You are here:

Danh mục mã ngành CPC cho doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

Mã ngành CPC là một trong những hệ thống phân loại quan trọng mà nhà đầu tư cần nắm vững để xác định và đăng ký đúng ngành nghề kinh doanh. Việc hiểu rõ mã ngành CPC là gì giúp doanh nghiệp tuân thủ đúng cam kết quốc tế của Việt Nam, đảm bảo quá trình đăng ký đầu tư diễn ra thuận lợi. Cùng tham khảo các thông tin chi tiết qua bài viết dưới đây.

Mã ngành CPC là gì?

Mã ngành CPC (viết tắt của Central Product Classification) là Hệ thống Phân loại Sản phẩm Trung tâm do Vụ Thống kê Liên Hợp Quốc (UNSD) xây dựng và ban hành. Mục tiêu chính của CPC là cung cấp một khuôn khổ chuẩn hóa quốc tế để phân loại tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ.

Mã ngành CPC là gì?

Mã ngành CPC là gì?

Tại Việt Nam, mã ngành nghề CPC đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài (FDI). Khi nhà đầu tư nước ngoài đăng ký dự án đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực dịch vụ mà Việt Nam đã cam kết mở cửa theo Biểu cam kết WTO, việc xác định đúng mã ngành CPC tương ứng với hoạt động kinh doanh dự kiến là bắt buộc.

Cấu trúc mã ngành CPC

Hệ thống phân loại mã ngành nghề CPC được xây dựng theo cấu trúc phân cấp, đi từ tổng quát đến chi tiết, bao gồm các cấp độ sau:

  • Ngành (Section): Cấp cao nhất, được mã hóa bằng 1 chữ số (Ví dụ: Mục 8 – Dịch vụ kinh doanh).
  • Phân ngành (Division): Chi tiết hơn, mã hóa bằng 2 chữ số (Ví dụ: Phân ngành 86 – Dịch vụ chuyên môn, khoa học và kỹ thuật).
  • Nhóm (Group): Cụ thể hóa phân ngành, mã hóa bằng 3 chữ số (Ví dụ: Nhóm 867 – Dịch vụ kiến trúc, kỹ thuật và các dịch vụ kỹ thuật khác).
  • Lớp (Class): Chi tiết hơn nhóm, mã hóa bằng 4 chữ số (Ví dụ: Lớp 8672 – Dịch vụ kỹ thuật).
  • Phân lớp (Subclass): Cấp chi tiết nhất, mã hóa bằng 5 chữ số (Ví dụ: Phân lớp 86721 – Dịch vụ tư vấn kỹ thuật).
Cấu trúc mã ngành CPC

Cấu trúc mã ngành CPC

Mỗi cấp độ sau là bộ phận cấu thành của cấp độ trước nó, giúp việc phân loại trở nên logic và hệ thống.

Phân biệt mã ngành CPC và mã ngành VSIC

Tiêu chí Mã ngành CPC Mã ngành VSIC
Khái niệm CPC (Central Product Classification) là hệ thống phân loại sản phẩm và dịch vụ do Liên Hợp Quốc xây dựng. VSIC (Vietnam Standard Industrial Classification) là hệ thống phân ngành kinh tế chuẩn của Việt Nam.
Ý nghĩa Dùng để phân loại sản phẩm và dịch vụ trong thương mại quốc tế, hỗ trợ thống kê, đàm phán thương mại, mở cửa thị trường. Dùng để phân loại ngành nghề kinh doanh trong đăng ký doanh nghiệp, quản lý hoạt động sản xuất – kinh doanh tại Việt Nam.
Phạm vi áp dụng Chủ yếu áp dụng khi đăng ký dự án đầu tư nước ngoài để xác định phạm vi hoạt động theo Biểu cam kết dịch vụ WTO của Việt Nam. Áp dụng bắt buộc cho mọi tổ chức, cá nhân khi đăng ký kinh doanh tại Việt Nam (kể cả doanh nghiệp trong nước và FDI).
Cơ sở phân loại Dựa trên đặc tính vật lý của hàng hóa hoặc bản chất của dịch vụ được cung cấp. Dựa trên quy trình sản xuất, công nghệ, hoặc bản chất hoạt động kinh tế chính của đơn vị.
Tính bắt buộc Bắt buộc tham chiếu trong hồ sơ đăng ký đầu tư FDI liên quan đến các ngành dịch vụ đã cam kết WTO. Bắt buộc đối với tất cả các doanh nghiệp khi đăng ký thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

Trong thực tế, khi một nhà đầu tư nước ngoài đăng ký dự án trong lĩnh vực dịch vụ, họ thường phải xác định cả mã VSIC và mã CPC.

Danh mục mã ngành CPC cho doanh nghiệp FDI hiện nay

➢ Lĩnh vực xây dựng, kiến trúc

  • Mã CPC 51: Công tác xây dựng (bao gồm xây dựng nhà ở, công trình dân dụng, công trình chuyên dụng…).
  • Mã CPC 512: Thi công xây dựng nhà cao tầng.
  • Mã CPC 513: Thi công xây dựng các công trình kỹ thuật dân dụng.
  • Mã CPC 514, 516: Công tác hoàn thiện lắp dựng và lắp đặt.
  • Mã CPC 517: Công tác hoàn thiện công trình xây dựng nhà cao tầng.
  • Mã CPC 511, 515, 518: Các công tác thi công, xây dựng khác.
  • Mã CPC 8671: Dịch vụ kiến trúc.
  • Mã CPC 8672: Dịch vụ kỹ thuật (engineering).
  • Mã CPC 8673: Dịch vụ kỹ thuật tích hợp.
  • Mã CPC 8674: Dịch vụ quy hoạch đô thị và kiến trúc cảnh quan.

➢ Dịch vụ liên quan máy vi tính

  • Mã CPC 841: Dịch vụ tư vấn về lắp đặt phần cứng máy vi tính.
  • Mã CPC 842: Dịch vụ thực hiện phần mềm (bao gồm tư vấn, thiết kế, phát triển, bảo trì…).
  • Mã CPC 843: Dịch vụ xử lý dữ liệu.
  • Mã CPC 844: Dịch vụ cơ sở dữ liệu.
  • Mã CPC 845: Dịch vụ bảo trì, sửa chữa các loại máy văn phòng (kể cả máy tính).
  • Mã CPC 849: Các dịch vụ liên quan đến máy tính khác.
  • Mã CPC 633: Dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị (không bao gồm tàu biển, máy bay, phương tiện và thiết bị vận tải khác).

➢ Dịch vụ quảng cáo

  • Mã CPC 871: Dịch vụ quảng cáo (bao gồm lập kế hoạch, sáng tạo, đặt chỗ trên phương tiện truyền thông…), trừ quảng cáo thuốc lá.
  • Mã CPC 8929: Dịch vụ nhượng quyền thương mại ().
  • Mã CPC 864: Dịch vụ nghiên cứu thị trường (trừ CPC 86402: dịch vụ thăm dò ý kiến công chúng).
  • Mã CPC 851: Dịch vụ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực khoa học tự nhiên.
  • Mã CPC 852: Dịch vụ nghiên cứu và phát triển đa ngành.

➢ Dịch vụ tư vấn – giáo dục

  • Mã CPC 865: Dịch vụ tư vấn quản lý.
  • Mã CPC 866: Dịch vụ liên quan đến tư vấn quản lý.
  • Mã CPC 923: Giáo dục bậc cao.
  • Mã CPC 924: Giáo dục dành cho người lớn, bao gồm dạy đàm thoại và ngoại ngữ.
  • Mã CPC 929: Các dịch vụ giáo dục khác.
  • Mã CPC 86751, 86752 và 86753: Dịch vụ tư vấn về khoa học kỹ thuật.

➢ Dịch vụ viễn thông – giải trí

  • Mã CPC 752: Dịch vụ viễn thông (thoại, dữ liệu, tin nhắn, internet…).
  • Mã CPC 961: Dịch vụ điện ảnh, video và phát thanh, truyền hình.
  • Mã CPC 96112, 96113: Dịch vụ sản xuất và phát hành phim (trừ băng hình)
  • Mã CPC 96121: Dịch vụ chiếu phim
  • Mã CPC 963: Dịch vụ thư viện, lưu trữ, bảo tàng và dịch vụ văn hóa khác.
  • Mã CPC 964: Dịch vụ thể thao và giải trí khác.
  • Mã CPC 642, 643: Dịch vụ cung cấp thức ăn và đồ uống
  • Mã CPC 7512: Dịch vụ chuyển phát
  • Mã CPC 964**: Kinh doanh trò chơi điện tử

➢ Môi trường

  • Mã CPC 9401: Dịch vụ xử lý nước thải.
  • Mã CPC 9402: Dịch vụ xử lý các chất thải rắn.
  • Mã CPC 9404: Dịch vụ làm sạch khí thải.
  • Mã CPC 9405: Dịch vụ xử lý tiếng ồn.
  • Mã CPC 9406: Dịch vụ đánh giá các tác động của môi trường.

➢ Dịch vụ bệnh viện

  • Mã CPC 9311: Dịch vụ bệnh viện.
  • Mã CPC 9312: Dịch vụ nha khoa và khám bệnh

➢ Dịch vụ vận tải (Logistics)

  • Mã CPC 7112: Dịch vụ vận tải hàng hóa bằng đường sắt
  • Mã CPC 7121, 7122 và 7123: Dịch vụ vận tải hành khách/hàng hóa bằng đường bộ
  • Mã CPC 7211, 7212: Dịch vụ vận tải hành khách/hàng hóa bằng đường thủy (trừ vận tải nội địa)
  • Mã CPC 73: Dịch vụ vận tải hàng không.
  • Mã CPC 741: Dịch vụ bốc xếp hàng hóa
  • Mã CPC 742: Dịch vụ kho bãi
  • Mã CPC 748: Dịch vụ đại lý vận tải
  • Mã CPC 83104: Dịch vụ cho thuê máy bay
  • Mã CPC 8868**: Dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa máy bay

➢ Dịch vụ nông nghiệp

  • Mã CPC 881: Dịch vụ liên quan đến nông nghiệp, săn bắn và lâm nghiệp (trừ dịch vụ thú y).
  • Mã CPC 882: Dịch vụ liên quan đến đánh bắt cá.
  • Mã CPC 884, 885: Dịch vụ liên quan đến sản xuất.
Danh mục mã ngành nghề CPC

Danh mục mã ngành CPC cho doanh nghiệp FDI hiện nay

Danh mục trên chỉ mang tính tham khảo. Doanh nghiệp cần xác định chính xác hoạt động kinh doanh dự kiến và tra cứu mã ngành CPC tương ứng trong phiên bản CPC mới nhất và đối chiếu với Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam trong WTO.

Cách tra cứu mã ngành CPC khi đăng ký đầu tư

Hiện tại, chưa có một quy trình chính thức, thống nhất nào để tra cứu mã ngành nghề CPC. Tuy nhiên, trên thực tế, bạn có thể áp dụng hai cách phổ biến dưới đây để tìm kiếm thông tin cần thiết:

➢ Cách 1: Tra cứu mã ngành CPC trong Biểu cam kết WTO về dịch vụ của Việt Nam

Tài liệu tham khảo:

  • Bạn có thể sử dụng “Cẩm nang các cam kết thương mại dịch vụ của Việt Nam” nằm trong Biểu cam kết WTO.

Hướng dẫn tra cứu:

  • Mở phần II của tài liệu – đây là phần liệt kê cụ thể các cam kết dịch vụ, bao gồm cả danh mục các ngành nghề được miễn trừ đối xử Tối huệ quốc (MFN) theo Điều II.
  • Trong danh mục này, bạn có thể tìm mã ngành nghề cụ thể, kèm theo các điều kiện kinh doanh và yêu cầu áp dụng cho từng mã.
  • Những thông tin này sẽ giúp bạn nắm được mức độ mở cửa thị trường, các hạn chế hay quy định riêng đối với nhà đầu tư nước ngoài.

➢ Cách 2: Tra cứu mã ngành CPC trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài

Bước 1: Truy cập website https://vietnaminvest.gov.vn

Bước 2: Tìm kiếm thông tin

  • Vào mục Danh mục ngành nghề đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.
  • Bạn có thể tìm kiếm theo từ khóa, mã ngành hoặc lĩnh vực đầu tư cụ thể.
  • Kết quả nhận được:
    • Hệ thống sẽ hiển thị mã ngành phù hợp, kèm theo các điều kiện áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài.
    • Những điều kiện này có thể liên quan đến tỷ lệ vốn sở hữu, giới hạn ngành nghề hoặc các yêu cầu đặc thù khác.
Cách tra cứu mã ngành CPC

Cách tra cứu mã ngành CPC khi đăng ký đầu tư

Dù bạn chọn phương pháp nào, cả hai đều giúp bạn tra cứu mã ngành nghề CPC một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, nó còn cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến điều kiện kinh doanh trong từng lĩnh vực cụ thể.

Kết luận

Mã ngành CPC là một yếu tố không thể bỏ qua đối với các doanh nghiệp FDI khi tìm hiểu và tiến hành đầu tư tại Việt Nam. Việc hiểu rõ mã ngành CPC là gì và cách tra cứu chính xác sẽ giúp nhà đầu tư định vị đúng lĩnh vực hoạt động, tuân thủ pháp luật và các cam kết quốc tế. Đừng quên theo dõi TinLaw để cập nhật thêm nhiều kiến thức bổ ích khác về đầu tư nhé!

Picture of Ls Nguyễn Thị Hồng Nhung
Ls Nguyễn Thị Hồng Nhung
Với 7 năm gắn bó sâu sắc cùng ngành, Luật sư Nhung đã hỗ trợ hiệu quả nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

Đặt câu hỏi, ý kiến hoặc yêu cầu tư vấn