You are here:

Bán quần áo cần lập hóa đơn không? Bán hàng mà không xuất hóa đơn bị xử lý thế nào?

Bán quần áo cần lập hóa đơn không? Bán hàng mà không xuất hóa đơn bị xử lý thế nào?

Chào TinLaw, tôi đang có kế hoạch mở kinh doanh cửa hàng thời trang nữ, giá trung bình 1 sản phẩm của cửa hàng dao động từ 500 – 700 nghìn VNĐ. Tôi muốn biết, bán quần áo thì có cần xuất hóa đơn cho khách không? Bán hàng mà không xuất hóa đơn bị xử lý thế nào?

Chào anh/chị, cảm ơn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Với 2 câu hỏi “Bán quần áo cần lập hóa đơn không? Bán hàng mà không xuất hóa đơn bị xử lý thế nào?” Công ty dịch vụ kế toán TinLaw xin được giải đáp như sau:

Bán quần áo cần lập hóa đơn không?

Hiện nay, doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử khi mua – bán hàng hóa, dịch vụ theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC.

Hóa đơn điện tử được quy định rằng là hóa đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập bằng phương tiện điện tử để ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về thuế, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

Trong đó, bao gồm 2 loại là hóa đơn điện tử có mã và hóa đơn điện tử không có mã:

+ Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua.

Mã của cơ quan thuế trên hóa đơn điện tử bao gồm số giao dịch là một dãy số duy nhất do hệ thống của cơ quan thuế tạo ra và một chuỗi ký tự được cơ quan thuế mã hóa dựa trên thông tin của người bán lập trên hóa đơn.

+ Hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của cơ quan thuế.

Tuy nhiên, vẫn có các trường hợp ngoại lệ không bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau (quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư 78/2021/TT-BTC):

  1. Thành lập trong thời gian từ ngày 17/9/2021 đến hết ngày 30/6/2022.
  2. Chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin để sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định.

Đối với trường hợp cơ sở kinh doanh chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin mà tiếp tục sử dụng hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in,… thì cơ sở kinh doanh thực hiện gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế theo Mẫu số 03/DL-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP cùng với việc nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng.

Cơ quan thuế tiếp nhận dữ liệu hóa đơn của các cơ sở kinh doanh để đưa vào cơ sở dữ liệu hóa đơn và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế phục vụ việc tra cứu dữ liệu hóa đơn.

Như vậy, TinLaw giải đáp cho câu hỏi bán quần áo cần lập hóa đơn không như sau:

  • Đối với trường hợp của anh/chị, nếu quần áo tại cửa hàng bán dù bất kỳ với mức giá nào thì đều phải lập hóa đơn cho người mua.
  • Hiện nay, pháp luật quy định bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, trong trường hợp cửa hàng chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin để sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định thì sử dụng hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in,…
Bán quần áo bắt buộc phải xuất hóa đơn

Bán quần áo bắt buộc phải xuất hóa đơn

Bán hàng mà không xuất hóa đơn bị xử lý thế nào?

Theo quy định tại Điều 30 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, trường hợp các cơ sở kinh doanh bán quần áo không sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định mà bị phát hiện có thể bị xử phạt hành vi vi phạm quy định về chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử như sau:

  1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế quá thời hạn từ 01 đến 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định.
  2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
  • Chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế quá thời hạn từ 06 đến 10 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định;
  • Chuyển bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử không đầy đủ số lượng hóa đơn đã lập trong kỳ.
  1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
  • Chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế quá thời hạn từ 11 ngày làm việc trở lên, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định;
  • Không chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế theo thời hạn quy định.
  • Bên cạnh việc bị phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, đó là buộc chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế. Tuy nhiên, chỉ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với những hành vi:
  • Chuyển bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử không đầy đủ số lượng hóa đơn đã lập trong kỳ.
  • Không chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế theo thời hạn quy định.

TinLaw vừa giải đáp xong 2 câu hỏi “Bán quần áo cần lập hóa đơn không? Bán hàng mà không xuất hóa đơn bị xử lý thế nào?” Nếu vẫn còn thắc mắc, anh/chị vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi để sớm được giải đáp. Xin cảm ơn!

TinLaw

TinLaw

TinLaw với mong muốn nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Pháp lý & Kế toán trong kinh doanh, luôn đồng hành và đưa ra các giải pháp hiệu quả, tối ưu chi phí để giúp cho doanh nghiệp SMEs vận hành đúng luật và phát triển bền vững.