You are here:

Hướng dẫn thủ tục tạm ngừng kinh doanh công ty

Hiện nay, khi công ty có nhu cầu tạm ngừng kinh doanh cần thực hiện Thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất 3 ngày trước ngày tạm ngừng. Vậy thủ tục này thực hiện như thế nào? Hãy cùng TinLaw tìm hiểu trong bài viết sau.

Tạm ngừng kinh doanh là gì?

Khoản 1 Điều 41 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định: Tạm ngừng kinh doanh là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020.

  • Ngày chuyển tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày doanh nghiệp đăng ký bắt đầu tạm ngừng kinh doanh.
  • Ngày kết thúc tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp đã thông báo hoặc ngày doanh nghiệp đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.

Quy định tạm ngừng kinh doanh mới nhất

Các trường hợp tạm ngừng kinh doanh:

  • Theo quyết định của doanh nghiệp
  • Theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Một số lưu ý quy định:

  • Thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng;
  • Nếu doanh nghiệp muốn tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo tạm ngừng thì cũng phải thông báo chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục kinh doanh.
  • Thời gian tạm ngừng mỗi lần không quá 01 năm và không hạn chế số lần tạm ngừng liên tiếp.
  • Không phải nộp hồ sơ kê khai thuế trong thời hạn tạm ngừng kinh doanh. Tuy nhiên, trường hợp tạm ngừng không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm.
  • Miễn lệ phí môn bài cho năm tạm ngưng trong trường hợp văn bản xin tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh được gửi cơ quan thuế trước ngày 30/01.
  • Thủ tục tạm ngừng hoạt động kinh doanh công ty chỉ cần nộp tại Sở kế hoạch đầu tư và KHÔNG phải nộp tại cơ quan thuế đang quản lý thuế của Doanh nghiệp.

Hồ sơ đăng ký tạm ngừng kinh doanh của công ty, doanh nghiệp

Với mỗi loại hình công ty thành phần hồ sơ tạm ngừng kinh doanh sẽ khác nhau. Về cơ bản gồm các loại giấy tờ sau:

◊ Thông báo v/v tạm ngừng kinh doanh – Phụ lục II-19 theo thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT

◊ Quyết định và Biên bản họp của công ty về việc tạm ngừng kinh doanh, cụ thể:

  • Đối với công ty cổ phần: Quyết định và Biên bản họp của Hội đồng quản trị
  • Đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên: Quyết định và Biên bản họp của Hội đồng thành viên.
  • Đối với công ty TNHH 1 thành viên: Quyết định của chủ sở hữu công ty.

◊ Giấy ủy quyền thực hiện thủ tục trong trường hợp người nộp hồ sơ không phải là người có thẩm quyền của công ty.

>> Xem chi tiết: Mẫu hồ sơ xin tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp

Mỗi loại hình doanh nghiệp có yêu cầu về hồ sơ tạm ngừng kinh doanh khác nhau
Mỗi loại hình doanh nghiệp có yêu cầu về hồ sơ tạm ngừng kinh doanh khác nhau

Hướng dẫn thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp

Cơ quan phụ trách tiếp nhận và xử lý hồ sơ tạm ngừng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh theo 2 cách:

  • Cách 1: Nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh
  • Cách 2: Nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh thông qua Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo địa chỉ www.dangkykinhdoanh.gov.vn

Sau đây, TinLaw sẽ hướng dẫn các bước tạm ngừng kinh doanh theo cả 2 cách. Cụ thể:

Cách 1: Nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh trực tiếp

Để tránh mất thời gian, doanh nghiệp liên hệ phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở xác nhận phương thức nộp hồ sơ trước khi nộp mang đi nhé. Vì hiện tại nhiều địa phương không còn nhận hồ sơ thông báo tạm ngừng kinh doanh trực tiếp nữa.

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ tạm ngừng hoạt động kinh doanh

Doanh nghiệp soạn thảo hồ sơ xin tạm ngừng kinh doanh bản giấy theo hướng dẫn TinLaw cung cấp ở phần trên. Mẫu hồ sơ tạm ngưng kinh doanh của mỗi loại hình công ty sẽ khác nhau, nên các bạn lưu ý để chuẩn bị cho chính xác nhé.

Ngoài ra, trong bộ hồ sơ thì mẫu giấy thông báo tạm ngừng kinh doanh có yêu cầu điền lý do tạm ngừng hoạt động, thông thường các doanh nghiệp đều lấy lý do là khó khăn về tài chính nên không thể tiếp tục hoạt động.

Bước 2: Nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh trực tiếp tới Sở kế hoạch đầu tư

Doanh nghiệp nộp hồ sơ TRỰC TIẾP đến Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, chậm nhất 03 ngày làm việc, trước ngày tạm ngừng kinh doanh.

Chuyên viên kiểm tra hồ sơ đủ giấy tờ theo quy định, tiếp nhận hồ sơ và cấp Giấy biên nhận cho doanh nghiệp.

Bước 3: Sở KHĐT tiếp nhận và thẩm định hồ sơ tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp

Phòng Đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp trong 3 này làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.

Căn cứ theo ngày hẹn trên giấy Biên nhận, doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh để nhận kết quả giải quyết hồ sơ:

  • Nếu hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ tiến hành cấp giấy xác nhận tạm ngừng kinh doanh.
  • Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ ra thông báo về việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Bạn cần điều chỉnh và nộp lại hồ sơ.

Cách 2: Nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh thông qua mạng

Lưu ý quan trọng: Tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội hiện chỉ tiếp nhận hồ sơ xin tạm ngừng kinh doanh nộp qua mạng thôi nhé.

Tại tp.HCM và Hà Nội chỉ nhận hồ sơ tạm ngừng kinh doanh qua mạng
Tại tp.HCM và Hà Nội chỉ nhận hồ sơ tạm ngừng kinh doanh qua mạng

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ tạm ngừng hoạt động kinh doanh

Doanh nghiệp soạn thảo hồ sơ xin tạm ngừng kinh doanh bản giấy và Scan toàn bộ hồ sơ sang định dạng PDF.

Bước 2: Nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh qua mạng tới Sở kế hoạch đầu tư

Doanh nghiệp nộp hồ sơ nộp TRỰC TUYẾN theo địa chỉ www.dangkykinhdoanh.gov.vn tới Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch đầu tư tỉnh/thành phố nơi đăng ký trụ sở chính doanh nghiệp, thời gian chậm nhất 3 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh. Cụ thể:

Bước 1: Đăng ký tài khoản và đăng nhập Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;

Bước 2: Nhập thông tin hồ sơ đầy đủ vào hệ thống đăng ký kinh doanh;

Bước 3: Scan và đính kèm file hồ sơ lên hệ thống;

Bước 4:  Ký xác thực và nộp hồ sơ vào phòng đăng ký kinh doanh:

  • Nếu nộp hồ sơ bằng Tài khoản đăng ký kinh doanh, người ký xác thực hồ sơ cần được cấp Tài khoản đăng ký kinh doanh
  • Nếu nộp hồ sơ bằng Chữ ký số công cộng, người ký xác thực hồ sơ cần được gán Chữ ký số công cộng vào Tài khoản

>> Để biết chi tiết cách nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh qua mạng các bạn xem tại đây: Hướng dẫn đăng ký tạm ngừng kinh doanh qua mạng

Bước 3: Sở KHĐT tiếp nhận và thẩm định hồ sơ tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp

Phòng Đăng ký kinh doanh xem xét, giải quyết và phản hồi doanh nghiệp trong 03 ngày làm việc:

  • Trường hợp hồ sơ hợp lệ ra thông báo chấp thuận, đăng tải tình trạng “Tạm ngừng kinh doanh” trên web https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/Pages/Trangchu.aspx (Chụp ảnh màn hình trên hệ thống quốc gia và bản scan kết quả của sở)
  • Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, ra thông báo bổ sung để doanh nghiệp khắc phục.

Phòng Đăng ký kinh doanh có trách nhiệm cập nhật tình trạng hồ sơ trên cơ sở dữ liệu trực tuyến để doanh nghiệp cập nhật được tình trạng hồ sơ.

Lưu ý:

  • Thủ tục đăng ký tạm ngừng hoạt động kinh doanh của công ty, doanh nghiệp chỉ cần thực hiện tại Sở kế hoạch đầu tư và KHÔNG cần thực hiện tại cơ quan thuế.
  • Sau khi nhận Giấy xác nhận về việc doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp sẽ bắt đầu tạm ngừng tất cả hoạt động kinh doanh kể từ ngày được ghi trên giấy.
  • Doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại sau khi hết thời hạn tạm ngừng hoặc có thể xin hoạt động sớm trở lại trong trường hợp chưa hết thời hạn tạm ngừng.

Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp thời hạn tạm ngừng kinh doanh KHÔNG QUÁ MỘT NĂM. Khi hết thời hạn nếu muốn tạm ngừng doanh tiếp thì phải làm thủ tục thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Doanh nghiệp có thể tạm ngừng kinh doanh liên tiếp nhiều lần, không bị giới hạn.

Thủ tục tạm ngừng kinh doanh với cơ quan thuế

Doanh nghiệp KHÔNG cần phải làm thủ tục tạm ngưng kinh doanh với cơ quan thuế, chỉ cần nộp hồ sơ thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh. Theo Điều 14 Thông tư 151/2014/TT-BTC, cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thuế biết về thông tin người nộp thuế tạm ngừng kinh doanh hoặc hoạt động kinh doanh trở lại chậm nhất không quá 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của người nộp thuế.

Như vậy, việc gửi thông báo cho cơ quan thuế là trách nhiệm của Phòng Đăng ký kinh doanh chứ không phải của doanh nghiệp.

Mức xử phạt khi doanh nghiệp không thông báo tạm ngừng kinh doanh

Doanh nghiệp không thông báo tạm ngừng kinh doanh sẽ bị phạt hành chính. Cụ thể Điều 32 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định như sau:

Mức phạt tiền:

  • Không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn đến cơ quan đăng ký kinh doanh về thời Điểm và thời hạn tạm dừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh: 01 – 02 triệu đồng.
  • Đăng ký tạm ngừng kinh doanh nhưng không thông báo tạm ngừng hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh: 01 – 02 triệu đồng.

Phạt bổ sung: Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Tạm ngừng hoạt động kinh doanh quá 01 năm).

Lưu ý về khai thuế và hóa đơn khi tạm ngừng kinh doanh

Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì:

Người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm.

Người nộp thuế không được sử dụng hóa đơn và không phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn. Trường hợp người nộp thuế được cơ quan thuế chấp thuận sử dụng hoá đơn theo quy định của pháp luật về hoá đơn thì phải nộp hồ sơ khai thuế, nộp báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn theo quy định.

Một số câu hỏi thường gặp về thủ tục thông báo tạm ngừng kinh doanh

Thời gian gửi thông báo tạm ngừng kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh?

Theo Khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020, chậm nhất là 3 ngày làm việc, trước ngày tạm ngừng/tiếp tục kinh doanh sớm hơn thời hạn thông báo, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh.

Ví dụ: Ngày 01/01/2022 Công ty A nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh lên Sở KH&ĐT. Hồ sơ hợp lệ, công ty A được tạm ngừng kinh doanh từ ngày 04/01/2022.

Phòng Đăng ký kinh doanh xử lý hồ sơ tạm ngừng trong bao lâu?

Thời gian này sẽ phụ thuộc vào việc hồ sơ của doanh nghiệp có hợp lệ hay không. Nếu hồ sơ tạm ngừng hợp lệ, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy xác nhận đã đăng ký tạm ngừng kinh doanh cho doanh nghiệp trong thời gian là 3 ngày làm việc. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ gửi thông báo để doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung.

Doanh nghiệp, hộ kinh doanh được tạm ngừng kinh doanh trong bao lâu?

  • Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp không quá một năm. Khi hết thời hạn nếu muốn tạm ngừng doanh tiếp thì phải làm thủ tục thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh. (Khoản 1 Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)
  • Đối với hộ kinh doanh thì được tạm ngừng kinh doanh vô thời hạn. (Khoản 1 Điều 91 Nghị định 01/2021)

>> Xem chi tiết: Thời gian tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh tối đa trong bao lâu?

Nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh ở đâu?

Nộp hồ sơ thông báo tạm ngừng kinh doanh tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Nộp hồ sơ theo hình thức online nhé, sau khi hồ sơ được chấp nhận hợp lệ thì mới nộp bản giấy tới phòng đăng ký kinh doanh.

Ví dụ: Công ty TNHH TinLaw đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh. Thì khi muốn tạm ngừng kinh doanh, chủ sở hữu hoặc người ủy quyền sẽ nộp hồ sơ tại phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh.

Tạm ngừng hoạt động kinh doanh có phải nộp hồ sơ quyết toán thuế không?

Nếu tạm ngừng kinh doanh tròn năm dương lịch hoặc năm tài chính thì không phải nộp Hồ sơ quyết toán thuế.

>> Xem chi tiết: Tạm ngừng kinh doanh có phải nộp hồ sơ quyết toán thuế không?

Tạm ngừng hoạt động kinh doanh có phải nộp thuế môn bài?

  • Nếu tạm ngưng kinh doanh cả năm thì Không phải nộp thuế môn bài
  • Nếu tạm ngưng kinh doanh không trọn năm thì Phải nộp lệ phí môn bài.

>> Xem chi tiết Tạm ngừng kinh doanh có phải nộp thuế môn bài?

Chi nhánh, VPĐD, ĐĐKD của doanh nghiệp có phải làm thủ tục tạm ngừng kinh doanh?

Có. Nếu công ty có chi nhánh, VPĐD, địa điểm kinh doanh thì phải gửi Thông báo tạm ngừng hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch và Đầu tư ở địa phương đó trước (có thể thực hiện qua mạng, tương tự như thủ tục được hướng dẫn trong bài viết này).

Trên đây là hướng dẫn thủ tục tạm ngừng kinh doanh của công ty, doanh nghiệp theo quy định mới nhất. Nếu vẫn còn thắc mắc hoặc muốn sử dụng dịch vụ tạm ngừng kinh doanh, vui lòng liên hệ TinLaw theo thông tin bên dưới:

Picture of TinLaw
TinLaw
Đối tác pháp lý toàn diện và đáng tin cậy giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tuân thủ pháp luật, tối ưu hiệu quả và phát triển bền vững.
Picture of TinLaw

TinLaw

Đối tác pháp lý toàn diện và đáng tin cậy giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tuân thủ pháp luật, tối ưu hiệu quả và phát triển bền vững.

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

Đặt câu hỏi, ý kiến hoặc yêu cầu tư vấn

Form Example