You are here:

Góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng sức lao động được không?

Góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng sức lao động được không?

Chào TinLaw, tôi và bạn có kế hoạch góp vốn để thành lập công ty. Nhưng do điều kiện kinh tế của bản thân có hạn nên tôi dự định góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng sức lao động. Cụ thể tôi đang xây dựng phần mềm quản lý doanh nghiệp và sau khi hoàn thành nó sẽ trở thành tài sản của công ty. Vậy cho tôi hỏi góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng sức lao động được không? Mong sớm nhận được giải đáp!

Cảm ơn độc giả đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi, với thắc mắc “Góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng sức lao động được không?” dịch vụ thành lập công ty TinLaw xin được giải đáp như sau:

Khoản 18, điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 định nghĩa góp vốn như sau:

“Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập.”

Các qui định này chỉ đề cập tới việc góp vốn bằng tài sản và liệt kê các loại tài sản được góp vốn. Tuy nhiên, để tránh sự liệt kê không đầy đủ, các qui định này còn mở ra một khoảng rộng cho các bên trong hợp đồng thành lập công ty tự do thoả thuận xác định những loại tài sản khác được góp vốn.

Căn cứ vào Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về tài sản góp vốn như sau:

“Điều 34. Tài sản góp vốn

1. Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

2. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, cá nhân, tổ chức có thể góp vốn vào doanh nghiệp theo 3 hình thức sau:

  • Tiền mặt, vàng;
  • Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, quyền sở hữu trí tuệ;
  • Công nghệ và bí quyết kỹ thuật.

Theo khoản 1 Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

“Điều 36. Định giá tài sản góp vốn

1. Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.”

Căn cứ vào quy định nêu trên thì sức lao động không phải là tài sản góp vốn để tạo thành vốn điều lệ. Nhưng khi bạn sở hữu một công nghệ, bí quyết kỹ thuật nào đó thì có thể dùng nó để góp vốn. Và tài sản đó phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc các tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá và thể hiện bằng tiền Việt Nam đồng.

Ngoài ra, tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.

Trên thực tế, các doanh nghiệp vẫn có thể cho phép thành viên góp vốn bằng sức lao động hoặc một công việc cụ thể nào đó. Đây là điều pháp luật không cấm và chỉ cần có sự đồng thuận của các thành viên sáng lập, thể hiện trong điều lệ công ty về việc góp vốn và các thành viên sẽ tự định giá tài sản số bằng tiền.

Việc góp vốn như vậy nên lập thành biên bản ghi nhận và việc chấp nhận hoặc định giá phải thực hiện đúng quy trình quyết định của loại hình doanh nghiệp để tránh xảy ra những tranh chấp sau này.

Cần lưu ý rằng, công sức lao động không có gì đặc biệt sẽ khó có thể được đóng góp vào công ty để trở thành một trong những ông chủ của nó, vì công ty dễ dàng mua được công sức lao động như vậy với giá hợp lý mà không phải trả lãi và chia sẻ quyền lực quản lý của các thành viên khác trong công ty.

>> Xem thêm: Quy định về thực hiện góp vốn vào doanh nghiệp

Trên đây là giải đáp của TinLaw cho câu hỏi “Góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng sức lao động được không?”. Nếu vẫn còn thắc mắc vui lòng liên hệ theo thông tin bên dưới để được hướng dẫn, giải đáp:

TinLaw

TinLaw

TinLaw với mong muốn nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Pháp lý & Kế toán trong kinh doanh, luôn đồng hành và đưa ra các giải pháp hiệu quả, tối ưu chi phí để giúp cho doanh nghiệp SMEs vận hành đúng luật và phát triển bền vững.