You are here:

Các hình thức đầu tư vào Việt Nam hiện nay

Các hình thức đầu tư vào Việt Nam hiện nay

Khi quyết định đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến vấn đề lựa chọn hình thức đầu tư. Vì mỗi hình thức đầu tư có điều kiện, thủ tục thành lập không giống nhau. Do đó, trong bài viết sau dịch vụ làm giấy chứng nhận đầu tư TinLaw sẽ chia sẻ thông tin chi tiết về các hình thức đầu tư theo quy định Luật Đầu tư mới nhất hiện nay.

Căn cứ pháp lý

Có bao nhiêu hình thức đầu tư?

Theo điều 21 Luật Đầu tư 2020, có các hình thức đầu tư sau:

  1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
  2. Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
  3. Thực hiện dự án đầu tư.
  4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
  5. Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
Hình thức đầu tư trực tiếp tại Việt Nam
Có 4 hình thức đầu tư phổ biến tại Việt Nam

Quy định đối với từng hình thức đầu tư

Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế

Ưu điểm lớn nhất có hình thức đầu tư này là sau khi thành lập tổ chức kinh tế mới nhà đầu tư sẽ có tư cách pháp nhân tại Việt Nam. Từ đó độc lập về tư cách pháp lý với nhà đầu tư và giúp họ thực hiện dễ dàng hơn các quyền của mình. Hơn nữa cũng không bị giới hạn quy mô. Lợi nhuận, trách nhiệm pháp lý của công ty sẽ chia theo tỷ lệ vốn góp của mỗi bên nên đảm bảo được tính công bằng.

Nhược điểm là thủ tục phức tạp, bên cạnh phải đáp ứng các thủ tục theo Luật Đầu tư thì còn phải đáp ứng quy định của Luật doanh nghiệp.

Căn cứ điều 22, Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo quy định sau đây:

– Nhà đầu tư trong nước thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế;

– Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật Đầu tư 2020. Cụ thể:

  • Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
  • Hình thức đầu tư;
  • Phạm vi hoạt động đầu tư;
  • Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;
  • Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

– Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

– Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương, tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp

Góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế là hình thức đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài. Hình thức đầu tư này thông qua việc mua cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác mà nhà đầu tư không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư.

So với đầu tư thành lập tổ chức kinh tế thì hình thức này sẽ giúp các nhà đầu tư tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí do không phải thực hiện nhiều thủ tục.

Căn cứ Điều 24 Luật Đầu tư 2020 quy định về hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp như sau:

– Nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật đầu tư 2020.

– Căn cứ luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm:

  • Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường quy định tại Nghị định 31/2021/NĐ-CP
  • Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện Nghị định 31/2021/NĐ-CP

– Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm:

  • Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
  • Hình thức đầu tư;
  • Phạm vi hoạt động đầu tư;
  • Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;
  • Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

– Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Đầu tư 2020;

– Bảo đảm quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.

Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC

Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC là hình thức đầu tư theo Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế.Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận

Ưu điểm của hình thức hợp đồng BCC là tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện, số lượng vốn cũng do các bên tự thỏa thuận. Bên cạnh đó, vì không phải là pháp nhân nên nhà đầu tư sẽ chủ động, linh hoạt hơn và ít phụ thuộc vào đối tác khi quyết định các vấn đề của dự án đầu tư. Từ đó giúp các bên tham gia hạn chế rủi ro nếu việc hợp tác kinh doanh không được như mong muốn và khi không muốn tiếp tục hợp tác thì chỉ cần thanh lý hợp đồng.

Nhược điểm là không có sự rãnh cuộc chặt chẽ giữa các bên. Thiếu công bằng vì khi thực hiện các hoạt động đầu tư sẽ làm phát sinh trách nhiệm pháp lý, yêu cầu phải có 1 bên chịu trách nhiệm, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài thường dễ bị thiệt hơn.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư sẽ phải lựa chọn một con dấu của một trong hai nhà đầu tư để phục vụ cho các hoạt động của dự án đầu tư điều này có thể sẽ gây rắc rối và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Căn cứ Điều 27 Luật Đầu tư 2020 quy định về hình thức đầu tư bao gồm:

– Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.

– Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 38 Luật Đầu tư 2020.

– Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.

Thực hiện dự án đầu tư

Nhà đầu tư nước ngoài có thể ký kết hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng PPP). Đây là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết hợp đồng PPP để thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia thực hiện dự án đầu tư PPP.

Căn cứ Mục 2, Mục 3 Chương IV Luật Đầu tư 2020 quy định về quá trình để nhà đầu tư nước ngoài được phép thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam gồm những bước cơ bản như sau:

– Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư

– Nộp hồ sơ, nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư

– Nếu được chấp thuận dự án đầu tư thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

– Triển khai thực hiện dự án đầu tư.

Trên đây là thông tin về các hình thức đầu tư tại Việt Nam hiện nay. Nếu vẫn còn thắc mắc vui lòng liên hệ chúng tôi theo thông tin bên dưới để được hướng dẫn, giải đáp:

TinLaw

TinLaw

TinLaw với mong muốn nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Pháp lý & Kế toán trong kinh doanh, luôn đồng hành và đưa ra các giải pháp hiệu quả, tối ưu chi phí để giúp cho doanh nghiệp SMEs vận hành đúng luật và phát triển bền vững.