You are here:

Thuế vãng lai là gì? Cách nộp thuế vãng lai ngoại tỉnh qua mạng? Hạch toán thuế vãng lai?

Thuế vãng lai là gì? Cách nộp thuế vãng lai ngoại tỉnh qua mạng? Hạch toán thuế vãng lai?

Kế toán làm trong các công ty xây dựng, bất động sản thường phải xử lý nhiều công việc liên quan đến thuế vãng lai. Vậy thuế vãng lai là gì? Cách nộp thuế vãng lai ngoại tỉnh qua mạng như thế nào? Mức phạt nộp chậm thuế vãng lai bao nhiêu?

Trong bài viết này, công ty kế toán thuế TinLaw sẽ chia sẻ những quy định về thuế vãng lai các bạn kế toán làm trong công ty xây dựng phải nắm. Cùng theo dõi nhé!

Thuế vãng lai là gì?

Thuế vãng lai tiếng Anh là: Current Tax. Thuế vãng lai còn được gọi với nhiều cái tên khác như:

  • Thuế VAT vãng lai
  • Thuế GTGT vãng lai
  • Thuế vãng lai ngoại tỉnh

Thuế vãng lai về cơ bản giống như một hình thức thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thuế vãng lai khác với thuế GTGT ở điểm đó là các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khi KHÔNG DIỄN RA TẠI ĐÚNG NƠI DOANH NGHIỆP LẬP GIẤY ĐĂNG KÝ KINH DOANH thì sẽ phải đóng loại thuế này vào ngân sách nhà nước.

Cụ thể, tại điểm 1.4 và điểm 6, mục II, phần B, Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/06/2007 của Bộ Tài chính có quy định:

“trường hợp người nộp thuế có hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt mà không thành lập đơn vị trực thuộc tại địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính thì người nộp thuế phải khai thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu chưa có thuế GTGT nộp cho cơ quan thuế địa phương nơi có hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai đó”

⇒ Như vậy: Thuế vãng lai là một khoản thuế GTGT mà người nộp thuế phải trích nộp cho cơ quan thuế khi phát sinh hoạt động kinh doanh bán hàng, thi công xây dựng, lắp đặt, chuyển nhượng bất động sản ở tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính.

Các trường hợp phải nộp thuế GTGT vãng lai ngoại tỉnh

Theo khoản 1 điều 2 Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27 tháng 02 năm 2015 của Bộ tài chính, các trường hợp phải nộp thuế vãng lai ngoại tỉnh, gồm:

“Trường hợp người nộp thuế có hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh mà giá trị công trình xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh bao gồm cả thuế GTGT từ 1 tỷ đồng trở lên, và chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, mà không thành lập đơn vị trực thuộc tại địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính (sau đây gọi là kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh) thì người nộp thuế phải nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quản lý tại địa phương có hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai và chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh.

Căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn quản lý, giao Cục trưởng Cục Thuế địa phương quyết định về nơi kê khai thuế đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh và chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh.”

⇒ Như vậy:

  • Nếu có hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh mà có giá trị gồm cả thuế GTGT từ 1 tỷ đồng trở lên thì phải kê khai thuế GTGT vãng lại tại địa phương đó.
  • Nếu có hoạt động chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh (không phân biệt lớn hơn hay nhỏ hơn 1 tỷ) thì phải kê khai thuế GTGT vãng lai tại địa phương đó.

Ví dụ 1:

Công ty TinLaw có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh ký hợp đồng với Công ty X chỉ để thực hiện tư vấn, khảo sát, thiết kế công trình được xây dựng tại Bình Dương mà Công ty X là chủ đầu tư thì hoạt động này không phải hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt ngoại tỉnh. Công ty TinLaw thực hiện khai thuế GTGT đối với hợp đồng này tại trụ sở chính tại Thành phố Hồ Chí Minh, không phải thực hiện kê khai thuế GTGT tại Bình Dương.

Công ty TinLaw có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh ký hợp đồng với Công ty Y để thực hiện công trình được xây dựng (trong đó có bao gồm cả hoạt động khảo sát, thiết kế) tại Đồng Nai mà Công ty Y là chủ đầu tư, giá trị công trình bao gồm cả thuế GTGT trên 1 tỷ đồng thì Công ty TinLaw thực hiện khai thuế GTGT xây dựng ngoại tỉnh đối với hợp đồng này tại Đồng Nai.

Công ty TinLaw có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh ký hợp đồng với Công ty Z để thực hiện công trình được xây dựng (trong đó có bao gồm cả hoạt động khảo sát, thiết kế) tại Long An mà Công ty C là chủ đầu tư, giá trị công trình bao gồm cả thuế GTGT là 800 triệu đồng thì Công ty TinLaw không phải thực hiện khai thuế GTGT xây dựng ngoại tỉnh đối với hợp đồng này tại Long An.

Ví dụ 2:

Công ty A có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh mua 5 căn nhà thuộc 1 dự án của Công ty B tại thành phố Cần Thơ. Sau đó Công ty A bán lại các căn nhà này và thực hiện xuất hóa đơn cho khách hàng C thì Công ty A phải thực hiện kê khai, nộp thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh theo tỷ lệ % doanh thu với cơ quan thuế tại thành phố Cần Thơ.”

Ví dụ 3:

Công ty TIN Holdings có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh có các kho hàng tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng không có chức năng kinh doanh. Khi Công ty TIN Holdings xuất bán hàng hóa tại kho ở Bà Rịa – Vũng Tàu cho Công ty C tại Đồng Nai thì công tyTIN Holdings không phải kê khai thuế GTGT tại địa phương nơi có các kho hàng (Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng).

Ví dụ 4:

Công ty Việt Uy Tín trụ sở tại Tp. Hồ Chí Minh ký hợp đồng cung cấp xi măng cho Công ty B có trụ sở tại Hà Nội. Theo hợp đồng, hàng hóa sẽ được Công ty Việt Uy Tín giao tại công trình mà công ty B đang xây dựng tại Hà Nội. Hoạt động bán hàng này không được gọi là bán hàng vãng lai ngoại tỉnh. Công ty Việt Uy Tín thực hiện kê khai thuế GTGT tại Tp. Hồ Chí Minh, không phải thực hiện kê khai thuế GTGT tại Hà Nội đối với doanh thu từ hợp đồng bán hàng cho Công ty B.

Ví dụ 5:

Công ty TinEdu trụ sở tại Hồ Chí Minh bán máy điều hoà cho khách tại Long An (bao gồm cả lắp đặt) thì Công ty TinEdu không phải kê khai thuế GTGT tại Long An.

Nếu hoạt động xây dựng, lắp đặt liên tỉnh:

“Trường hợp người nộp thuế có công trình xây dựng, lắp đặt ngoại tỉnh liên quan tới nhiều địa phương như: xây dựng đường giao thông, đường dây tải điện, đường ống dẫn nước, dẫn dầu, dẫn khí,…, không xác định được doanh thu của công trình ở từng địa phương cấp tỉnh thì người nộp thuế khai thuế GTGT của doanh thu xây dựng, lắp đặt ngoại tỉnh chung với hồ sơ khai thuế GTGT tại trụ sở chính và nộp thuế GTGT cho các tỉnh nơi có công trình đi qua.

Số thuế GTGT phải nộp cho các tỉnh được tính theo tỷ lệ (%) giá trị đầu tư của công trình tại từng tỉnh do người nộp thuế tự xác định nhân (x) với 2% doanh thu chưa có thuế GTGT của hoạt động xây dựng công trình.

Số thuế GTGT đã nộp (theo chứng từ nộp thuế) của hoạt động xây dựng công trình liên tỉnh được trừ (-) vào số thuế phải nộp trên Tờ khai thuế GTGT (mẫu số 01/GTGT) của người nộp thuế tại trụ sở chính.

Người nộp thuế lập Bảng phân bổ số thuế GTGT phải nộp cho các địa phương nơi có công trình xây dựng, lắp đặt liên tỉnh (mẫu số 01-7/GTGT ban hành kèm theo Thông tư này) và sao gửi kèm theo Tờ khai thuế GTGT cho Cục Thuế nơi được hưởng nguồn thu thuế GTGT.”

>> Xem thêm: Hướng dẫn lập tờ khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ – mẫu 01/GTGT

Cách kê khai thuế vãng lai ngoại tỉnh

Hồ sơ khai thuế GTGT vãng lai ngoại tỉnh

  • Tờ khai thuế giá trị gia tăng theo mẫu số 05/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.

Hồ sơ khai thuế GTGT vãng lai đối với hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh được nộp theo từng lần phát sinh doanh thu.

=> Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế vãng lai theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế chậm nhất là ngày thứ 10 (mười), kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế (Sau khi xuất hóa đơn).

Trường hợp phát sinh nhiều lần nộp hồ sơ khai thuế trong một tháng thì người nộp thuế có thể đăng ký với Cơ quan thuế nơi nộp hồ sơ khai thuế để nộp hồ sơ khai thuế GTGT theo tháng, hạn chót là ngày 20 hàng tháng.

Lưu ý: Các bạn có thể nộp tờ khai thuế vãng lai qua mạng hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan thuế địa phương nơi công ty bạn có hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh nhé!

Thuế suất thuế GTGT tạm tính theo tỷ lệ

Người nộp thuế kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh thì:

Trình tự kê khai nộp thuế vãng lai ngoại tỉnh qua mạng

Các bạn kế toán thực hiện kê khai thuế giá trị gia tăng vãng lai ngoại tỉnh qua mạng theo 2 bước:

  • Bước 1: Kê khai thuế GTGT vãng lai tại nơi xây dựng. Ở bước này các bạn làm tờ khai thuế GTGT vãng lai ngoại tỉnh (Mẫu 05/GTGT) ở trên phần mềm HTKK rồi kết xuất XML để nộp qua mạng (website: http://kekhaithue.gdt.gov.vn hoặc http://nhantokhai.gdt.gov.vn)
  • Bước 2: Kê khai tại trụ sở chính. Bước này cũng thực hiện kê khai trên phần mềm HTKK luôn nhé!

>> Xem thêm: Hướng dẫn tải và cài đặt phần mềm hỗ trợ kê khai thuế HTKK phiên bản mới nhất

Cụ thể các bước như sau:

Bước 1: Kê khai tại nơi có hoạt động xây dựng, xây lắp, bán hàng, chuyển nhượng bất động sản…

Khi xuất hóa đơn tức là doanh nghiệp đã phát sinh doanh thu, lúc đó bạn phải kê khai thuế chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày xuất hóa đơn.

Chú ý: Ngày lập hóa đơn đối với xây dựng, lắp đặt là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

◊ Cách kê khai thuế GTGT vãng lai trên phần mềm HTKK

Lưu ý: Cách kê khai thuế vãng lai qua mạng chỉ thực hiện được khi doanh nghiệp đã có chữ ký số (USB TOKEN) thôi nhé!

Đăng nhập vào phần mềm HTKK -> vào phần “Thông tin doanh nghiệp/Người nộp thuế” -> Chuyển CQT nơi nộp tờ khai về địa bàn mà bạn muốn nộp tờ khai vãng lai.

Chuyển CQT nơi nộp tờ khai về địa bàn mà bạn muốn nộp tờ khai vãng lai
Chuyển CQT nơi nộp tờ khai về địa bàn mà bạn muốn nộp tờ khai vãng lai

Tiếp đó: Chọn “Tờ khai thuế GTGT KD ngoại tỉnh (05/GTGT)” -> Chọn “Tờ khai lần phát sinh”

Chọn Tờ khai thuế GTGT KD ngoại tỉnh (05/GTGT)
Chọn Tờ khai thuế GTGT KD ngoại tỉnh (05/GTGT)

Sau khi nhập thông tin vào tờ khai xong các bạn kết xuất XML để làm bước tiếp theo là nộp qua mạng nhé.

◊ Cách đăng ký nộp thuế vãng lai qua mạng

Cách 1:

Đăng nhập vào website: http://kekhaithue.gdt.gov.vn hoặc http://nhantokhai.gdt.gov.vn.

Vào trình chức năng “Tài khoản” -> “Đăng ký địa bàn vãng lai” -> Chọn: Cơ quan thuế cần nộp tờ khai vãng lai -> chọn Cục thuế/Chi cục Thuế -> Bấm “Đăng ký”

Chọn Tài khoản rồi chọn Đăng ký địa bàn vãng lai
Chọn “Tài khoản” rồi chọn “Đăng ký địa bàn vãng lai”

-> Tiếp đó Hệ thống hiển thị “Danh sách cơ quan thuế vãng lai đã đăng ký” (Nếu không hiển thị, các bạn vào lại “Tài khoảnĐăng ký địa bàn vãng lai”)

Từ màn hình “Danh sách cơ quan thuế vãng lai đã đăng ký”, các bạn bấm vào nút “đăng ký tờ khai” tại CQT vãng lai tương ứng.

Sau khi đã đăng ký xong: các bạn vào chức năng Nộp tờ khai
Sau khi đã đăng ký xong các bạn vào chức năng Nộp tờ khai

-> Sau khi đã đăng ký xong: các bạn vào chức năng “Nộp tờ khaiNộp tờ khai XML”. Chọn tờ khai XML kết xuất từ ứng dụng HTKK -> Ký điện tử -> và Nộp tờ khai.

Cách 2: Cũng tại website của Tổng Cục Thuế, thay vì chọn ô “Tài khoản” các bạn bấm vào ô “Kê khai trực tuyến”. Để có thể kê khai trực tuyến hãy xem ảnh bên dưới:

Các bạn có thể kê khai trực tuyến
Các bạn có thể kê khai thuế vãng lai trực tuyến trên website Tổng cục thuế

Chú ý:

  • Sau khi nộp xong Tờ khai thuế GTGT vãng lai 05/GTGT tiếp đó các bạn nộp tiền thuế GTGT vào kho bạc nhà nước tại địa phương đó hoặc có thể nộp điện tử qua mạng vẫn được.
  • Nộp xong sẽ được cấp cho 1 chứng từ khấu trừ thuế, các bạn phải lưu lại chứng từ này để chứng minh công ty đã nộp thuế và để kê khai tại trụ sở chính nhé!

Bước 2: Kê khai tại trụ sở chính

Sau khi nhận được chứng từ khấu trừ thuế, các bạn sẽ tiến hành kê khai tại trụ sở chính như sau:

  • Khi khai thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp, người nộp thuế phải tổng hợp doanh thu phát sinh và số thuế GTGT đã nộp của doanh thu kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh trong hồ sơ khai thuế tại trụ sở chính.
  • Số thuế đã nộp (theo chứng từ nộp tiền thuế) của doanh thu kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh được trừ vào số thuế GTGT phải nộp theo tờ khai thuế GTGT của người nộp thuế tại trụ sở chính, cụ thể như sau:
    • Bảng tổng hợp số thuế GTGT đã nộp vãng lai ngoại tỉnh – Phụ lục 01-5/GTGT (Nếu là liên tỉnh thì dùng Phụ lục 01-7/GTGT).

Trình tự kê khai tại trụ sở chính:

Đăng nhập vào phần mềm HTKK -> Tờ khai GTGT khấu trừ (01/GTGT) -> Chọn: PL 01-5/GTGT (Các bạn nhập số tiền thuế đã nộp theo chứng từ nộp tiền thuế vào phụ lục 01-5/GTGT) -> Sau đó ấn “Ghi”

Phần mềm sẽ tự động cập nhật số tiền thuế được khấu trừ vào chỉ tiêu 39
Phần mềm sẽ tự động cập nhật số tiền thuế được khấu trừ vào chỉ tiêu 39

Phần mềm sẽ tự động cập nhật số tiền thuế đó (được khấu trừ) vào Chỉ tiêu số [39] “Số thuế đã nộp vãng lai ngoại tỉnh” trên Tờ khai GTGT khấu trừ (01/GTGT).

Lưu ý: Phải lưu giữ chứng từ khấu trừ để chứng minh nhé!.

Hạch toán thuế GTGT vãng lai ngoại tỉnh

Khi kê khai thuế vãng lại, hạch toán:

  • Nợ TK 333111
    • Có TK 333112 – Chi tiết cơ quan thuế tại tỉnh phát sinh

Thanh toán tiền thuế GTGT vãng lai, hạch toán:

  • Nợ TK 333112 – Chi tiết cơ quan thuế tại tỉnh phát sinh
    • Có TK 112,111, 131 ( Nếu chủ đầu tư thanh toán hộ)

Đồng thời, hạch toán khấu trừ tại trụ sở chính:

  • Nợ TK 1331
    • Có TK 333111

Một số trường hợp không nộp thuế thuế GTGT vãng lai ngoại tỉnh

  1. Bán hàng chuyển trực tiếp từ kho của công ty tại trụ sở chính đến công trình của bên mua không được coi là bán hàng vãng lai ngoại tỉnh.
  2. Sửa chữa các máy móc của tỉnh được miễn thuế: Đối với máy sửa chữa dịch vụ cho các dự án thuộc tỉnh, theo Tổng cục thuế thì không phải hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng xa khỏi tỉnh. Do đó được miễn khai nộp thuế GTGT vãng lai, chỉ cần khai nộp thuế tập trung tại trụ sở chính.
  3. Bán hàng tại kho tỉnh không phải nộp thuế vãng lai: Khi công ty A có trụ sở tại TPHCM và có các kho hàng tại Hải Phòng, Nghệ An nhưng kho không có chức năng kinh doanh. Khi công ty A xuất bán hàng tại kho ở Hải Phòng cho công ty X thuộc tỉnh Hưng Yên thì công ty A không phải nộp thuế GTGT vãng lai
  4. Dự án xây dựng ngoại tỉnh nếu doanh nghiệp thành lập chi nhánh hoặc quản lý dự án đầu tư xây dựng tại địa phương đó thì không phải kê khai và nộp thuế GTGT vãng lai.
  5. Cho thuê máy móc được miễn nộp thuế vãng lai: Hoạt động cho thuê máy móc, thiết bị sang địa phương khác không phải là hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt hay bán hàng vãng lai theo quy định điểm a khoản 1 điều 2 TT 26/2015/TT-BTC do đó được miễn kê khai thuế GTGT vãng lai.
  6. Mua bán tại chỗ không bị xem là bán hàng vãng lai: Trường hợp mua và bán “nguyên vật liệu” tại địa phương đó thì không phải là hoạt động bán hàng vãng lai ngoại tỉnh.
  7. Bán suất ăn ca ra ngoài tỉnh được miễn thuế vãng lai: Đối với hoạt động cung cấp suất ăn ca cho công nhân ( bao gồm cung cấp thực phẩm và nhân công đến chế biến trực tiếp ) tại các nhà máy ngoài tỉnh, Tổng cục thuế cho rằng đây không phải là hoạt động bán hàng vãng lai ngoại tình. Do đó được khai thuế GTGT tập trung tại trụ sở chính , miễn khai nộp thuế vãng lai theo khoản 1 điều 2 Thông tư 26/2015/TT-BTC.
  8. Giá trị công trình dưới 1 tỷ đồng được miễn thuế GTGT vãng lai: Theo khoản 1 điều 2 Thông tư 26/2015/TT-BTC.

Một số câu hỏi liên quan đến thuế GTGT vãng lại ngoại tỉnh thường gặp

Nộp chậm thuế vãng lai có bị phạt không?

  • Việc nộp chậm tờ khai mẫu 05/GTGT sẽ bị phạt vi phạm hành chính.
  • Việc nộp chậm tiền thuế vãng lai sẽ không bị phạt, Vì doanh nghiệp đã kê khai và nộp thuế GTGT 10% tại trụ chính rồi.

Nộp nhầm tờ khai mẫu 05/GTGT cho cơ quan thuế nơi đặt trụ sở chính thay vì nộp tại cơ quan thuế ngoại tỉnh thì phải làm sao?

Nếu nộp nhầm doanh nghiệp phải làm hủy tờ khai nộp tại cơ quan thuế nơi đặt trụ sở chính và nộp lại tờ khai mẫu 05/GTGT cho cơ quan thuế ngoại tỉnh.

Ví dụ:

Công ty A có trụ sở chính tại quận Phú Nhuận, HCM, có hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai tại tỉnh Đồng Nai theo hướng dẫn tại điểm đ khoản 1 điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC sửa đổi bởi điểm a khoản 1 điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC thì công ty nộp tờ khai 05/GTGT và số thuế GTGT phát sinh của hoạt động vãng lại tại Đồng Nai.

Trường hợp công ty A nộp nhầm tờ khai vãng lai về Chi cục thuế Phú Nhuận, đã có văn bản đề nghị và đã được cơ quan thuế hủy tờ khai thì công ty A không bị tính tiền chậm nộp phát sinh do tờ khai nộp nhầm.

Nếu kê khai và nộp thuế vãng lai 2% ở tỉnh thì nộp thuế GTGT ở trụ sở chính là 10% hay 8%?

Doanh nghiệp vẫn kê khai tại trụ sở chính là 10%. Khi nào nộp thuế 2% ngoại tỉnh thì sẽ được tính vào thuế GTGT được khấu trừ tại trụ sở chính.

Kê khai thuế GTGT vãng lai rồi nhưng chưa nộp tiền có hạch toán không?

Lúc kê khai thuế tức là đã phát sinh nghĩa vụ nộp thuế ngoại tỉnh nên vẫn hạch toán thuế vãng lai trên sổ nhé.

Trên đây là một số vấn đề về thuế vãng lai các bạn kế toán cần nắm. Nếu gặp khó khăn trong vấn đề kê khai thuế vãng lai ngoại tỉnh, cách nộp thuế vãng lai qua mạng, cách hạch toán thuế vãng lai… Các bạn hãy liên hệ công ty kế toán thuế TinLaw để được hướng dẫn, giải đáp.

TinLaw

TinLaw

TinLaw với mong muốn nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Pháp lý & Kế toán trong kinh doanh, luôn đồng hành và đưa ra các giải pháp hiệu quả, tối ưu chi phí để giúp cho doanh nghiệp SMEs vận hành đúng luật và phát triển bền vững.