Người nước ngoài nghỉ việc tại doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam phải làm thủ tục trả thẻ tạm trú. Vậy thủ tục này thực hiện như thế nào? Tại sao phải thu hồi thẻ tạm trú? Nếu người nước ngoài cố tình không trả thẻ tạm trú có bị phạt không? Hãy cùng dịch vụ làm thẻ tạm trú của TinLaw tìm câu trả lời trong phần dưới đây.
Trường hợp thu hồi thẻ tạm trú của người nước ngoài
Nếu người nước ngoài muốn làm việc dài hạn tại Việt Nam thì phải có doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam bảo lãnh để thực hiện thủ tục cấp giấy phép lao động và thẻ tạm trú. Theo quy định của pháp luật thì thời hạn tối đa cho giấy phép lao động cho người nước ngoài có thời hạn tối đa 02 năm, chính vì vậy người nước ngoài có thể xin cấp thẻ tạm trú tại Việt Nam với thời hạn tối đa là 02 năm theo quy định. Nhưng trong trường hợp hộ chiếu của người lao động không còn đủ thời gian sử dụng 2 năm thì sẽ cấp thẻ tạm trú theo thời hạn của hộ chiếu nhưng tối thiểu không dưới 1 năm.
Vậy, trường hợp nào thì phải trả thẻ tạm trú?
Trong trường hợp người nước ngoài muốn nghỉ việc trước thời hạn thỏa thuận với công ty, hoặc muốn chuyển sang công ty khác làm việc, hoặc doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người nước ngoài thì cần làm thủ tục trả thẻ tạm trú cho người nước ngoài.
Tại sao người nước ngoài nghỉ việc lại phải thu hồi thẻ tạm trú?
Căn cứ điều 6, Luật số 47/2014/QH13 quy định về việc thu hồi, hủy bỏ giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp như sau:
“Người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 3, 4, 5 và 6 Điều 5; khoản 3 Điều 21; điểm b khoản 2 Điều 44 của Luật này thì bị thu hồi, hủy bỏ giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam.”
Theo đó, điểm b khoản 2 Điều 44, Luật số 47/2014/QH13 quy định:
“b) Hoạt động tại Việt Nam phải phù hợp với mục đích nhập cảnh;”
Như vậy, người nước ngoài đến Việt Nam để làm việc nhưng vì đã nghỉ việc nên hoạt động tại Việt Nam không còn phù hợp với mục đích nhập cảnh ban đầu nữa. Do đó, thẻ tạm trú của người nước ngoài sẽ bị thu hồi, huỷ bỏ theo quy định.
Trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức bảo lãnh cho người nước ngoài nghỉ việc
Căn cứ khoản 2, điều 44, Luật số 47/2014/QH13 quy định trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức bảo lãnh khi người lao động nước ngoài nghỉ việc như sau:
“2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh có các trách nhiệm sau đây:
…
e) Thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh về việc người nước ngoài được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú còn thời hạn nhưng không còn nhu cầu bảo lãnh trong thời gian tạm trú tại Việt Nam và phối hợp với cơ quan chức năng yêu cầu người nước ngoài xuất cảnh.”
Như vậy, doanh nghiệp không những có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh về việc người nước ngoài được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú còn thời hạn nhưng không còn nhu cầu bảo lãnh trong thời gian tạm trú tại Việt Nam. Mà công ty còn phải phối hợp với cơ quan chức năng để yêu cầu người nước ngoài xuất cảnh.
Hồ sơ, thủ tục trả thẻ tạm trú cho người nước ngoài
Hồ sơ trả thẻ tạm trú
- Hộ chiếu và thẻ tạm trú của người nước ngoài. Bản chính.
- Mẫu đơn xin gia hạn visa. Mẫu NA5
- Tờ khai tạm trú. Bản sao.
- Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với người nước ngoài.
- Xác nhận thu hồi giấy phép lao động/ Giấy miễn GPLĐ của Sở lao động. Bản gốc/ công chứng.
Quy trình thực hiện thủ tục trả thẻ tạm trú
- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ như hướng dẫn ở phần trên
- Bước 2: Nộp hồ sơ cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở
- Bước 3: Nhận kết quả. Kết quả của thủ tục này là người nước ngoài được cấp một visa ngắn hạn. Người nước ngoài phải xuất cảnh khỏi Việt Nam trong thời hạn quy định.
Xử lý thế nào khi người nước ngoài không xuất cảnh sau khi trả lại thẻ tạm trú?
Trong thực tế, có khá nhiều trường hợp lao động người nước ngoài sau khi trả thẻ tạm trú nhưng vẫn không xuất cảnh khỏi Việt Nam. Khi đó sẽ có 2 khả năng như sau:
- Cố tình ở lại. Trường hợp này người nước ngoài sẽ bị xử lý theo quy định vì ở lại trái phép.
- Có công ty mới bảo lãnh. Lúc này, họ sẽ thực hiện thủ tục xin visa chuyển đổi công ty
- Riêng với công ty bảo lãnh đã thực hiện xong trách nhiệm, nên sẽ không liên quan tới người nước ngoài nữa. Việc người nước ngoài vi phạm pháp luật, họ sẽ phải tự chịu trách nhiệm.
Xử lý thế nào khi người nước ngoài cố tình không trả lại thẻ tạm trú?
Trường hợp lao động người nước ngoài cố tình không trả thẻ tạm trú, dẫn đến công ty không thể thu hồi lại thẻ tạm trú thì xử lý như sau:
- Công ty vẫn sẽ làm thông báo gửi lên Cục xuất nhập cảnh. Thông báo có giải thích lý do không thu hồi được thẻ tạm trú. Đây có thể là căn cứ miễn trừ trách nhiệm liên quan đến người nước ngoài.
- Riêng về người nước ngoài, sẽ bị phạt hành chính với hành vi cư trú bất hợp pháp.
Trên đây là giải đáp của TinLaw về một số vấn đề liên quan đến thủ tục trả thẻ tạm trú cho người nước ngoài nghỉ việc, chuyển công ty, chấm dứt hợp đồng lao động tại doanh nghiệp ở Việt Nam. Nếu vẫn còn thắc mắc vui lòng liên hệ chúng tôi theo thông tin bên dưới:
Trụ sở: Tòa nhà TIN Holdings, 399 Nguyễn Kiệm, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.
Tổng đài: 1900 633 306
Email: cs@tinlaw.vn
Hotline: 0919 824 239