
Các Công Ty Có Vốn Đầu Tư Nước Ngoài Tại Việt Nam
Vốn FDI vào Việt Nam trong cả năm 2017 đã đạt con số 36 tỷ USD, đây được xem là tín hiệu đáng mừng đối với thị trường kinh tế của đất nước. Nguồn vốn năm qua cũng được đánh giá là cao kỷ lục từ trước đến nay kể từ năm 2009. Trong đó, nguồn vốn đến từ các tập đoàn lớn đa quốc gia và công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã đóng góp một phần không nhỏ.
Theo số liệu năm 2017 của Cục Quản lý đầu tư nước ngoài, 3 quốc gia có nguồn vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong năm vừa qua là Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Nhật Bản là quốc gia đứng đầu với tổng vốn đầu tư trên 9 tỷ USD chiếm ¼ vốn đầu tư cả năm. Tiếp đến là hàn Quốc với 8,5 tỷ USD và Singapore với hơn 5 tỷ USD.
Địa bàn thu hút đầu tư nhiều nhất cả nước là TP.HCM chiếm 6,5 tỷ USD, thứ hai là Bắc Ninh thu hút gần 3,5 tỷ USD, Thanh Hóa đứng thứ ba với hơn 3 tỷ USD.
Đặc điểm của công ty có vốn đầu tư nước ngoài
- Công ty có vốn nước ngoài là hình thức đầu tư mang tính bền vững, ổn định và có tổ chức.
- Các nhà đầu tư nước ngoài chỉ chịu trách nhiệm các khoản nợ trong phạm vi góp vốn của mình đối với công ty.
- Nhà đầu tư nước ngoài có quyền sở hữu 1 phần hay toàn bộ tài sản công ty tùy vào loại hình và thỏa thuận của các thành viên trong công ty.
- Công ty vốn đầu tư nước ngoài chịu sự điều chỉnh của Luật Đầu tư Việt Nam.

Một số điểm cần lưu ý
Công ty 100% vốn nước ngoài có thể gặp một số khác biệt so với các công ty được thành lập bởi người Việt Nam, khả năng tiếp cận thị trường và người tiêu dùng bước đầu sẽ gặp một số khó khăn nhất định do khác biệt văn hóa, ngôn ngữ, cách làm việc, tiếp cận.
So với nhà đầu tư trong nước, các công ty được thành lập 100% vốn nước ngoài sẽ gặp một số rào cản, khuôn khổ nhất định theo Luật Doanh nghiệp quy định.
Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam cũng tạo nhiều điều kiện thuận lợi và khuyến khích đầu tư bằng các chính sách ưu đãi hấp dẫn dành cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Theo Luật đầu tư năm 2014, nhà đầu tư sẽ hưởng được một số ưu đãi về thuế và pháp luật đất đai, nguyên tắc áp dụng ưu đãi được quy định rõ trong Luật này. Đồng thời, khi công ty hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề được áp dụng ưu đãi theo quy định của Luật Đầu tư, công ty sẽ nhận được các ưu đãi đầu tư của Nhà nước.