You are here:

Nên thành lập địa điểm kinh doanh hay chi nhánh cho doanh nghiệp?

Nên thành lập địa điểm kinh doanh hay chi nhánh cho doanh nghiệp?

Nội dung câu hỏi: Chào công ty Luật TinLaw, công ty tôi có nhu cầu mở rộng quy mô kinh doanh, hiện tôi đang phân vân không biết nên thành lập địa điểm kinh doanh hay chi nhánh. Xin luật sư giải đáp giúp tôi nên mở rộng quy mô doanh nghiệp theo hình thức nào thì thuận tiện hơn cho doanh nghiệp? Tôi xin cảm ơn.

Công ty Luật TinLaw trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật TinLaw. Về thắc mắc nên thành lập địa điểm kinh doanh hay chi nhánh của bạn, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2014:

Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, kể cả chức năng đại diện theo uỷ quyền (khoản 1 Điều 45 Luật doanh nghiệp 2014).

Địa điểm kinh doanh là nơi mà doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể (khoản 3 Điều 45 Luật doanh nghiệp 2014).

Việc thành lập chi nhánh hay địa điểm kinh doanh phụ thuộc và nhu cầu và hoạt động đặc thù của doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ đưa ra những điểm đặc trưng chi nhánh và địa điểm kinh doanh, từ đó có hướng đi phù hợp cho doanh nghiệp của mình.

Cơ sở pháp lý dựa trên Luật doanh nghiệp 2014
Cơ sở pháp lý dựa trên Luật doanh nghiệp 2014

Phân biệt chi nhánh và địa điểm kinh doanh

Về mặt ý nghĩa

  • Chi nhánh vừa thực hiện được chức năng kinh doanh vừa thực hiện được chức năng đại diện theo ủy quyền
  • Địa điểm kinh doanh chỉ thực hiện được chức năng kinh doanh.

Về thức hạch toán, con dấu, phạm vi thành lập, kế toán và kê khai thuế

Về hình thức hạch toán:

  • Chi nhánh được lựa chọn hình thức hạch toán phụ thuộc hoặc độc lập
  • Địa điểm kinh doanh hình thức hạch toán hoàn toàn phụ thuộc vào công ty mẹ.

Về con dấu:

  • Chi nhánh được phép khắc con dấu riêng
  • Địa điểm kinh doanh không được khắc con dấu riêng
Nếu thành lập chi nhánh cần phải có con dấu riêng
Nếu thành lập chi nhánh cần phải có con dấu riêng

Về phạm vi thành lập:

  • Chi nhánh có thể thành lập trong phạm vi cùng tỉnh hoặc khác tỉnh
  • Địa điểm kinh doanh chỉ được phép thành lập trong phạm vi cùng tỉnh. Theo quy định mới của nghị định 108/2018/NĐ-CP hiệu lực từ 10/10/2018 sửa đổi điều 33 của nghị định 78/2015/NĐ-CP  thì  kể từ ngày 10/10/2018 doanh nghiệp có thể đặt địa điểm kinh doanh trên cả nước mà không cần lập chi nhánh tại tỉnh, thành phố nơi cần đặt địa điểm kinh doanh như trước đây

Về hình thức kế toán và kê khai thuế:

  • Chi nhánh khi đăng ký hình thức hạch toán phụ thuộc:
    • Nếu cùng tỉnh: công ty mẹ sẽ chịu trách nhiệm làm báo cáo thuế hàng quý, hàng năm, sử dụng chữ ký số công ty mẹ để nộp thuế môn bài luôn.
    • Nếu khác tỉnh: chi nhánh sẽ phải khắc con dấu riêng, mua chữ ký số riêng để nộp thuế môn bài, làm báo thuế hàng quý nhưng báo cáo tài chính cuối năm công ty mẹ sẽ quyết toán.
  • Chi nhánh khi đăng ký hình thức hạch toán độc lập:
    • Dù cùng tỉnh hoặc khác tỉnh thì đều phải mua chữ ký số riêng, làm khai thuế ban đầu như hồ sơ công ty mẹ, làm báo thuế hàng quý và quyết toán thuế cuối năm
  • Địa điểm kinh doanh:
    • Công ty mẹ sẽ chịu trách nhiệm khai thuế cho địa điểm kinh doanh: nộp tờ khai lệ phí môn bài, nộp thuế môn bài.

Như vậy, tùy thuộc vào nhu cầu hoạt động của công ty và các đặc điểm của địa điểm đặt đơn vị phụ thuộc mà doanh nghiệp lựa chọn loại hình chi nhánh hay địa điểm kinh doanh.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề nên thành lập địa điểm kinh doanh hay chi nhánh. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn của công ty luật TinLaw để được giải đáp.

Trân trọng!

TinLaw

TinLaw

TinLaw với mong muốn nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Pháp lý & Kế toán trong kinh doanh, luôn đồng hành và đưa ra các giải pháp hiệu quả, tối ưu chi phí để giúp cho doanh nghiệp SMEs vận hành đúng luật và phát triển bền vững.