You are here:

Tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài

Xác định tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài không chỉ giúp nhà đầu tư đủ điều kiện đầu tư mà còn là cơ sở để xác định quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư trong doanh nghiệp.

Căn cứ pháp lý

  • Luật đầu tư 2020
  • Nghị định 31/2021/NĐ-CP

Hình thức đầu tư vào Việt Nam

Theo điều 21, Luật đầu tư 2020 thì góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp là một trong những hình thức đầu tư tại Việt Nam.

“Điều 21. Hình thức đầu tư

  1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
  2. Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
  3. Thực hiện dự án đầu tư.
  4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
  5. Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.”

Điều kiện để nhà đầu tư được đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp

Nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế. Việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các quy định, điều kiện sau đây:

  • Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật này;
  • Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật này;
  • Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.

Hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp

Theo quy định tại khoản 1 &2, điều 25, Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo các hình thức sau đây:

1. Nhà đầu tư được góp vốn vào tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:

a. Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;

b. Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;

c. Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

2. Nhà đầu tư mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:

a. Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;

b. Mua phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;

c. Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;

d. Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này.

Các ngành nghề công nghiệp và dịch vụ được nhà đầu tư nước ngoài ưu ái
Các ngành nghề công nghiệp và dịch vụ được nhà đầu tư nước ngoài ưu ái

Tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài

1. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư

Khoản 1 Điều 9 Luật Đầu tư năm 2020 quy định: Nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, trừ những ngành nghề thuộc Danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Theo quy định tại khoản 2 và 3 Điều 9 Luật Đầu tư, điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài gồm điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế và các điều kiện quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản này. Các điều kiện cụ thể được quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (luật, nghị quyết, pháp lệnh, nghị định và điều ước).

Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, gồm: (i) ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; và (ii) ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Điểm a khoản 4 Điều 17 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề Việt Nam chưa cam kết về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài như sau: “Trường hợp các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ (sau đây gọi chung là pháp luật Việt Nam) không có quy định hạn chế tiếp cận thị trường đối với ngành, nghề đó thì nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước”.

Căn cứ quy định nêu trên, nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ tại doanh nghiệp theo các nguyên tắc sau:

♦ Nhà đầu tư nước ngoài không được sở hữu vốn điều lệ tại doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

♦ Đối với ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, việc xác định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thực hiện như sau:

      • Trường hợp luật, nghị quyết, pháp lệnh, nghị định và điều ước quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp thực hiện theo tỷ lệ này.
      • Trường hợp luật, nghị quyết, pháp lệnh, nghị định và điều ước không quy định hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp và phải bảo đảm các điều kiện khác quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 3 Điều 9 Luật Đầu tư (nếu có).

♦ Đối với ngành nghề không thuộc Danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài  thì nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp.

2. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp hoạt động trên thị trường chứng khoán

a) Điểm c khoản 10 Điều 17 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định: “Đối với công ty đại chúng, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán, trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.”

Theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư, hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Căn cứ quy định nêu trên, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư, hoạt động trên thị trường chứng khoán thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

b) Khoản 1 Điều 139 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đại chúng. Trong đó, điểm c khoản 1 Điều 139 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định:

“Công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài thì thực hiện theo quy định về sở hữu nước ngoài tại Danh mục. Trường hợp ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện tại Danh mục không quy định cụ thể điều kiện tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty là 50% vốn điều lệ”.

Trên đây là ý kiến tư vấn của TinLaw đối với vấn đề quy định về tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Nhà đầu tư nên cân nhắc lựa chọn ngành nghề kinh doanh phù hợp để tránh vi phạm pháp luật về đầu tư.

Picture of TinLaw
TinLaw
Đối tác pháp lý toàn diện và đáng tin cậy giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tuân thủ pháp luật, tối ưu hiệu quả và phát triển bền vững.
Picture of TinLaw

TinLaw

Đối tác pháp lý toàn diện và đáng tin cậy giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tuân thủ pháp luật, tối ưu hiệu quả và phát triển bền vững.

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

Đặt câu hỏi, ý kiến hoặc yêu cầu tư vấn

Form Example