Những cá nhân làm việc không có hợp đồng lao động hoặc làm việc với hợp đồng ngắn hạn dưới 3 tháng với mức thu nhập từ 2 triệu đồng trở lên là đối tượng phải nộp thuế thu nhập bât thường. Vậy thuế thu nhập bất thường là gì? Cách tính thuế thu nhập bất thường như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau.
Định nghĩa thuế thu nhập bất thường
Thuế thu nhập bất thường là khoản tiền thuế mà cá nhân phải nộp khi có thu nhập phát sinh trong trường hợp cá nhân làm việc nhưng không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng dưới 03 tháng với mức thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên.
Đối tượng nộp thuế thu nhập bất thường
Theo Điểm i, Khoản 1, Điều 25, Thông tư 111/2013/TT-BTC:
“Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/ lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.”
Như vậy, những trường hợp cần nộp thuế thu nhập bất thường gồm:
- Người lao động không thực hiện ký kết hợp đồng lao động với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện trả tiền lương, tiền công.
- Người lao động có ký kết hợp đồng lao động dưới 03 tháng và có nguồn thu nhập trên 2 triệu đồng/ lần thanh toán.
Cách tính thuế thu nhập cá nhân bất thường
Người lao động sẽ bị khấu trừ thuế thu nhập bất thường với mức là 10% trên tổng thu nhập được nhận mỗi lần phát sinh.
Công thức tính thuế thu nhập bất thường như sau:
Số tiền thuế thu nhập bất thường phải nộp = Thu nhập tính thuế x 10%
Hiện nay, thông thường thời gian thử việc của người lao động là 1 – 2 tháng. Và lương thử việc bằng 85% mức lương thỏa thuận. Tuy nhiên, do áp dụng quy định về tính thuế thu nhập bất thường nên lương thực nhận sẽ phải trừ 10% trước khi nhận về.
*Ví dụ: Anh Nguyễn Văn An thử việc 2 tháng ở công ty B, có mức lương là 20 triệu/tháng. Vậy thuế thu nhập bất thường và lương thực nhận của anh A được tính như sau:
Thuế thu nhập bất thường = thu nhập tính thuế x 10%
= 20.000.000*10% = 2.000.000 VNĐ
Lương thực nhận = lương thử việc – thuế thu nhập bất thường
= 20.000.000 – (20.000.000*10%) = 18.000.000 VNĐ/lần
Làm gì để không phải đóng thuế thu nhập bất thường?
Để không phải đóng thuế thu nhập bất thường, cá nhân cần đáp ứng điều kiện chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% nêu ở phần trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế.
Khi đã đáp ứng điều kiện này thì cá nhân cần làm cam kết Mẫu 08/CK-TNCN theo Thông tư 80/2021/TT-BTC gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân. Bên cạnh đó, cá nhân làm cam kết phải đăng ký thuế và có mã số thuế tại thời điểm cam kết.
>> Tải mẫu tại đây: Mẫu 08/CK-TNCN
Căn cứ vào cam kết của người nhận thu nhập, tổ chức trả thu nhập không khấu trừ thuế. Kết thúc năm tính thuế, tổ chức trả thu nhập vẫn phải tổng hợp danh sách và thu nhập của những cá nhân chưa đến mức khấu trừ thuế (vào mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) và nộp cho cơ quan thuế.
Cá nhân làm cam kết phải chịu trách nhiệm về bản cam kết của mình, trường hợp phát hiện có sự gian lận sẽ bị xử lý theo quy định của Luật quản lý thuế.
Không đóng thuế thu nhập bất thường có bị phạt không?
Nếu thu nhập sau khi giảm trừ gia cảnh mà chưa tới mức phải chịu thuế và có làm cam kết Mẫu 08/CK-TNCN thì không cần đóng thuế thu nhập bất thường.
Nếu thu nhập sau khi giảm trừ gia cảnh vẫn ở mức chịu thuế thì bắt buộc phải đóng thuế TNBT. Trường hợp này, nếu bạn không đóng thuế thì sẽ bị phạt về hành vị trốn thuế, gian lận thuế.
Quy định mức phạt như sau: Tổ chức, doanh nghiệp sẽ bị phạt từ 1 – 3 lần đối với số tiền thuế cần nộp. Cá nhân người lao động sẽ phải chịu mức phạt 1/2 so với doanh nghiệp, tổ chức thanh toán tiền lương, tiền công.
Làm thế nào để nhận lại tiền thuế thu nhập bất thường đã bị thu?
Trường hợp cá nhân không làm cam kết Mẫu 08/CK-TNCN và bị trừ 10% thuế nhưng tổng thu nhập cả năm trừ gia cảnh và các khoản miễn thuế chưa tới mức phải nộp thuế thì có thể đủ điều kiện để nhận lại tiền thuế nhu nhập bất thường đã nộp.
Cách thực thực hiện như sau: Cuối năm, người lao động làm thủ tục quyết toán thuế để nhận về số tiền thuế thu nhập bất thường đã bị thu. Khi hồ sơ được duyệt, cơ quan thuế sẽ thông báo thời hạn nhận được tiền hoàn thuế.
Tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan Nhà nước có phải nộp thuế thu nhập bất thường không?
Căn cứ điểm e khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì tiền thưởng nhận được khi phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân bất thường.
Trên đây là các thông tin cơ bản về thuế thu nhập bất thường theo quy định hiện hành. Nếu vẫn còn thắc mắc vui lòng liên hệ dịch vụ kế toán thuế TinLaw để được hướng dẫn, giải đáp.
Trụ sở: Tòa nhà TIN Holdings, 399 Nguyễn Kiệm, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.
Tổng đài: 1900 633 306
Email: cs@tinlaw.vn
Hotline: 0919 824 239