You are here:

Thuế bảo vệ môi trường áp dụng hiện hành

Để góp phần chung tay những hạn chế của các sản phẩm gây ảnh hưởng môi trường, nhà nước ta ban hành thuế bảo vệ môi trường. Vì bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mọi người, vì tương lai của thế hệ sau này. Câu hỏi đặt ra là hiện nay, thuế bảo vệ môi trường được Nhà nước quy định như thế nào? Các loại dịch vụ hàng hoá nào chịu loại thuế nào? Cùng dịch vụ kế toán TinLaw tìm hiểu qua bài viết dưới đây để sáng tỏ về các vấn đề này.

Thuế Bảo vệ môi trường là gì?

Đầu tiên, điểm qua về thuế bảo vệ môi trường là gì? Thuế bảo vệ môi trường là khoản thu của Ngân sách Nhà nước nhằm điều tiết các hoạt động có ảnh hưởng tới môi trường và kiểm soát ô nhiễm môi trường. Việc đánh thuế bảo vệ môi trường thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường, đây chính là hình thức hạn chế một sản phẩm hay hoạt động không có lợi cho môi trường,

Tại sao lại có loại thuế này? Vai trò thuế bảo vệ môi trường là gì?

Mỗi quốc gia ban hành thuế môi trường đã nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường hiện nay, Việt Nam cũng đã nhận thức rõ về vấn đề sống còn này và trở thành một thành viên trong những quốc gia đó. Nghĩa vụ đóng thuế tạo động cơ thúc đẩy người gây ô nhiễm tìm phương pháp giảm thiểu ô nhiễm mới. Giảm thiểu ô nhiễm môi trường là mục tiêu của những nỗ lực làm thay đổi hành vi. Thuế môi trường là công cụ đem lại hiệu quả nhất về chi phí trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường so với việc ban hành các quyết định hành chính khác.

Chính sách thuế bảo vệ môi trường thể hiện các vai trò như sau:

  • Thuế bảo vệ môi trường góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, đáp ứng nhu cầu chi tiêu cho các hoạt động, trong đó có hoạt động quản lý, cải thiện và bảo vệ môi trường. Thuế bảo vệ môi trường tạo nên một phần nguồn lực tài chính cho ngân sách nhà nước đáp ứng yêu cầu chi tiêu của Nhà nước trong đó có nhu cầu chi tiêu cho hoạt động quản lí và bảo vệ môi trường, tạo điều kiện phát triển tốt và bền vững hơn, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
  • Thuế bảo vệ môi trường góp phần thay đổi hành vi, điều tiết tiêu dùng, định hướng cho người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm thiểu nguy cơ gây hại môi trường. Cụ thể là thuế bảo vệ môi trường làm cho con người hạn chế sử dụng các sản phẩm tác động xấu đến môi trường; Các nhà sản xuất và người tiêu dùng dần dần chuyển sang sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường, ít tác động xấu đến môi trường hơn, định hướng nền kinh tế phát triển thân thiện với môi trường.
  • Không chỉ là công cụ quản lý, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp mà thuế bảo vệ môi trường còn định hướng phát triển an toàn, thân thiện với môi trường, tái tạo môi trường. thuế môi trường có mục đích giúp đạt hiệu quả bảo vệ môi trường nhanh hơn so với công cụ pháp lý. Hay nói cách khác, thông qua việc tác động vào lợi ích kinh tế của các chủ thể trong quan hệ quản lý môi trường nên việc sử dụng thuế môi trường sẽ đảm bảo các chủ thể này thực thi pháp luật hiệu quả hơn.
  • Thuế bảo vệ môi trường khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới công nghệ theo hướng đảm bảo an toàn, thân thiện với môi trường. làm cho các nhà sản xuất thường xuyên cải tiến đổi mới công nghệ để giảm thiểu ô nhiễm. Ví dụ dễ hiểu và gần gũi nhất: Nếu đánh thuế môi trường vào nhiên liệu tăng thì điều này sẽ thúc đẩy việc nghiên cứu tìm ra các nguồn năng lượng mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người dẫn tới việc ra đời của các công nghệ chu trình và sản phẩm mới.
  • Thuế bảo vệ môi trường có vai trò trong việc có thể làm giảm bớt gánh nặng quản lý cho hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, làm con người thay đổi thái độ đối với môi trường sống, chú trọng khai thác tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả và thân thiện với môi trường; tự giác thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường.
Vai trò của thuế bảo vệ môi trường

Vai trò của thuế bảo vệ môi trường

Đặc điểm thuế bảo vệ môi trường

Để hiểu rõ và tường tận hơn về thuế bảo vệ môi trường thì loại thuế này sẽ có những sự khác biệt như sau:

  • Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu. Cụ thể, thuế môi trường đã được cộng thêm vào giá bán của sản phẩm, khi đó gánh nặng thuế sẽ chuyển từ nhà sản xuất kinh doanh – chủ thể nộp thuế sang người tiêu dùng. Điều này còn mang ý nghĩa rằng loại thuế này sẽ không tạo phản ứng gay gắt từ người chịu thuế vì người nộp chỉ là người thay nhà nước thu từ những chủ thể chịu thuế, còn các chủ thể chịu thuế thường không biết mình là người phải gánh chịu thuế.
  • Thuế bảo vệ môi trường đánh vào các hàng hóa, sản phẩm có tác động xấu với môi trường. Đối tượng chịu thuế môi trường là những sản phẩm mà việc sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng chúng gây tác hại lâu dài đến môi trường (khi chúng được sử dụng trong quá trình sản xuất, tiêu dùng hay hủy bỏ). Khái niệm sản phẩm ở đây được hiểu bao gồm hàng hóa và dịch vụ, có thể thấy rằng, đối tượng chịu thuế chỉ là hàng hóa, không bao hàm dịch vụ và chỉ khi sử dụng mà gây tác động xấu tới môi trường mới là đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường, tức là không bao hàm quá trình khi sản xuất ra các sản phẩm đó.
  • Thuế bảo vệ môi trường áp dụng thuế tuyệt đối. Mức thuế tuyệt đối được quy định theo biểu khung thuế cụ thể do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành, tùy theo từng đối tượng chịu thuế, là một số tiền/đơn vị hàng hóa Có thể nhận thấy rằng, việc pháp luật quy định tính thuế bảo vệ môi trường với mức thuế tuyệt đối là hợp lý. Bởi đây là phương pháp tốt nhất, thể hiện sự đơn giản, minh bạch trong thực hiện, bảo đảm sự chủ động trong việc tính toán giá thành sản phẩm cũng như đối với việc thu ngân sách nhà nước, không phụ thuộc vào sự biến động của giá cả hàng hóa. Mức thuế tuyệt đối được quy định theo Biểu khung thuế nên dễ thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên thì mức thuế tuyệt đối có một hạn chế đó là nó sẽ gây khó khăn trong công tác thực hiện, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay với tình trạng trượt giá khó kiểm soát, khung tính thuế và mức thuế tuyệt đối sẽ liên tục phải thay đổi để phù hợp với thực tiễn, khi đó gây khó khăn trong công tác thực thi pháp luật.
  • Thuế bảo vệ môi trường điều tiết một lần vào khâu đầu tiên hình thành hàng hóa chịu thuế tại thị trường trong nước.
  • Mục tiêu lớn nhất của thuế bảo vệ môi trường là tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững.
  • Thuế bảo vệ môi trường là một trong các loại thuế do nhà nước ban hành nên trước hết nó cũng mang đầy đủ các đặc điểm chung của thuế như: tính bắt buộc; tính gắn liền với yếu tố quyền lực nhà nước và nó không mang tính đối giá, tính hoàn trả trực tiếp.

Hàng hoá, dịch vụ chịu thuế bảo vệ môi trường

Theo quy định của Luật thuế bảo vệ môi trường, đối tượng chịu thuế gồm 08 nhóm hàng hóa sau: Xăng dầu (xăng, nhiên liệu bay, diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn). Đây là các sản phẩm có chứa một số chất hóa học như chì, lưu huỳnh,… ngay cả khi chưa sử dụng các chất chứa trong xăng dầu đã phát thải ra môi trường và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Việc đưa các sản phẩm xăng dầu vào đối tượng chịu thuế nhằm mục tiêu khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới áp dụng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu.

Than đá: Khi than được sử dụng cho mục đích đốt cháy sẽ thải ra môi trường các loại khí như CO2, SO2 đều là các loại khí gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Phạm vi sử dụng than cũng rộng khắp với khối lượng gần 30 triệu tấn/năm. Việc đưa than vào đối tượng chịu thuế cũng nhằm mục tiêu khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; giảm sự phụ thuộc vào năng lượng có nguồn gốc hóa thạch, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.

Dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (dung dịch HCFC): Dung dịch HCFC được sử dụng trong một số lĩnh vực công nghiệp như: làm lạnh, điều hòa không khí,… Sự phát thải chất HCFC vào khí quyển làm ô nhiễm bầu không khí, là nguyên nhân chính làm suy giảm tầng ôzôn và gây hiệu ứng nhà kính. Nước ta đã tham gia ký kết Nghị định thư Montreal về hạn chế sử dụng các chất làm giảm tầng ôzôn. Việc đưa chất HCFC vào đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần vào việc thực hiện các cam kết quốc tế, khuyến khích doanh nghiệp giảm dần sử dụng HCFC bằng việc chuyển đổi công nghệ sản xuất.

Túi ni lông thuộc diện chịu thuế: Túi ni lông phải trải qua thời gian rất lâu để phân hủy, có thể tới hàng trăm năm hoặc không thể tự phân hủy được. Túi ni lông thải bỏ sau khi sử dụng sẽ tích tụ trong đất, suy thoái môi trường đất. Khi bị phân hủy còn sinh ra các chất làm đất bị trơ, không giữ được độ ẩm và dinh dưỡng cho cây trồng. Việc đưa túi ni lông vào đối tượng chịu thuế nhằm mục tiêu nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội, từ đó góp phần thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong việc sử dụng túi ni lông.

Thuốc trừ cỏ, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng kho, thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng (04 đối tượng chịu thuế): Đây là những hợp chất độc có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc tổng hợp từ các chất hóa học được dùng để phòng trừ dịch hại trên cây trồng và bảo quản nông sản. Hiện nay, việc sử dụng đúng cách, đúng liều lượng thuốc bảo vệ thực vật chưa được quan tâm do giá của nhiều loại còn rẻ so với giá nông sản. Việc đưa hóa chất bảo vệ thuộc nhóm hạn chế sử dụng vào đối tượng chịu thuế nhằm nâng cao nhận thức của người sử dụng, khuyến khích họ thay đổi thói quen sử dụng lạm dụng, giảm thiểu tác hại xấu của hóa chất bảo vệ thực vật đối với môi trường.

Đồng thời Luật cũng quy định điều khoản mở “ Trường hợp xét thấy cần thiết phải bổ sung đối tượng chịu thuế khác cho phù hợp với từng thời kỳ thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quy định”.

Hàng hoá, dịch vụ chịu thuế bảo vệ môi trường

Hàng hoá, dịch vụ chịu thuế bảo vệ môi trường

Hàng hoá, dịch vụ miễn thuế bảo vệ môi trường

Hàng hóa không chịu thuế bảo vệ môi trường trong các trường hợp sau:

  • Hàng hóa vận chuyển quá cảnh hoặc chuyển khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam theo quy định của pháp luật, bao gồm hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu qua cửa khẩu Việt Nam nhưng không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam; hàng hóa quá cảnh qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam trên cơ sở Hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước ngoài hoặc thỏa thuận giữa cơ quan, người đại diện được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước ngoài ủy quyền theo quy định của pháp luật;
  • Hàng hóa tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu trong thời hạn theo quy định của pháp luật;
  • Hàng hóa do cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu, trừ trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường để xuất khẩu.

Như vậy, các hàng hoá quá cảnh hoặc chuyển khẩu qua cửa khẩu Việt Nam mà không thực hiện các thủ tục nhập, xuất khẩu Việt Nam; các hàng hoá tạm, tái xuất khẩu trong thời hạn sẽ không phải chịu thuế bảo vệ môi trường.

Quốc hội đã thống nhất chỉ không thu thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa do cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu; đối với hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua để xuất khẩu thì vẫn phải nộp thuế bảo vệ môi trường.

Quy định chung về thuế bảo vệ môi trường

1. Người nộp thuế

Nội dung tại Điều 5 Luật Thuế bảo vệ môi 2010 trường quy định về người nộp thuế như sau:

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sản xuất, hoạt động nhập khẩu những loại hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường.

Người thực hiện nộp thuế bảo vệ môi trường được quy định đối với một số trường đặc thù như sau:

  • Người nhận ủy thác nhập khẩu hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường cũng là người nộp thuế.
  • Tổ chức, hộ kinh doanh gia đình, cá nhân khi làm đầu mối thu mua những loại hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế sẽ là người nộp thuế khi không xuất trình được giấy tờ chứng minh hàng hóa đã nộp thuế bảo vệ môi trường.

2. Thời điểm xác định thuế bảo vệ môi trường

Dựa vào mục đích sử dụng các loại hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường nên sẽ có thời điểm xác định thuế khác nhau.

  • Những loại hàng hóa được sử dụng với mục đích là trao đổi, trao tặng, bán ra thì thời điểm bán ra, trao tặng, thời điểm chuyển nhượng là thời điểm xác định thuế.
  • Những loại hàng hóa được sử dụng với mục đích là tiêu dùng nội bộ thì thời điểm sử dụng hàng hóa là thời điểm xác định thuế.
  • Những loại hàng hóa được sử dụng với mục đích là xuất khẩu thì thời điểm đăng ký khai tờ khai hải quan là thời điểm xác định thuế bảo vệ môi trường.
  • Những loại xăng, dầu sản xuất hoặc nhập khẩu với mục đích để bán thì thời điểm đầu mối bán ra các loại xăng, dầu là thời điểm xác định thuế bảo vệ môi trường.

3. Kê khai, tính và nộp thuế

Về cơ bản, việc khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý thuế. Luật thuế bảo vệ môi trường quy định cụ thể hơn về: thời điểm tính thuế, khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế bảo vệ môi trường:

  • Về thời điểm tính thuế: Đối với hàng hóa sản xuất bán ra, trao đổi, tặng cho, thời điểm tính thuế là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa; đối với hàng hóa tiêu dùng nội bộ, thời điểm tính thuế là thời điểm đưa hàng hóa vào sử dụng; đối với hàng hóa nhập khẩu, thời điểm tính thuế là thời điểm đăng ký từ khai hải quan; đối với xăng dầu sản xuất hoặc nhập khẩu, thời điểm tính thuế là thời điểm đầu mối kinh doanh xăng dầu bán ra.
  • Về khai thuế, tính thuế và nộp thuế: Đối với hàng hóa sản xuất bán ra, trao đổi, tiêu dùng nội bộ, tặng cho được thực hiện theo tháng và theo quy định của pháp luật về quản lý thuế; đối với hàng hóa nhập khẩu được thực hiện cùng thời điểm với khai và nộp thuế nhập khẩu; thuế bảo vệ môi trường chỉ phải nộp một lần đối với hàng hóa sản xuất hoặc nhập khẩu.

Luật thuế bảo vệ môi trường sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012, khi Luật có hiệu lực thi hành thì không thu phí xăng dầu.

4. Hoàn thuế bảo vệ môi trường

Đối với những đối tượng có phát sinh thuế bảo vệ môi trường thì bắt buộc phải đóng số thuế được định mức theo quy định của Nhà nước. Bên cạnh đó, một số trường hợp áp dụng hoàn thuế bảo vệ môi trường bao gồm như sau:

  • Những loại hàng hóa xuất khẩu còn lưu kho, bãi tại cửa khẩu đang được quản lý bởi cơ quan Hải quan được tái xuất khẩu ra nước ngoài.
  • Những loại hàng hóa nhập khẩu để giao, bán cho thị trường nước ngoài thông qua đại lý Việt Nam, xăng, dầu bán cho phương tiện vận tải nước ngoài đi qua đường cảng Việt Nam hoặc ngược lại phù hợp với nội dung được quy định của pháp luật.
  • Những loại hàng hóa thuộc trạng thái tạm nhập để tái xuất khẩu theo phương thức tái xuất, tạm nhập khẩu.
  • Những loại hàng hóa được nhập khẩu nhằm tái xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
  • Những loại hàng hóa thuộc tình trạng tạm nhập để tham gia các cuộc hội chợ, triển lãm khi tái xuất khẩu ra thị trường bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Luật thuế bảo vệ môi trường quy định cụ thể các trường hợp được hoàn thuế như trên là hợp lý, đảm bởi lợi ích của người nộp thuế.

Biểu thuế bảo vệ môi trường

Biểu thuế bảo vệ môi trường được quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 (26/09/2018) của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường, được sửa đổi bổ sung Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-VPQH (06/08/2021) của Văn phòng Quốc hội, bên cạnh đó còn có Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 (30/12/2022)của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Cụ thể như sau:

TT Hàng hóa Đơn vị tính Mức thuế

(đồng/đơn vị hàng hóa)

I Xăng, dầu, mỡ nhờn
1 Xăng, trừ etanol lít 2.000
2 Nhiên liệu bay lít 1.000
3 Dầu diesel lít 1.000
4 Dầu hỏa lít 600
5 Dầu mazut lít 1.000
6 Dầu nhờn lít 1.000
7 Mỡ nhờn kg 1.000
II  Than đá
1 Than nâu tấn 15.000
2 Than an – tra – xít (antraxit) tấn 30.000
3 Than mỡ tấn 15.000
4 Than đá khác tấn 15.000
III Dung dịch Hydro – chloro – fluoro – carbon (HCFC), bao gồm cả dung dịch HCFC có trong hỗn hợp chứa dung dịch HCFC kg 5.000
IV Túi ni lông thuộc diện chịu thuế  kg 50.000
V Thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng  kg 500
VI Thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng  kg 1.000
VII Thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng kg 1.000
VIII Thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng kg 1.000
Xem thêm: Thuế bảo vệ môi trường túi ni lông theo Pháp luật hiện hành

Xem thêm: Thuế bảo vệ môi trường xăng dầu mới nhất

Qua những thông tin về thuế bảo vệ môi trường nói chung và các yếu tố xung quanh về thuế bảo vệ môi trường nói riêng, TinLaw đã mang đến quý doanh nghiệp, cá nhân các kiến thức hữu ích và cần thiết về loại thuế này. Bên cạnh đó thấy được nhiệm vụ to lớn của loại thuế này đối vấn đề sống còn con người phải đối mặt. Việc áp dụng thuế bảo vệ môi trường mang lại những hiệu quả, tác động tích cực nhưng vẫn còn nhiều những bất cập. Hy vọng trong tương lai Nhà nước sẽ đưa ra những chính sách chi tiết và toàn diện hơn để việc thực hiện nghĩa vụ thuế bảo vệ môi trường hiệu quả hơn. Nếu còn những thắc mắc hoặc cần được tư vấn, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua thông tin bên dưới:

Picture of TinLaw
TinLaw
Đối tác pháp lý toàn diện và đáng tin cậy giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tuân thủ pháp luật, tối ưu hiệu quả và phát triển bền vững.

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

Đặt câu hỏi, ý kiến hoặc yêu cầu tư vấn