You are here:

Giải thích từ ngữ thường gặp khi công bố sản phẩm

Giải thích từ ngữ thường gặp khi công bố sản phẩm

Trong thủ tục công bố sản phẩm có nhiều thuật ngữ rất dễ gây nhằm lẫn, ví dụ như “bản công bố sản phẩm” và “bản tự công bố sản phẩm” là 2 loại giấy tờ được dùng trong 2 loại thủ tục cũng khác nhau. Vì thế, TinLaw xin giải thích một số từ ngữ thường gặp khi công bố sản phẩm để quý doanh nghiệp có thể hiểu và sử dụng đúng dạng công bố sản phẩm.

Dưới đây là 14 từ ngữ thường gặp khi công bố sản phẩm. Cùng tìm hiểu xem ý nghĩa có chúng là gì nhé!

1.Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm

Là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm phù hợp với quy định an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Mẫu công bố hợp quy
Mẫu công bố hợp quy

2. Công bố hợp quy thực phẩm

Là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm phù hợp với quy định an toàn thực phẩm đối với sản phẩm đã có quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

3. Công bố hợp chuẩn

Là việc tổ chức, cá nhân tự công bố đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng. Công bố hợp chuẩn là hình thức tự nguyện của doanh  nghiệp.

4. Công bố tiêu chuẩn cơ sở

Công bố tiêu chuẩn cơ sở là yêu cầu kỹ thuật về chất lượng của một số sản phẩm (có chung tên sản phẩm, nhãn hiệu, tiêu chuẩn chất lượng chủ yếu, tiêu chuẩn vệ sinh) do thương nhân tự xây dựng, công bố và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và người tiêu dùng. Tiêu chuẩn cơ sở thương không được thấp hơn tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn ngành.

5. Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm

Là văn bản kỹ thuật quy định các đặc tính, yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm, phương pháp thử các đặc tính, yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm, các yêu cầu về bao gói, ghi nhãn, vận chuyển, bảo quản sản phẩm, các yêu cầu đối với hệ thống quản lý chất lượng và các vẫn đề khác có liên quan đến chất lượng sản phẩm.

6. Chất lượng thực phẩm

Là tổng thể các thuộc tính của một sản phẩm thực phẩm có thể xác định được và cần thiết cho sự kiểm soát của Nhà nước, bao gồm: các chỉ tiêu cảm quan, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu, tiêu chuẩn chỉ điểm chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh về hóa, lý, vi sinh vật; thành phần nguyên liệu và phụ gia thực phẩm; thời hạn sử dụng; hướng dẫn sử dụng và bảo quản; quy cách bao gói và chất liệu bao bì; nội dung ghi nhãn.

Chất lượng thực phẩm là tổng thể các thuộc tính của một sản phẩm thực phẩm
Chất lượng thực phẩm là tổng thể các thuộc tính của một sản phẩm thực phẩm

7. Tiêu chuẩn vệ sinh

Là các mức giới hạn hoặc quy định cho phép tối đa các yếu tố hóa học, vật lý và vi sinh vật được phép có trong sản phẩm nhầm bảo đảm chất lượng sản phẩm ổn định và an toàn cho người sử dụng.

8. Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu:

là mức hoặc định lượng các chất quyết định giá trị dinh dưỡng và tính chất đặc thù của sản phẩm để nhận biết, phân loại và phân biệt với thực phẩm cùng loại.

9. Giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm

Giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm (gọi tắt là Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm) là giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho thương nhân đã thực hiện việc công bố tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm phù hợp với các quy định bắt buộc áp dụng của pháp luật Việt Nam. Giấy chứng nhận này có giá trị 03 năm kể từ ngày ký và đóng dấu của cơ quan Y tế có thẩm quyền cấp

10. Thực phẩm đặc biệt

Thực phẩm đặc biệt là thuật ngữ chung về nhóm sản phẩm có tính chất đặc biệt hoặc dùng cho các đối tượng tiêu dùng đặc biệt, có cách sử dụng đặc biệt hoặc có công dụng đặc biệt với sức khỏe. Thực phẩm đặc biệt còn là sản phẩm công nghệ mới, bao gồm các loại sau:

  • Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ;
  • Thực phẩm dinh dưỡng qua ống xông;
  • Thực phẩm biến đổi gen;
  • Thực phẩm chiếu xạ;
  • Thực phẩm chức năng.

11. Thực phẩm chức năng

Thực phẩm chức năng, tùy theo công dụng, hàm lượng vi chất và hướng dẫn sử dụng, còn có các tên gọi khác sau:

  • Thực phẩm bổ sung dinh dưỡng (thực phẩm bổ sung) là những thực phẩm được chế biến từ những nguyên liệu có hoạt tính sinh học cao (thực phẩm bổ sung dinh dưỡng) và/hoặc được bổ sung thêm vi chất dinh dưỡng (thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng) với mức khuyến cáo sử dụng phù hợp lứa tuổi, đối tượng sử dụng theo quy định
  • Thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng là thực phẩm thông thường có tăng cường vi chất dinh dưỡng.
  • Thực phẩm dinh dưỡng y học là một loại thực phẩm đặc biệt đã qua thử nghiệm lâm sàng, được chứng minh là có công dụng như nhà sản xuất đã công bố và được cơ quan có thẩm quyền cho phép lưu hành, đồng thời có chỉ định và cách sử dụng với sự giúp đỡ, giám sát của thầy thuốc
  • Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ là một thuật ngữ chung của Trung Quốc, có ý nghĩa tương đương như Thực phẩm chức năng.

12. Phòng kiểm nghiệm được chỉ định

Là phòng kiểm nghiệm được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam chỉ định

13. Phòng kiểm nghiệm độc lập được công nhận

Là phòng kiểm nghiệm được công nhận bởi tổ chức công nhận và độc lập với tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm

14. Phòng kiểm nghiệm được thừa nhận

Là phòng kiểm nghiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm được công nhận bởi tổ chức công nhận và phòng kiểm nghiệm được cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài chỉ định.

Không hiểu nghĩa của thuật ngữ công bố sản phẩm có thể khiến quý doanh nghiệp xác định sai bản chất của sản phẩm như: thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm tăng cường vi chất, thực phẩm bổ sung… dẫn tới kiểm nghiệm sai nhóm sản phẩm, không chính xác khi soạn thảo hồ sơ công bố… Vì thế hãy nắm thật kỹ những thuật ngữ cơ bản trên nhé.

TinLaw

TinLaw

TinLaw với mong muốn nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Pháp lý & Kế toán trong kinh doanh, luôn đồng hành và đưa ra các giải pháp hiệu quả, tối ưu chi phí để giúp cho doanh nghiệp SMEs vận hành đúng luật và phát triển bền vững.