You are here:

Tranh chấp về sở hữu trí tuệ là gì? Thẩm quyền giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ

Tranh chấp Sở hữu trí tuệ đang là một vấn đề được nhiều Doanh nghiệp quan tâm đặc biệt khi mà trong tình hình kinh tế Việt Nam đang trong quá trình từng bước tiếp cận và mở rộng ra thị trường quốc tế, tranh chấp về sở hữu trí tuệ ngày càng phức tạp hơn, 

Vậy tranh chấp Sở hữu trí tuệ là gì? Giải quyết tranh chấp Sở hữu trí tuệ ra sau? Thẩm quyền giải quyết tranh chấp như thế nào? Những nội dung này sẽ được dịch vụ luật sư TinLaw nêu rõ trong bài viết dưới đây. 

Quyền sở hữu trí tuệ là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

Tài sản trí tuệ là những sản phẩm do trí tuệ con người tạo ra, là kết quả của việc tư duy, sáng tạo của con người. Tài sản trí tuệ là một loại tài sản vô hình, nhưng việc thể hiện tài sản trí tuệ có thể bao gồm nhiều hình thức. 

Quyền sở hữu trí tuệ là gì?

Quyền sở hữu trí tuệ là gì?

Theo quy định hiện hành, tài sản trí tuệ được nhà nước bảo hộ gồm các loại sau: 

  • Đối tượng liên quan đến quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả (quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu): tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.
  • Đối tượng liên quan đến sở hữu công nghiệp: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.
  • Đối tượng liên quan đến quyền về giống cây trồng: vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch.

Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ

Để hiểu rõ hơn về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, hãy cùng tìm hiểu về khái niệm của nó.

Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ là gì?

Quy định pháp luật Việt Nam chưa có một định nghĩa cụ thể về tranh chấp là gì. Nhưng theo những quy định pháp luật hiện hành, thì có thể hiểu tranh chấp là việc xung đột về lợi ích pháp lý có ít nhất 2 bên trong một lĩnh vực dân sự nhất định. Quan hệ dân sự đó có thể là quan hệ tài sản hoặc quan hệ nhân thân. 

Tranh chấp về sở hữu trí tuệ là gì?

Tranh chấp về sở hữu trí tuệ là gì?

Tranh chấp về sở hữu trí tuệ là những mâu thuẫn, xung đột lợi ích giữa các chủ thể liên quan đến việc xác lập, khai thác, sử dụng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Một số ví dụ về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam

Trong bối cảnh quyền sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp, ngày càng có nhiều vụ án tranh chấp về sở hữu trí tuệ. Dưới đây là một số vụ tranh chấp mà được nhiều bên quan tâm gần đây: 

  • Gần đây nhất, vụ án được nhiều sự quan tâm là vụ án tranh chấp nhãn hiệu Phở Thìn giữa Phở Thìn Lò đúc và Phở Thìn Bờ hồ;
  • Tháng 9 vừa rồi, Tòa án Nhân dân TPHCM vừa có bản án tuyên bố họa sĩ Lê Linh là tác giả của 4 hình tượng Tý, Sửu, Dần, Mẹo trong tác phẩm nổi tiếng Thần đồng đất Việt, kết thúc 12 năm tranh chấp quyền tác giả giữa họa sĩ Lê Linh và bà Phan Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc công ty Phan Thị;
  • Ngoài ra, trong việc mở rộng nhãn hiệu ra thị trường quốc tế, chúng ra không thể không nhắc đến vụ tranh chấp nhãn hiệu cà phê Trung Nguyên tại Mỹ, vụ án đã khiến cà phê Trung Nguyên gặp nhiều khó khăn trong việc giới thiệu cà phê Việt Nam ra thị trường thế giới. 

Ngoài ra, vẫn còn rất nhiều vụ tranh chấp về sở hữu trí tuệ được nhiều người quan tâm như vụ tranh chấp nhãn hiệu mì Hảo Hảo-mì Hảo Hạng, tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ nhân vật hoạt hình Việt Nam,…

Quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ

Theo quy định pháp luật hiện hành, việc giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ có thể giải quyết theo các phương án sau đây:

1. Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại (điểm b khoản 1 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành). 

  • Cá nhân, tổ chức bị xâm phạm về quyền Sở hữu trí tuệ có thể thực hiện khi phát hiện có việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. 
  • Hình thức thực hiện: Thông báo bằng văn bản cho người xâm phạm. Trong văn bản thông báo phải có các thông tin chỉ dẫn về căn cứ phát sinh, Văn bằng bảo hộ, phạm vi, thời hạn bảo hộ và phải ấn định một thời hạn hợp lý để người xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm.

2. Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan (điểm c khoản 1 Điều 198 Luật SHTT)

  • Người bị xâm phạm quyền SHTT nộp Đơn yêu cầu xử lý xâm phạm Quyền Sở hữu trí tuệ và các tài liệu, chứng cứ kèm theo nhằm chứng minh yêu cầu đó tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Sau khi nhận được đơn yêu cầu của cá nhân, tổ chức bị xâm phạm về SHTT, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ ra quyết định về việc từ chối xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT hoặc đồng ý giải quyết hành vi xâm phạm. Đối với trường hợp từ chối giải quyết hành vi xâm phạm, cơ quan nhà nước phải nêu rõ lý do từ chối. 
  • Đối với trường hợp xác định có hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ giám định giá trị của tài sản trí tuệ, sau đó áp dụng biện pháp hành chính phù hợp để xử lý và ngăn chặn hành vi xâm phạm như: 
  • Buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại,  
  • Tiêu hủy;
  • Tịch thu
  • Buộc tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa xâm phạm triệu hồi hàng hóa xâm phạm đã được đưa vào kênh phân phối của tổ chức, cá nhân đó để áp dụng biện pháp. 

3. Giải quyết tranh chấp Sở hữu trí tuệ bằng thương lượng, hòa giải

Tranh chấp về sở hữu trí tuệ là một dạng tranh chấp dân sự, mà là tranh chấp dân sự thì hai bên đều có quyền giải quyết tranh chấp bằng thương lượng hoặc hòa giải. 

Tiêu chí Thương lượng Hòa giải
Khái niệm Là phương thức giải quyết tranh chấp bằng việc các bên tự nguyện trao đổi, thảo luận, bàn bạc để giải quyết tranh chấp Là phương thức giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian để tìm đàm phán, thuyết phục, tìm phương án giải quyết tranh chấp
Tính bảo mật bảo mật tuyệt đối do chỉ có các bên tranh chấp tham gia Bảo mật tương đối.
Kinh phí Ít tốn kém Tốn kém hơn do phải thuê bên thứ ba
Ưu điểm Đơn giản, nhanh chóng, ít tốn kém, bảo vệ được bí mật kinh doanh của các bên tranh chấp. Có khả năng thành công cao hơn
Nhược điểm Không có sự ràng buộc, khả năng thực thi phụ thuộc vào sự tự nguyện của các bên Tốn kém chi phí, bí mật kinh doanh có thể bị ảnh hưởng, khả năng thực thi phụ thuộc vào sự tự nguyện của các bên

Tuy nhiên, hai phương thức này đều có một nhược điểm là không có cơ quan nhà nước đảm bảo các bên thực hiện theo các thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp. Vì thương lượng, hòa giải về bản chất cũng là sự thỏa thuận, tự nguyện của các bên, do đó, nếu có một bên cố ý vi phạm các thỏa thuận này, thì bên còn lại vẫn phải tiến hành tố tụng để giải quyết tranh chấp được triệt để hơn. 

4. Khởi kiện tại Tòa án hoặc Trọng tài để giải quyết tranh chấp:

Cá nhân, tổ chức bị xâm phạm về Sở hữu trí tuệ có thể nộp đơn tại Tòa án Nhân dân có thẩm quyền hoặc Trọng tài Thương mại (nếu thuộc thẩm quyền của Trọng tài). 

Kèm theo đơn khởi kiện, nguyên đơn phải nộp kèm theo: 

  • Các chứng cứ chứng minh quyền sở hữu trí tuệ (bản sao Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan, văn bằng bảo hộ; bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan, Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp, Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ, Bản sao hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ,  Chứng cứ cần thiết để chứng minh căn cứ phát sinh quyền SHTT,…);
  • Các chứng cứ về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh;
  • Các chứng cứ chứng minh thiệt hại (nếu có yêu cầu bồi thường thiệt hại). 

Trong trường hợp giải quyết tranh chấp, Tòa án hoặc Trọng tài có thẩm quyền có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có hành vi xâm phạm: 

  1. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
  2. Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
  3. Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
  4. Buộc bồi thường thiệt hại;
  5. Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ

Tùy theo phương án giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ, thẩm quyền giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ cũng sẽ khác nhau:

Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hành chính

  • Thanh tra Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền xử lý Vi phạm quy định về tranh chấp Sở hữu công nghiệp;
  • Thanh tra Thông tin và Truyền thông có thẩm quyền xử lý vi phạm trong hành vi “Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại của người khác được bảo hộ nhằm chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng”;
  • Quản lý thị trường có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm sau đây:
  • Hành vi vi phạm quy định trong hoạt động sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng hóa tại thị trường trong nước;
  • Hành vi vi phạm quy định trong hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng hóa tại thị trường trong nước.
  • Hải quan có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm quy định tại trong hoạt động quá cảnh, nhập khẩu hàng hóa;
  • Công an có thẩm quyền phát hiện, xác minh, thu thập thông tin, chứng cứ các hành vi xâm phạm quyền về sở hữu công nghiệp và cung cấp cho các cơ quan xử lý vi phạm theo quy định; có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm về giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý.
  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp xảy ra tại địa phương theo nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. 

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp tại Tòa án Nhân dân có thẩm quyền

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp tòa án nhân dân phân chia theo 2 cấp bậc:

1. Thẩm quyền theo cấp Tòa án: 

  • Tòa án Nhân dân cấp huyện: Giải quyết các tranh chấp về Sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ không nhằm mục đích lợi nhuận; 
  • Tòa án Nhân dân cấp tỉnh: Nếu một trong các bên tranh chấp hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặc tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận;

2. Thẩm quyền theo lãnh thổ: 

  • Nơi bên bị kiện cư trú, làm việc, nếu bên bị kiện là cá nhân hoặc nơi bên bị kiện có trụ sở, nếu bên bị kiện là cơ quan, tổ chức;
  • Khách hàng có thể khởi kiện tại nơi Quý Khách đang cư trú, làm việc nếu Khách hàng là cá nhân hoặc nơi có trụ sở, nếu KH là tổ chức khi đạt được thỏa thuận bằng văn bản với bên bị kiện.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trọng tài 

Mặc dù theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể giải quyết tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài thương mại, tuy nhiên, việc xác định thẩm quyền Trọng tài vẫn là vấn đề bị bỏ ngỏ trong việc giải quyết tranh chấp Sở hữu trí tuệ. 

Luật Trọng tài thương mại 2010 chỉ quy định thẩm quyền của trọng tài trong giải quyết tranh chấp ở một số lĩnh vực sở hữu trí tuệ như: tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp phát sinh giữa các bên; trong đó, ít nhất một bên có hoạt động thương mại; tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài.

Đồng thời, theo quy định hiện hành, chỉ những vấn đề liên quan đến thương mại mới được giải quyết tại Trọng tài, và việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài chỉ được áp dụng khi hai bên thỏa thuận chọn Trung tâm trọng tài nào giải quyết tranh chấp.

Trên đây là toàn bộ thông tin về các việc giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ. Nếu quý khách có bất kỳ vấn đề liên quan cần được hỗ trợ, hãy liên hệ TinLaw qua thông tin dưới đây:

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

Đặt câu hỏi, ý kiến hoặc yêu cầu tư vấn