Trong những năm gần đây, một hiện tượng xuất hiện ngày càng phổ biến đó là nhờ đứng tên đại diện pháp luật của doanh nghiệp. Nhiều người xem đây là một cơ hội hấp dẫn bởi nghiễm nhiên trở thành chủ doanh nghiệp và có thêm một khoản thu nhập. Tuy nhiên, những người đang phân vân hoặc đã đứng tên công ty cho người khác cần lưu ý một số rủi ro sau:
Nghĩa vụ đối với công ty
Theo quy định Tạo Điều 14 Luật doanh nghiệp 2014 thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm:
- Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;
- Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
- Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về việc người đại diện đó và người có liên quan của họ làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối tại các doanh nghiệp khác.
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với những thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm nghĩa vụ nêu trên.
Người đại diện theo pháp luật được quyền ký kết hợp đồng, thỏa thuận mà không cần ủy quyền hoặc chấp thuận nào – nói cách khác, quyền đại diện cho doanh nghiệp của người đại diện theo pháp luật là vô hạn (trừ trường hợp giữa chủ doanh nghiệp và người đại diện có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác). Trong nội bộ, người đại diện theo pháp luật quyết định các vấn đề quan trọng như việc tổ chức và điều hành hoạt động kinh doanh, tổ chức nhân sự, quản lý, sử dụng tài khoản, con dấu của doanh nghiệp.
Chính vì điều này mà việc ký tên, đóng dấu vào các giấy tờ, biên bản, hợp đồng sẽ vô cùng nguy hiểm.
Rủi ro tài chính
Những người chủ thực có thể thuê hoặc nhờ bạn là thành viên, cổ đông trong công ty nhưng không thực hiện góp vốn, nhưng về mặt pháp luật thì bạn sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm với các nghĩa vụ tài chính của công ty.
Các hoạt động kinh doanh trái phép
Theo quy định tại Điều 24 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, nếu như doanh nghiệp có hành vi kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp không trung thực thì sẽ bị phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng. Ngoài ra, nếu với tư cách là người góp vốn (dù thực tế không hề góp vốn), người đại diện theo pháp luật (NĐDTPL) sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn cam kết góp vào công ty theo quy định tại điều 48 Luật Doanh nghiệp 2014 (Mô hình công ty TNHH).
Nếu công ty kinh doanh thua lỗ hay có hành vi trốn thuế, lừa đảo, kinh doanh trái phép là người đại diện trong tố tụng sẽ phải thực hiện các các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm quy định tại khoản 1 điều 13 và điều 14 Luật Doanh nghiệp 2014 về trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật. Đồng thời, người đại diện theo pháp luật là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm trước trọng tài, tòa án về các nghĩa vụ giải trình, nộp phạt hành chính, thậm chí là trách nhiệm hình sự nếu có.
Ngoài những rắc rối trên, NĐDTPL là người xử lý những giấy tờ, hồ sơ, gặp gỡ đối tác hoặc những người khác, … vì vậy những ai đã đang và có ý định là NĐDTPL thì cần trang bị và cân nhắc kỹ lưỡng người nhờ có đáng tin không? Tài sản họ nhờ bạn đứng tên do đâu mà có? Giấy tờ đứng tên có hợp pháp không?, ngành nghề lĩnh vực kinh doanh của công ty, mô hình doanh nghiệp… để tự bảo vệ mình một cách tốt nhất.
Người đại diện theo pháp luật không đúng với hoạt động thực tế
Theo quy định tại điều 24 Nghị định 50/2016/NĐ-CP về vi phạm quy định kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì trong những trường hợp phát hiện hồ sơ kê khai không trung thực, nội dung không chính xác, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng và đồng thời buộc đăng ký thay đổi và thông báo lại các thông tin doanh nghiệp đã kê khai không trung thực, không chính xác.
Những rắc rối khác
Người đứng tên giùm là một người quản lý trong Công ty cho dù chỉ là danh nghĩa cũng sẽ có những phiền phức tìm đến. Đó là những buổi họp người đứng tên bắt buộc phải có mặt. Đó sẽ là những người tìm đến công ty sẽ cần gặp gỡ bạn người đứng tên để xử lý công việc. Đó sẽ là việc kí tá hồ sơ, giấy tờ mà nhiều khi là phiền toái và tốn thời gian…
Trên đây, công ty Luật TinLaw đã nêu những rủi ro mà những người đã, đang và sẽ “được nhờ” đứng tên Đại diện pháp luật trong công ty sẽ gặp phải. Mặc dù chỉ là “bù nhìn”, không có thực quyền nhưng mọi trách nhiệm, nghĩa vụ đối với hoạt động thực tế của doanh nghiệp khi xảy ra sai phạm, vi phạm pháp luật thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là người đầu tiên bị cơ quan pháp luật gọi đến. Chính vì thế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nên thận trọng với vai trò của mình.
Trụ sở: Tòa nhà TIN Holdings, 399 Nguyễn Kiệm, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.
Tổng đài: 1900 633 306
Email: cs@tinlaw.vn
Hotline: 0919 824 239