You are here:

Làm thêm giờ có tính thuế thu nhập cá nhân?

Theo quy định của pháp luật, tiền lương tiền công là một trong những khoản thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Nhưng trong thực tế, ngoài tiền lương nhận được trong giờ hành chính có rất nhiều người lao động tăng ca, làm thêm giờ để có thêm thu nhập. Vậy làm thêm giờ có tính thuế thu nhập cá nhân không? Nếu có thì tính thuế thu nhập cá nhân làm thêm giờ như thế nào?

Đối với các vấn đề trên, công ty kế toán thuế TinLaw xin được giải đáp như sau:

Cách tính tiền lương làm thêm

Căn cứ theo quy định của pháp luật, khi người lao động làm thêm giờ thì sẽ được trả tiền lương cao hơn so với giờ làm bình thường, cụ thể như sau:

Đối với người lao động hưởng lương theo thời gian:

Tiền lương làm thêm giờ = Tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% x Số giờ làm thêm

Trong đó:

  • Tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường được xác định trên cơ sở tiền lương thực trả theo công việc đang làm của tháng mà người lao động làm thêm giờ chia cho số giờ thực tế làm việc trong tháng (không quá 208 giờ đối với công việc có điều kiện lao động, môi trường lao động bình thường và không kể số giờ làm thêm). Trường hợp trả lương theo ngày hoặc theo tuần, thì tiền lương giờ thực trả được xác định trên cơ sở tiền lương thực trả của ngày hoặc tuần làm việc đó (trừ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương trả thêm khi làm việc vào ban đêm) chia cho số giờ thực tế làm việc trong ngày hoặc trong tuần (không quá 8 giờ/ngày và không kể số giờ làm thêm).

Tiền lương giờ thực trả nêu trên không bao gồm tiền lương làm thêm giờ, tiền lương trả thêm khi làm việc vào ban đêm, tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định của Bộ luật Lao động; tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động”.

  • Mức ít nhất bằng 150% so với tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày thường;
  • Mức ít nhất bằng 200% so với tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ hằng tuần;
  • Mức ít nhất bằng 300% so với tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, chưa kể tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định của Bộ luật Lao động, đối với người lao động hưởng lương theo ngày.

Ví dụ 1: Anh Quyết có mức lương trên hợp đồng lao động được ký kết như sau:

  • Lương chính: 10.000.000/tháng
  • Phụ cấp:
    • Ăn trưa: 700.000/tháng
    • Điện thoại: 300.000/tháng
  • Mức tiền lương trên được tính theo thời gian là 26 ngày/tháng
  • Thời gian làm việc:
    • Một ngày phải đi làm 8h (Sáng từ 7h30 đến 11h30 – Chiều từ 13h30 đến 17h)
    • Một tuần làm 6 ngày: từ thứ 2 đến thứ 7 (nghỉ ngày chủ nhật)

Trong tháng 4 năm 2021, anh Quyết có phát sinh chấm công như sau:

Thứ 7 (ngày 25/04/2021): anh Quyết có đi làm thêm 1h vào lúc 18h

  • Thứ 7 là ngày làm việc bình thường => Tiền lương làm thêm 1 giờ vào ngày thường là: (10.000.000/26/8) x 150% x 1h = 72.115

Chủ nhật (ngày 26/04/2021): anh Quyết có đi làm thêm 2h vào lúc 9h – 11h

  • Chủ nhật là ngày nghỉ => Tiền lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ là: (10.000.000/26/8) x 200% x 2h = 192.307

Thứ 5 (ngày 30/04/2021): anh Quyết có đi làm thêm 3h vào lúc 8h – 11h

  • Thứ 5 là ngày lễ Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước => Tiền lương làm thêm giờ vào ngày lễ là: (10.000.000/26/8) x 300% x 3h = 432.692

Ngoài mức tiền lương làm thêm giờ vào ngày lễ thì anh Quyết vẫn được nghỉ và hưởng nguyên lương ngày 30/04.

Làm thêm giờ thì sẽ được trả tiền lương cao hơn so với giờ làm bình thường
Làm thêm giờ có tính thuế thu nhập cá nhân

Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm:

Tiền lương làm thêm giờ = Đơn giá tiền lương sản phẩm của người làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% x Số sản phầm làm thêm

Trong đó:

  • Mức ít nhất bằng 150% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với sản phẩm làm thêm vào ngày thường;
  • Mức ít nhất bằng 200% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với sản phẩm làm thêm vào ngày nghỉ hằng tuần;
  • Mức ít nhất bằng 300% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với sản phẩm làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương.

Trên đây là cách tính tiền lương làm thêm cho người lao động, quý độc giả ghi nhớ để có thể hiểu cách tính thuế thu nhập cá nhân làm thêm giờ TinLaw trình bày bên dưới nhé!

Tiền lương làm thêm giờ có tính thuế thu nhập cá nhân? Làm thêm giờ tính thuế TNCN như thế nào?

Tại khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) quy định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm các khoản thu nhập sau đây:

“2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công, bao gồm:

a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;

b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công, phụ cấp quốc phòng, an ninh, phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm, phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật, trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế, tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các khoản trợ cấp khác do Bảo hiểm xã hội chi trả, trợ cấp giải quyết tệ nạn xã hội;

c) Tiền thù lao dưới các hình thức;

d) Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, hội đồng quản lý và các tổ chức;

đ) Các khoản lợi ích khác mà đối tượng nộp thuế nhận được bằng tiền hoặc không bằng tiền;

e) Tiền thưởng, trừ các khoản tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, tiền thưởng kèm”.

 Những thu nhập từ những khoản trên sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân.

Tiếp theo chúng ta sẽ xác định xem tiền làm thêm giờ có phải chịu thuế thu nhập cá nhân hay không.

Căn cứ Điểm i Khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC:

“Điều 3. Các khoản thu nhập được miễn thuế

….

i) Thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động.

i.1) Phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ được miễn thuế căn cứ vào tiền lương, tiền công thực trả do phải làm đêm, thêm giờ trừ (-) đi mức tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường.

i.2) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập phải lập bảng kê phản ánh rõ thời gian làm đêm, làm thêm giờ, khoản tiền lương trả thêm do làm đêm, làm thêm giờ đã trả cho người lao động. Bảng kê này được lưu tại đơn vị trả thu nhập và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan thuế.”

Từ đây có thể giải đáp cho câu hỏi “tiền lương làm thêm giờ có tính thuế thu nhập cá nhân không?”. Cụ thể như sau: Phần tiền lương, tiền công được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ thì được miễn thuế. Phần còn lại của tiền lương làm thêm giờ vẫn thuộc đối tượng tính thuế thu nhập cá nhân và sẽ tính thuế như bình thường.

Cách tính:

Phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do làm việc thêm giờ, làm đêm = Tiền lương, tiền công thực trả do phải làm đêm, thêm giờ –  Tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường.

Ví dụ 2:

Từ thông tin từ ví dụ 1, anh Quyết có mức lương trả theo ngày làm việc bình thường theo quy định của Bộ luật Lao động là 10.000.000/26/8 = 48.000 đồng/giờ. Vậy thuế thu nhập cá nhân làm thêm giờ của anh Quyết tính như sau:

Trường hợp anh Quyết làm thêm giờ vào ngày thường, (48.000 đồng/giờ x 150%) được trả 72.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là: 72.000 đồng/giờ – 48.000 đồng/giờ = 24.000 đồng/giờ

>> 24.000 đồng/giờ này là phần thu nhập làm thêm được miễn thuế, tiền làm thêm 48.000 đồng/giờ còn lại vẫn tính thuế TNCN như bình thường nhé.

Trường hợp anh Quyết làm thêm giờ vào ngày nghỉ hàng tuần, (48.000 đồng/giờ x 200%) được trả 96.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là: 96.000 đồng/giờ – 48.000 đồng/giờ = 48.000 đồng/giờ

>> 48.000 đồng/giờ (sau khi trừ) là phần thu nhập được miễn thuế, phần tiền lương làm thêm 48.000 đồng/giờ còn lại vẫn tính thuế TNCN.

>> Xem thêm: Cách tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công

Trên đây là tư vấn của TinLaw về 2 vấn đề “Làm thêm giờ có tính thuế thu nhập cá nhân? Cách tính tiền lương làm thêm?” Nếu vẫn còn thắc mắc về thuế TNCN làm thêm giờ, làm thêm giờ tính thuế tncn như thế nào… quý khách vui lòng gửi câu hỏi hoặc trực tiếp liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn, giải đáp.

Picture of TinLaw
TinLaw
Đối tác pháp lý toàn diện và đáng tin cậy giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tuân thủ pháp luật, tối ưu hiệu quả và phát triển bền vững.
Picture of TinLaw

TinLaw

Đối tác pháp lý toàn diện và đáng tin cậy giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tuân thủ pháp luật, tối ưu hiệu quả và phát triển bền vững.

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

Đặt câu hỏi, ý kiến hoặc yêu cầu tư vấn

Form Example