch vụ thành lập công ty TinLaw qua thông tin sau.

TinLaw

TinLaw

TinLaw với mong muốn nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Pháp lý & Kế toán trong kinh doanh, luôn đồng hành và đưa ra các giải pháp hiệu quả, tối ưu chi phí để giúp cho doanh nghiệp SMEs vận hành đúng luật và phát triển bền vững.