Trước khi bắt đầu kinh doanh, bạn phải trả lời một câu hỏi vô cùng quan trọng: Thành lập công ty cần bao nhiêu tiền? Trong bài viết này, dịch vụ thành lập doanh nghiệp TinLaw sẽ liệt kê chi tiết những khoản phí, lệ phí cần chuẩn bị khi thành lập doanh nghiệp. Cùng theo dõi nhé!
Chi phí thành lập doanh nghiệp bao gồm các khoản phí, lệ phí phải đóng cho nhà nước theo quy định và khá nhiều chi phí liên quan khác. Cụ thể:
Căn cứ pháp lý
- Luật Doanh nghiệp 2020
- Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT
- Thông tư số 47/2019/TT-BTC
Các khoản chi phí đăng ký thành lập công ty phải đóng
1. Lệ phí đăng ký doanh nghiệp
Lệ phí cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại là 50.000 VNĐ/lần, theo quy định mới nhất tại Thông tư số 47/2019/TT-BTC ngày 05 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Chủ doanh nghiệp nộp mức lệ phí này trực tiếp tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố và nộp cùng thời điểm nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nếu thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử thì sẽ được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp này nhé.
2. Phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp cần phải công bố thông tin doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia.
Mức phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp là 100.000 VNĐ/lần (Thông tư số 47/2019/TT-BTC).
>> Xem thêm: Bố cáo thành lập doanh nghiệp là gì? Quy định bố cáo thành lập doanh nghiệp
3. Chi phí khắc con dấu doanh nghiệp
Loại chi phí đăng ký thành lập doanh nghiệp tiếp theo là phí khắc con dấu. Mức phí khắc con dấu doanh nghiệp trên thị trường hiện nay đang giao động trong khoảng 450.000 – 500.000 đồng tùy thuộc vào loại dấu và đơn vị cung cấp dịch vụ khắc dấu.
Lưu ý, kể khi Luật Danh nghiệp 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, quy định về con dấu công ty cũng có nhiều thay đổi. Cụ thể:
- Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
- Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.
- Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành.
- Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.
So với quy định về con dấu tại Luật doanh nghiệp 2014 thì luật mới đã bỏ quy định “Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp”.
Như vậy, kể từ ngày 01/01/2021 doanh nghiệp mới thành lập KHÔNG CẦN thực hiện thủ tục thông báo mẫu con dấu nữa nhé. Ngoài ra, việc đưa chữ ký điện tử làm dấu của doanh nghiệp góp phần giúp doanh nghiệp có thêm lựa chọn trong việc sử dụng dấu thay vì chỉ sử dụng con dấu khắc như hiện nay.
4. Phí mua chữ ký số (Token)
Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử, nó có vai trò giống như chữ ký đối với cá nhân và con dấu đối với doanh nghiệp.Doanh nghiệp sẽ sử dụng chữ ký số để kê khai nộp thuế trực tuyến, kê khai hải quan điện tử, giao dịch ngân hàng điện tử, giao dịch chứng khoán điện tử, kê khai bảo hiểm xã hội điện tử, cổng thông tin một cửa quốc gia, cơ quan hành chính, ký hợp đồng với đối tác làm ăn trực tuyến và gửi qua email…
Mức chi phí mua chữ ký số hiện tại đang giao động trong khoảng từ 1.500.000 – 2.500.000 VNĐ, tùy thuộc vào thời hạn của Token.
Chủ doanh nghiệp có thể mua chữ ký số từ đại lý chữ ký số của VIETTEL, FPT, BKAV, CK, VINA, NEWTEL, NACENCOMM, SAFE-CA…Các nhà cung cấp này được phép cung cấp chữ ký số cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
>> Xem thêm: Hướng dẫn kết nối chữ ký số cho tài khoản đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng
5. Chi phí mở tài khoản ngân hàng
Hiện nay, tất cả các doanh nghiệp thành lập đều mở tài khoản ngân hàng, vì nếu không có sẽ không thể đăng ký nộp thuế điện tử, không thể thực hiện các cao dịch > 20 triệu; … nói chung mở tài khoản ngân hàng sẽ giúp doanh nghiệp thuận tiện hơn rất nhiều trong hoạt động kinh doanh, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động giao dịch, thanh toán…
Hầu hết các ngân hàng MIỄN PHÍ mở tài khoản doanh nghiệp. Tuy nhiên ngân hàng thường yêu cầu doanh nghiệp ký quỹ duy trì tài khoản thông thường là 1.000.000 VNĐ (mức này có thể chênh lệch do chính sách của các ngân hàng)… Nếu doanh nghiệp đóng tài khoản ngân hàng thì ngân hàng sẽ hoàn trả lại tiền ký quỹ này.
Thủ tục mở tài khoản ngân hàng ban đầu của doanh nghiệp cần chuẩn bị những giấy tờ sau:
- Bản sao y công chứng CMND của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
- Bản sao y công chứng giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
- Quyết định bổ nhiệm kế toán trưởng của doanh nghiệp.
- Giấy đề nghị mở tài khoản ngân hàng (Theo mẫu của ngân hàng).
Ngoài ra, theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 01/05/2021, thông tin về tài khoản ngân hàng không còn là thông tin đăng ký thuế nữa. Vì vậy, sau khi thành lập, doanh nghiệp mở tài khoản ngân hàng không phải thông báo với bất kỳ cơ quan nhà nước nào.
>> Xem thêm: Danh mục ngân hàng cung cấp dịch vụ Nộp thuế điện tử
6. Chi phí mua hóa đơn điện tử và phát hành hóa đơn
Hóa đơn điện tử là hóa đơn được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, ký số, ký điện tử theo quy định bằng phương tiện điện tử, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
Hiện tại theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/07/2022 công ty mới thành lập bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử khi xuất hóa đơn cho khách hàng.
Chí phí mua hóa đơn điện tử phụ thuộc vào lựa chọn của doanh nghiệp: doanh nghiệp tự đầu tư về cơ sở hạ tầng phục vụ cho công việc này hoặc sử dụng dịch vụ cung cấp hóa đơn điện tử từ bên ngoài.
Nếu lựa chọn mua hóa đơn từ một dịch vụ bên ngoài thì trên thị trường hiện nay có rất nhiều gói hóa đơn điện tử với nhiều loại chi phí khác nhau. Trung bình chi phí mua hóa đơn điện tử khoảng 850.000 VNĐ/300 hoá đơn.
Một số đơn vị có số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ hóa đơn điện tử lớn nhất hiện nay bao gồm:
- Công ty Cổ phần Misa
- Công ty Cổ phần BKAV
- Công ty Cổ phần Đầu tư công nghệ và thương mại Softdreams
- Công ty TNHH Hóa đơn điện tử M-INVOICE
- Công ty TNHH Phát triển công nghệ Thái Sơn
- Công ty Cổ phần Công nghệ Tin học EFY Việt Nam
- Công ty Cổ phần công nghệ thẻ Nacencomm
- Công ty Cổ phần dịch vụ T-VAN HILO
- Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT
>> Xem thêm: Các loại hóa đơn điện tử, hình thức của các loại hóa đơn và quy trình xuất hóa đơn điện tử
7. Lệ phí môn bài của doanh nghiệp
Các văn bản quy định về Lệ phí môn bài hiện tại: Thông tư 65/2020/TT-BTC, Thông tư 302/2016/TT-BTC, Nghị định 126/2020/NĐ-CP, Nghị định 22/2020/NĐ-CP, Nghị định 139/2016/NĐ-CP.
Mức nộp thuế môn bài đối với Doanh nghiệp:
Vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư | Mức thuế môn bài cả năm | Bậc | Mã Tiều mục |
Trên 10 tỷ đồng | 3.000.000 đồng/năm | Bậc 1 | 2862 |
Từ 10 tỷ đồng trở xuống | 2.000.000 đồng/năm | Bậc 2 | 2863 |
Cách xác định vốn điều lệ: Căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Doanh nghiệp mới thành lập (bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh thực hiện nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 năm sau năm thành lập hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Lưu ý:
- Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập đối với Doanh nghiệp thành lập mới.
- Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thành lập mới cũng được miễn lệ phí môn bài.
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
>> Xem thêm: Mức đóng lệ phí môn bài
8. Phí làm biển công ty
Phí làm biển hiệu khá đa dạng, tùy thuộc vào chất liệu, kích thức và đơn vị làm biển. Trên thị trường hiện nay, mức giá làm biển hiệu công ty dao động từ 200.000 – 1.500.000 đồng.
8. Các loại chi phí thành lập công ty khác của doanh nghiệp
Ngoài các loại phí đăng ký thành lập doanh nghiệp đã đề cập ở trên, chủ doanh nghiệp còn cần chi trả thêm một số khoản chi phí khác bao gồm:
- Chi phí kê khai và đăng ký thuế lần đầu: Nếu bạn tự bỏ công và thời gian thực hiện thì không mất chi phí. Còn nếu thuê dịch vụ thì chi phí tùy thuộc vào đơn vị cung cấp dịch vụ, mặt bằng chung giao động từ 1.500.000 – 2.000.000 VNĐ;
- Chi phí tiếp đón đoàn kiểm tra của cơ quan thuế;
- Chi phí trang bị cơ sở vật chất: chi phí thuê văn phòng, mặt bằng, trụ sở kinh doanh; văn phòng phẩm; bàn ghế, máy tính, lương cho nhân viên… chi phí tùy thuộc vào tiềm lực của công ty.
Như vậy, nếu tự thực hiện thì chi phí ban đầu thành lập doanh nghiệp dao động trong khoảng trên dưới 10 triệu (chưa tính chi phí cơ sở vật chất). Cần lưu ý, đây chỉ là mức phí trung bình, thực tế trong quá trình chủ doanh nghiệp thực hiện thủ tục thành lập công ty ở các cơ quan chức năng có thể phát sinh thêm nhiều khoản chi khác nếu hồ sơ, thủ tục chưa hợp lệ, hợp lý.
>> Xem thêm: Thủ tục khai thuế ban đầu cho công ty mới thành lập
Một số câu hỏi thường gặp về chi phí, lệ phí thành lập công ty
Tổng chi phí thành lập công ty hết bao nhiêu tiền?
Như đã trình bày ở trên, tổng chi phí đăng ký thành lập doanh nghiệp dao động trên dưới 10 triệu đồng (nếu tự thực hiện). Mức chi phí này chưa bao gồm các khoản chi phí về cơ sở vật chất.
Cơ quan có thẩm quyền thu phí, lệ phí khi thành lập công ty?
Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là đơn vị thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp.
Ngoài ra, nếu sử dụng các dịch vụ bên ngoài như: khắc con dấu, mua chữ ký số, mở tài khoản ngân hàng, mua hóa đơn điện tử… thì các chi phí này sẽ được chi trả cho công ty cung cấp các dịch vụ đó.
Phí đăng kí Công ty TNHH và Công ty Cổ Phần có chênh lệch không?
Chi phí thành lập Công ty TNHH và Công ty Cổ Phần tại TinLaw không có sự khác biệt. Quý độc giả có thể liên hệ thêm nhiều đơn vị khác để tham khảo giá.
Có nên thuê dịch vụ thành lập công ty hay không?
Nếu thuê dịch vụ thì sẽ mất thêm 1 khoản phí thành lập doanh nghiệp nữa, bù lại chủ doanh nghiệp không phải lăng tăng về các thủ tục pháp lý, cũng không cần mất thời gian, công sức đi lại giữa các cơ quan nhà nước.
Do vậy, có nên thuê dịch vụ thành lập doanh nghiệp hay không tùy thuộc vào mức độ am hiểu quy trình, thủ tục pháp lý và mức tài chính của chủ doanh nghiệp. Nếu đã có kinh nghiệm làm việc với cơ quan đăng ký kinh doanh thì hãy tự thực hiện để tiết kiệm chi phí. Ngược lại, nếu muốn có người hỗ trợ thì hãy tìm dịch vụ.
Trên đây là giải đáp thắc mắc cho vấn đề cần “thành lập công ty cần bao nhiêu tiền?”. Nếu dự trù được chi phí đăng ký thành lập công ty gồm những gì, tổng bao nhiêu tiền thì sẽ giúp chủ doanh nghiệp hạn chế được những rủi ro về tài chính và lên kế hoạch chi tiêu cho việc thành lập doanh nghiệp tốt hơn. Nếu vẫn còn điều gì băn khoăn liên quan đến chi phí thành lập doanh nghiệp hãy liên hệ dịch vụ thành lập công ty TinLaw theo thông tin bên dưới để được hướng dẫn, giải đáp:
Trụ sở: Tòa nhà TIN Holdings, 399 Nguyễn Kiệm, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.
Tổng đài: 1900 633 306
Email: cs@tinlaw.vn
Hotline: 0919 824 239