Trường hợp nào giấy phép lao động bị thu hồi? Thủ tục thu hồi giấy phép lao động ra sao? Hãy cùng dịch vụ xin giấy phép lao động TinLaw tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý
- Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021;
- Nghị định 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Trường hợp khiến người lao đông nước ngoài bị thu hồi giấy phép lao động
Căn cứ theo quy định tại Điều 20 Nghị định 152/2020/NĐ-CP và các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 156 của Bộ luật Lao động thì nếu thuộc một trong 9 trường hợp sau đây giấy phép lao động sẽ bị thu hồi:
- Giấy phép lao động hết thời hạn.
- Chấm dứt hợp đồng lao động.
- Nội dung của hợp đồng lao động không đúng với nội dung của giấy phép lao động đã được cấp.
- Làm việc không đúng với nội dung trong giấy phép lao động đã được cấp.
- Hợp đồng trong các lĩnh vực là cơ sở phát sinh giấy phép lao động hết thời hạn hoặc chấm dứt.
- Có văn bản thông báo của phía nước ngoài thôi cử lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
- Doanh nghiệp, tổ chức, đối tác phía Việt Nam hoặc tổ chức nước ngoài tại Việt Nam sử dụng lao động là người nước ngoài chấm dứt hoạt động.
- Người sử dụng lao động hoặc người lao động nước ngoài không thực hiện đúng quy định tại Nghị định này.
- Người lao động nước ngoài trong quá trình làm việc ở Việt Nam không thực hiện đúng pháp luật Việt Nam làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Thủ tục thu hồi giấy phép lao động
Căn cứ Điều 21 Nghị định 152/2020/NĐ-CP, thủ tục thu hồi giấy phép lao động do người sử dụng lao động nước ngoài thực hiện. Tùy trường hợp bị thu hồi giấy phép lao động sẽ có quy định cụ thể như sau:
Trường hợp thu hồi do giấy phép lao động hết hiệu lực (Trường hợp [1], [2], [3], [4], [5], [6], [7])
Bước 1: Người sử dụng lao động thu hồi Giấy phép lao động của lao động nước ngoài.
Bước 2: Nộp hồ sơ cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động đó.
– Hồ sơ gồm:
- Giấy phép lao động của người nước ngoài.
- Văn bản nêu rõ lý do thu hồi, trường hợp thuộc diện thu hồi Giấy phép lao động.
>> Tải: Mẫu công văn trả giấy phép lao động
– Thời hạn nộp: 15 ngày kể từ ngày Giấy phép lao động hết hiệu lực theo các lý do tại trường hợp [1], [2], [3], [4], [5], [6], [7]
Bước 3: Nhận văn bản xác nhận đã thu hồi Giấy phép lao động.
Thời gian giải quyết: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Giấy phép lao động đã thu hồi, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản xác nhận đã thu hồi Giấy phép lao động gửi người sử dụng lao động.
Trường hợp bị thu hồi giấy phép lao động (Trường hợp [8], [9])
Bước 1: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã cấp Giấy phép lao động ra quyết định thu hồi và thông báo cho người sử dụng lao động theo Mẫu số 13/PLI.
Bước 2: Người sử dụng lao động thu hồi Giấy phép lao động của lao động nước ngoài.
Bước 3: Người sử dụng lao động nộp lại Giấy phép lao động cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép.
Thời hạn thực hiện: 03 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy phép lao động.
Bước 4: Người sử dụng lao động nhận văn bản xác nhận đã thu hồi Giấy phép lao động.
Thời gian giải quyết: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nhận được Giấy phép lao động đã thu hồi.
Thời gian bắt đầu thực hiện thủ tục thu hồi giấy phép lao động
Giấy phép lao động đã hết thời hạn và công ty không gia hạn cho nhân viên người nước ngoài thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày giấy phép lao động hết hiệu lực, công ty phải thu hồi giấy phép lao động của người lao động nước ngoài để nộp lại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động đó kèm theo văn bản nêu rõ lý do thu hồi.
Câu hỏi thường gặp liên quan thủ tục thu hồi giấy phép lao động
Trình tự thu hồi giấy phép lao động?
- Đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định 152/2020 NĐ-CP thì trong 15 ngày kể từ ngày giấy phép lao động hết hiệu lực, người sử dụng lao động thu hồi giấy phép lao động của người lao động nước ngoài để nộp lại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động đó kèm theo văn bản nêu rõ lý do thu hồi, trường hợp thuộc diện thu hồi nhưng không thu hồi được.
- Đối với trường hợp quy định tại khoản 2, 3 Điều 20 Nghị định 152/2020 NĐ-CP thì Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động ra quyết định thu hồi giấy phép lao động theo Mẫu số 13/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và thông báo cho người sử dụng lao động để thu hồi giấy phép lao động của người lao động nước ngoài và nộp lại cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động đó.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy phép lao động đã thu hồi, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản xác nhận đã thu hồi giấy phép lao động gửi người sử dụng lao động.
Giấy phép lao động có bị thu hồi khi hợp đồng lao động hết thời hạn không?
Theo Điều 20 Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định các trường hợp bị thu hồi giấy phép lao động như sau:
“Điều 20. Các trường hợp bị thu hồi giấy phép lao động
- Giấy phép lao động hết hiệu lực theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 156 của Bộ luật Lao động.
- Người sử dụng lao động hoặc người lao động nước ngoài không thực hiện đúng quy định tại Nghị định này.
- Người lao động nước ngoài trong quá trình làm việc ở Việt Nam không thực hiện đúng pháp luật Việt Nam làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội.”
Căn cứ Điều 156 Bộ luật Lao động 2019 quy định các trường hợp giấy phép lao động hết hiệu lực sau:
“Điều 156. Các trường hợp giấy phép lao động hết hiệu lực
- Giấy phép lao động hết thời hạn.
- Chấm dứt hợp đồng lao động.
- Nội dung của hợp đồng lao động không đúng với nội dung của giấy phép lao động đã được cấp.
…”
Như vậy trong trường hợp chấm dứt hợp đồng thì giấy phép lao động hết hiệu lực.
Bên cạnh đó, căn cứ Điều 34 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
“Điều 34. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động
- Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.
…”
Như vậy, có thể kết luận giấy phép lao động sẽ bị thu hồi trong trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động do hợp đồng lao động đã hết thời hạn.
Người lao động nước ngoài đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì có bị thu hồi giấy phép lao động không?
Câu trả lời là CÓ. Theo khoản 2 Điều 156 Bộ luật Lao động 2019 có đề cập đến một trong những trường hợp bị thu hồi giấy phép lao động là do chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo đó, căn cứ theo quy định tại khoản 9, Điều 34 Bộ luật Lao động 2019 về những trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động có đề cập đến người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động:
“Điều 34. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động
…
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 của Bộ luật này.”
Đối chiếu theo quy định nêu trên thì trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là một trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động. Như vậy, người nước ngoài đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cũng thuộc trường hợp phải thu hồi giấy phép lao động.
Người lao động nước ngoài bị kết án tù thì có bị thu hồi giấy phép lao động không?
Câu trả lời là CÓ. Người lao động nước ngoài bị kết án tù sẽ bị thu hồi giấy phép lao động. Vì khoản 4, Điều 34 Bộ luật Lao động 2019 thì đây là 1 trong những trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động => Giấy phép lao động hết hiệu lực => Bị thu hồi.
Người lao động nước ngoài bị trục xuất có bị thu hồi giấy phép lao động không?
Câu trả lời là CÓ. Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất cũng sẽ bị thu hồi giấy phép lao động. Vì khoản 5, Điều 34 Bộ luật Lao động 2019 thì đây là 1 trong những trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động => Giấy phép lao động hết hiệu lực => Bị thu hồi.
Trường hợp người lao động nước ngoài bị sa thải có bị thu hồi giấy phép lao động không?
Câu trả lời là CÓ. Với trường hợp người lao động nước ngoài bị sa thải là căn cứ chấm dứt hợp đồng lao động, mà chấm dứt hợp đồng lao động là một trong những trường hợp thu hồi giấy phép lao động. Do đó người lao động sẽ bị thu hồi giấy phép lao động khi bị sa thải.
Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì có thu hồi giấy phép lao động không?
Câu trả lời là CÓ. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cũng là 1 trong những trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động theo khoản 10, Điều 34 Bộ luật Lao động 2019. Do vậy, hợp đồng lao động bị chấm dứt thì giấy phép lao động cũng sẽ hết hiệu lực và bị thu hồi.
Trên đây là thủ tục thu hồi giấy phép lao động theo quy định mới nhất. Trong trường hợp còn vướng mắc về thủ tục nào, Quý khách xin vui lòng liên hệ dịch vụ xin giấy phép lao động TinLaw để nhận được sự hỗ trợ kịp thời nhất.
Trụ sở: Tòa nhà TIN Holdings, 399 Nguyễn Kiệm, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.
Tổng đài: 1900 633 306
Email: cs@tinlaw.vn
Hotline: 0919 824 239