You are here:

Vốn điều lệ thành lập công ty cổ phần mới nhất

Công ty cổ phần là 1 trong những loại hình doanh nghiệp được lựa chọn nhiều nhất khi thành lập công ty. Vì vậy, các quy định liên quan đến vốn điều lệ thành lập công ty cổ phần cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm, nhất là khi Luật Doanh nghiệp mới chính thức có hiệu lực.

Trong bài viết này, dịch vụ thành lập công ty TinLaw xin chia sẻ đến các bạn quy định về mức vốn điều lệ khi thành lập công ty cổ phần tại Việt Nam hiện nay.

Căn cứ pháp lý

Vốn điều lệ công ty cổ phần là gì?

Theo Khoản 1 Điều 112 Luật Doanh nghiệp 2020, vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.

Vốn điều lệ của công ty cổ phần được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Và cổ đông phải chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi vốn góp của mình.

Bên cạnh đó, vốn điều lệ của công ty có thể được thay đổi trong quá trình hoạt động kinh doanh. Khi thay đổi vốn điều lệ, công ty phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp với cơ quan có thẩm quyền.

Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán
Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán

Mức vốn điều lệ khi thành lập công ty cổ phần là bao nhiêu? Có cần chứng minh không?

Cá nhân, tổ chức có thể tự do quyết định mức vốn điều lệ khi đăng ký thành lập công ty (trừ một số ngành nghề có điều kiện về vốn pháp định và ký quỹ theo quy định của pháp luật). Và doanh nghiệp cũng không cần chứng minh vốn điều lệ với cơ quan chức năng.

Việc có thể tự do chọn mức vốn điều lệ tạo ra cả 2 mặt tích cực và tiêu cực:

Tích cực: Các doanh nghiệp có nguồn vốn lớn thường sẽ tạo được sự tin tưởng, thu hút vốn đầu tư nhiều hơn. Ngược lại, với số vốn điều lệ quá thấp thì các chủ doanh nghiệp không thể nào thể hiện được tiềm lực tài chính cũng như quy mô của công ty mình cho đối tác thấy. Điều này dẫn đến sự thiếu tin tưởng trong hợp tác kinh doanh, thậm chí không tìm được đối tác cho mình. Thêm nữa khi doanh nghiệp cần nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng thì với số vốn quá thấp cũng không tạo được “niềm tin” cho ngân hàng để được vay số vốn vượt ngoài khả năng, vượt ngoài vốn điều lệ. Do đó, nếu tiềm lực kinh tế của bạn càng mạnh thì bạn có thể bỏ vốn càng nhiều vào kinh doanh.

Tiêu cực: Còn nếu chủ doanh nghiệp đưa ra số vốn ngoài khả năng của bản thân thì cái lợi trước mắt là tạo được niềm tin cho đối tác, ngân hàng nhưng rủi ro cũng rất lớn. Giả sử làm ăn thất bại dẫn đến gây nợ cho khách hàng; nặng hơn là giải thể, phá sản; hoặc vay ngân hàng quá nhiều dẫn đến không có khả năng chi trả, chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bằng đúng số vốn mà mình đã đăng ký.

Bên cạnh đó, vốn điều lệ còn ảnh hưởng đến mức thuế môn bài đóng hàng năm. Vốn càng cao thì mức đóng thuế môn bài cũng tăng, cụ thể: Trên 10 tỷ đồng đóng 3.000.000 đồng/năm; từ 10 tỷ đồng trở xuống đóng 2.000.000 đồng/năm; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác đóng 1.000.000 đồng/năm.

Vậy nên, Quý khách cần cân nhắc nhiều yếu tố để xác định được mức vốn điều lệ cho phù hợp với điều kiện của mình. Cá nhân, tổ chức có thể xác định vốn điều lệ của công ty cổ phần dựa trên các căn cứ sau:

  • Khả năng tài chính của mình;
  • Phạm vi, quy mô hoạt động của công ty;
  • Chi phí hoạt động thực tế của công ty sau khi thành lập (vì vốn điều lệ của công ty để sử dụng cho các hoạt động của công ty sau khi thành lập);
  • Dự án ký kết với đối tác…

Ngoài các yếu tố trên, để xác định mức vốn điều lệ khi thành lập công ty cổ phần Quý khách cần lưu ý thêm ngành nghề kinh doanh của mình. Vì một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện về vốn pháp định và ký quỹ thì vốn điều lệ của công ty phải đáp ứng điều kiện của pháp luật. Cụ thế:

Đối với ngành nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định

Vốn pháp định là số vốn tối thiểu để công ty được thành lâp theo quy định của nhà nước. Chỉ một số ngành nghề cụ thể nhà nước quy định vốn pháp định mới phải áp dụng.

Khi công ty đăng ký hoạt động ngành nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định thì vốn điều lệ của công ty không được thấp hơn mức vốn pháp định đối với ngành nghề kinh doanh đó. Nhà nước không quy định mức vốn tối đa. Ví dụ vốn pháp định của:

  • Kinh doanh bất động sản: 20 tỷ đồng
  • Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: 100 triệu đồng
  • Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài: 500 triệu đồng…

Đối với ngành nghề kinh doanh yêu cầu ký quỹ

Vốn ký quỹ khi đăng ký thành lập công ty là số vốn trong vốn bắt buộc tuy nhiên doanh nghiệp của bạn phải có một khoản tiền ký quỹ thực tế trong ngân hàng, nhằm đảm bảo sự hoạt động của công ty.

Theo đó, khi đăng ký kinh doanh những ngành nghề yêu cầu ký quỹ thì công ty phải có tài liệu chứng minh đã ký quỹ số tiền mà pháp luật quy định.

Nhà nước quy định mức ký quỹ cụ thể đối với từng ngành nghề tại các văn bản pháp luật. Ví dụ mức ký quỹ của:

  • Dịch vụ việc làm: Ký quỹ 300 triệu đồng) tại ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản giao dịch chính
  • Cho thuê lại lao động: Ký quỹ 2 tỷ đồng tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam
  • Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh: Ký quỹ 10 tỷ đồng, nộp tại tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp có kho, bãi…

Tại thời điểm đăng ký thành lập công ty, các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán.

Tóm lại, đối với ngành nghề kinh doanh thông thường thì doanh nghiệp chọn mức vốn điều lệ bao nhiêu cũng được, tuy nhiên vì vốn điều lệ ảnh hưởng nhiều đến lòng tin của đối tác, khách hàng, nhà đầu tư… và mức thuế môn bài nên doanh nghiệp cần xem xét điều kiện thực tế của mình để chọn mức vốn phù hợp nhất. Riêng đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện về vốn pháp định và ký quỹ thì doanh nghiệp phải kê khai vốn điều lệ tối thiểu theo quy định.

>> Xem thêm: Ngành nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định, ký quỹ

Công ty cổ phần được tự do quyết định mức vốn điều lệ khi đăng ký thành lập công ty
Doanh nghiệp được tự do quyết định mức vốn điều lệ khi thành lập công ty

Vốn điều lệ công ty cổ phần có thể góp bằng những hình thức nào?

Các cổ đông có thể góp vốn bằng tài sản hoặc bằng tiền mặt, cụ thể Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:

Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.

Định giá tài sản góp vốn là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác như thế nào?

  1. Đối với tài sản góp vốn KHÔNG phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.
  2. Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.

Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì các cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

  1. Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do chủ sở hữu, Hội đồng quản trị và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và chủ sở hữu, Hội đồng quản trị chấp thuận.

Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng quản trị cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

>> Xem thêm: Hướng dẫn cách thành lập công ty cổ phần

Tăng, giảm vốn điều lệ công ty cổ phần như thế nào?

Vốn điều lệ có thể được tăng, giảm tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp muốn thay đổi vốn điều lệ phải gửi hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đăng ký đặt trụ sở chính. Thông tin chi tiết được quy định tại Điều 51 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh qua cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Thủ tục góp vốn điều lệ công ty cổ phần tại thời điểm thành lập

Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần các cổ đông đã đăng ký mua.

Nếu sau thời hạn trên, cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua thì thực hiện theo quy định sau đây:

  • Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác;
  • Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác;
  • Cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán;
  • Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này; đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập.

Lưu ý: Cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời hạn trước ngày công ty đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều này. Thành viên Hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới về các thiệt hại phát sinh do không thực hiện hoặc không thực hiện đúng quy định tại khoản 1 và điểm d khoản 3 Điều này.

Một số lưu ý về điều lệ thành lập công ty cổ phần

Khi đăng ký vốn điều lệ thành lập công ty cổ phần cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

  • Vốn điều lệ là điều kiện để xác định lệ phí môn bài hằng năm của doanh nghiệp
    • Vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở xuống: lệ phí môn bài 2 triệu đồng/năm
    • Vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên: lệ phí môn bài 3 triệu đồng/ năm
  • Cổ đông chỉ được rút vốn bằng hình thức bán cổ phần cho người mua, không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới bất kỳ hình thức nào.
  • Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, mà các cổ đông không gom đủ vốn góp như đã đăng ký. Công ty phải thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn điều lệ, trong trường hợp không thực hiện điều chỉnh sẽ bị phạt từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng

Trên đây là quy định về vốn điều lệ thành lập công ty cổ phần mới nhất 2022. Nếu Quý khách vẫn còn vấn đề chưa rõ liên quan đến vốn điều lệ thành lập công ty cổ phần, hãy liên hệ dịch vụ thành lập doanh nghiệp của TinLaw để được hướng dẫn, giải đáp.

Picture of TinLaw
TinLaw
Đối tác pháp lý toàn diện và đáng tin cậy giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tuân thủ pháp luật, tối ưu hiệu quả và phát triển bền vững.

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

Đặt câu hỏi, ý kiến hoặc yêu cầu tư vấn