Như các bạn đã biết, tùy vào từng loại hàng hóa, dich vụ sẽ có mức thuế suất thuế giá trị gia tăng khác nhau. Bên cạnh những hàng hóa dịch vụ chịu thuế suất 0%, 5% thì hàng hóa dịch vụ còn lại sẽ phải chịu thuế suất 10%. Vậy đối tượng chịu thuế suất GTGT 10% bao gồm những mặt hàng nào? Hãy tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Các mặt hàng – đối tượng chịu thuế GTGT 10%
Đối tượng chịu thuế suất GTGT 10% được quy định tại Điều 11 Thông tư 219/2013/TT-BTC ban hành ngày 31/12/2013. Cụ thể như sau:
Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư 219.
- Với điều 4 là quy định về các mặt hàng thuộc đối tượng không chịu thuế.
- Với điều 9 là quy định về các mặt hàng thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 0%.
- Còn điều 10 là quy định về các mặt hàng thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5%.
Các mức thuế suất thuế GTGT nêu tại Điều 10, Điều 11 được áp dụng thống nhất cho từng loại hàng hóa, dịch vụ ở các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại.
Ví dụ: Hàng may mặc áp dụng thuế suất là 10% thì mặt hàng này ở khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại đều áp dụng thuế suất 10%.
Phế liệu, phế phẩm được thu hồi để tái chế, sử dụng lại khi bán ra áp dụng mức thuế suất thuế GTGT theo thuế suất của mặt hàng phế liệu, phế phẩm bán ra.
Cơ sở kinh doanh nhiều loại hàng hóa, dịch vụ có mức thuế suất GTGT khác nhau phải khai thuế GTGT theo từng mức thuế suất quy định đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ; nếu cơ sở kinh doanh không xác định theo từng mức thuế suất thì phải tính và nộp thuế theo mức thuế suất cao nhất của hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Trong quá trình thực hiện, nếu có trường hợp mức thuế giá trị gia tăng tại Biểu thuế suất thuế GTGT theo Danh mục Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi không phù hợp với hướng dẫn tại Thông tư 219 thì thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 219. Trường hợp mức thuế GTGT áp dụng không thống nhất đối với cùng một loại hàng hóa nhập khẩu và sản xuất trong nước thì cơ quan thuế địa phương và cơ quan hải quan địa phương báo cáo về Bộ Tài chính để được kịp thời hướng dẫn thực hiện thống nhất.
Một vài trường hợp cần lưu ý và phải áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10%
1. Dịch vụ cung cấp thông tin tín dụng:
Ví dụ: Tổ chức X là đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện dịch vụ cung cấp thông tin tín dụng. Năm 2021, tổ chức X ký hợp đồng cung cấp thông tin tín dụng cho một số ngân hàng thương mại phục vụ hoạt động cấp tín dụng và phục vụ hoạt động khác của ngân hàng thương mại thì doanh thu từ dịch vụ cung cấp thông tin tín dụng phục vụ hoạt động cấp tín dụng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, doanh thu từ dịch vụ cung cấp thông tin tín dụng phục vụ hoạt động khác của ngân hàng thương mại không theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 10%.
2. Khoản chi hỗ trợ để thực hiện chương trình khuyến mại, tiếp thị, trưng bày sản phẩm:
Ví dụ: Công ty cổ phần Sữa ABC có chi tiền cho các nhà phân phối (là tổ chức, cá nhân kinh doanh) để thực hiện chương trình khuyến mại (theo quy định của pháp luật về hoạt động xúc tiến thương mại), tiếp thị, trưng bày sản phẩm cho Công ty (nhà phân phối nhận tiền này để thực hiện dịch vụ cho Công ty) thì khi nhận tiền, trường hợp nhà phân phối là người nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ lập hóa đơn GTGT và tính thuế GTGT theo thuế suất 10%, trường hợp nhà phân phối là người nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp thì sử dụng hóa đơn bán hàng và xác định số thuế phải nộp theo tỷ lệ (%) trên doanh thu theo quy định.
3. Các loại nước uống đóng chai, đóng bình và các loại nước giải khát khác thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10%.
4. Tiêu dùng nội bộ nhưng không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh
Ví dụ: Công ty Y là doanh nghiệp sản xuất nước uống đóng chai, giá chưa có thuế GTGT 1 chai nước đóng chai trên thị trường là 4.000 đồng. Công ty Y xuất ra 300 chai nước đóng chai với mục đích không phục vụ sản xuất kinh doanh thì Công ty Y phải kê khai, tính thuế GTGT 10% đối với 300 chai nước xuất dùng không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh nêu trên với giá tính thuế là 4.000 x 300 = 1.200.000 đồng.
5. Thực phẩm đã qua tẩm ướp gia vị thì áp dụng thuế suất 10%.
Ví dụ: Công ty TNHH A sản xuất cá bò tươi tẩm gia vị theo quy trình: cá bò tươi đánh bắt về được cắt phi-lê, sau đó tẩm ướp với đường, muối, solpitol, đóng gói, cấp đông thì mặt hàng cá bò tươi tẩm gia vị không thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% mà thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%.
>> Xem thêm: Hướng dẫn cách xác định thuế suất thuế giá trị gia tăng
Trên đây là những loại hàng hóa, dịch vụ chịu mức thuế suất GTGT 10% mà người tiêu dùng và doanh nghiệp cần lưu ý. Hy vọng những thông tin mà dịch vụ kế toán thuế TinLaw cung cấp hữu ích với quý độc giả.
Trụ sở: Tòa nhà TIN Holdings, 399 Nguyễn Kiệm, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.
Tổng đài: 1900 633 306
Email: cs@tinlaw.vn
Hotline: 0919 824 239