You are here:

Những tranh chấp nhượng quyền thương mại thường gặp và cách giải quyết

Nhượng quyền thương mại là một hình thức kinh doanh mới được du nhập vào Việt Nam trong những năm gần đây, nhưng ngày càng phát triển và nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp – thương nhân. Hiện nay, ngày càng có nhiều mô hình nhượng quyền thương mại như hệ thống E-Coffee của Cà phê Trung Nguyên, Pizza Hut, Highland Coffee, …

Việc phát triển mô hình nhượng quyền có thể phát sinh nhiều lợi nhuận, tuy nhiên đi kèm với nó là rất nhiều rủi ro.

Mặc dù pháp luật Việt Nam đã có những qui định tương đối phù hợp với hoạt động nhượng quyền thương mại, song trong thực tiễn giải quyết các tranh chấp về nhượng quyền thương mại đã xuất hiện nhiều vấn đề nan giải. Các vấn đề đó có nguyên nhân từ thực tiễn là các dạng tranh chấp về nhượng quyền rất phong phú, phức tạp và các cơ chế giải quyết tranh chấp hiện tại khó đáp ứng

Khái niệm

Nhượng quyền thương mại là gì?

Điều 284 Luật Thương mại 2005 quy định:

Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:

  1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
  2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.”

Hợp đồng nhượng quyền thương mại được hiểu là hợp đồng mà theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành kinh doanh.

Tranh chấp Hợp đồng nhượng quyền thương mại: là sự mâu thuẫn, bất đồng ý kiến giữa các bên tham gia quan hệ hợp đồng nhượng quyền thương mại, dẫn đến tranh chấp và/hoặc chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại giữa các bên tham gia quan hệ nhượng quyền thương mại

Những đặc thù của tranh chấp Hợp đồng nhượng quyền thương mại

  • Về chủ thể:

–    Vì hoạt động nhượng quyền thương mại là hoạt động kinh doanh – thương mại, nên chủ thể của Hợp đồng cũng như tranh chấp trong hợp đồng là thương nhân theo quy định pháp luật Việt Nam;

–    Bản chất của Hợp đồng nhượng quyền không phải là mua bán mà là cho thuê, Bên cho thuê cho bên thuê thuê quy trình hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ. Do đó, quan hệ giữa chủ thể trong Hợp đồng này là quan hệ giữa người thuê và người cho thuê.

  • Về đối tượng của tranh chấp: Đối tượng của Hơp đồng nhượng quyền là các tài sản vô hình và các quyền thương mại khác như: Quyền khai thác sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ, thương hiệu, … Nội dung tranh chấp nhượng quyền thương mại sẽ gắn liền với các quyền thương mại này, nhất là các quyền về sở hữu trí tuệ.
Những tranh chấp nhượng quyền thường gặp trong giao dịch thương mại

Những tranh chấp nhượng quyền thường gặp trong giao dịch thương mại

Những tranh chấp có thể phát sinh từ hợp đồng nhượng quyền thương mại

Tranh chấp về hiệu lực của Hợp đồng:

Một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tranh chấp Hợp đồng là do các điều khoản trong Hợp đồng nhượng quyền thương mại không phù hợp, dẫn đến Hợp đồng bị vô hiệu. Nguyên nhân của tranh chấp này có thể đến từ các nguyên nhân:

–    Bên Nhượng quyền không đủ điều kiện là đã vận hành kinh doanh đủ ít nhất 1 năm trước khi tham gia vào quan hệ nhượng quyền và/hoặc không đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại theo quy định pháp luật hiện hành;

–    Nguyên nhân từ nội dung hợp đồng chứa điều cấm của pháp luật hoặc vi phạm đạo đức xã hội;

–    Chủ thể giao kết hợp đồng không đúng thẩm quyền hoặc có hành vi lừa dối, ví dụ như chủ thể giao kết hợp đồng không phải là người đại diện theo pháp luật, không có thẩm quyền ký kết,…

Tranh chấp về các vấn đề liên quan đến giá trị hợp đồng, phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán:

Trong quá trình thực hiện nhượng quyền thương mại, sẽ có các khoản phí phát sinh sau đây:

–    Phí nhượng quyền ban đầu: những khoản phí không hoàn lại và thanh toán một lần khi bắt đầu thực hiện hợp đồng nhượng quyền.

–    Phí thường xuyên: bản chất là tiền thuê thương hiệu được tính cụ thể theo tổng doanh thu. Tỷ lệ thường sẽ do các bên thỏa thuận;

–    Phí định kỳ dưới hình thức quỹ quảng cáo và xúc tiến hợp tác quốc gia;

–    Phí khác như doanh thu bán sản phẩm, phí tư vấn, phí kiểm toán, phí thiết kế,…

Thực tế, các khoản phí trên rất phức tạp, và mối liên hệ giữa những khoản phí này với lợi nhuận thực tế khiến mâu thuẫn rất dễ phát sinh. Đây là dạng tranh chấp không chỉ về pháp lý mà còn về tài chính – kinh tế, do đó tranh chấp này rất khó giải quyết.

Tranh chấp về sở hữu trí tuệ:

Như đã nói ở trên, đối tượng của Hơp đồng nhượng quyền là các quyền thương mại, nhất là các quyền về sở hữu trí tuệ. Theo quy định pháp luật hiện hành, có một số đối tượng sở hữu trí tuệ phải tiến hành đăng ký mới được bảo hộ như nhãn hiệu, sáng chế,…

Tuy nhiên, có một số sản phẩm sở hữu trí tuệ lại thuộc đối tượng không đăng ký bảo hộ như tên thương mại, thương hiệu, bí mật kinh doanh,…

Việc giao kết hợp đồng nhượng quyền, tức là bạn đã trao quyền sử dụng đối với các sản phẩm sở hữu trí tuệ, tuy nhiên, khi soạn thảo lại không quy định rõ các điều khoản về bí mật thông tin, chống cạnh tranh cũng là một nguyên nhân phát sinh tranh chấp trong nhượng quyền thương mại.

Xem thêm: Đăng ký nhãn hiệu là gì? Có bắt buộc phải đăng ký nhãn hiệu hay không?

Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng nhượng quyền thương mại

Trước hết tranh chấp hợp đồng nhượng quyền thương mại như trên đã nghiên cứu thuộc tranh chấp kinh doanh, thương mại. Như vậy các hình thức giải quyết tranh chấp thương mại là hình thức chủ đạo trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng nhượng quyền thương mại. Các hình thức này theo pháp luật Việt Nam bao gồm: (1) Thương lượng, Hòa giải; (2) Trọng tài thương mại; và (3) Tòa án.

Thương lượng, Hòa giải

Thương lượng, hòa giải phương pháp mà các bên tranh chấp cùng nhau bàn bạc, thỏa thuận để đi đến thống nhất một phương án giải quyết mâu thuẫn giữa họ và các bên sẽ tự nguyện thực hiện phương án đã thỏa thuận qua hòa giải.

Khi lựa chọn phương thức thương lượng, hòa giải, các bên có thể tiến hành theo một trong các cách thức sau:

  • Tự thương lượng, hòa giải: Là do các bên tranh chấp tự bàn bạc để đi đến thống nhất phương án giải quyết tranh chấp mà không cần tới sự tác động hay giúp đỡ của người thứ ba;
  • Hòa giải qua trung gian: Là việc các bên tranh chấp tiến hành hòa giải với nhau dưới sự hỗ trợ, giúp đỡ của người thứ ba (người trung gian hòa giải). Trung gian hòa giải có thể là cá nhân, tổ chức hay Tòa án do các bên tranh chấp chọn lựa hoặc do pháp luật quy định.

Trọng tài thương mại

Theo Luật Trọng tài thương mại 2010, thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận giữa các bên cam kết giải quyết bằng trọng tải các vụ tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh trong hoạt động thương mại. Theo quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì trọng tài có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp sau:

“1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.

Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.

Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài”.

Điều kiện để được giải quyết bằng trọng tài là các bên phải có sự thoả thuận về việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tải. Các bên phải cam kết giải quyết tranh chấp này sinh từ hợp đồng nhượng quyền bằng trọng tài. Thỏa thuận này có thể là một điều khoản trong hợp đồng nhượng quyền thương mại hoặc là một thỏa thuận trọng tài riêng biệt được tạo lập sau khi tranh chấp phát sinh. Trong trường hợp này, điều khoản trọng tài được coi là độc lập với các điều khoản khác của hợp đồng chính nên ngay cả khi hợp đồng chính kết thúc hoặc vô hiệu thì cũng không làm cho điều khoản trọng tài vô hiệu một cách tương ứng.

Trọng tài hoạt động theo nguyên tắc xét xử một lần, phán quyết trọng tài có tính chung thẩm: các bên không thể kháng cáo trước Tòa án hoặc các tổ chức nào khác.

Tòa án

Trên thực tế, giải quyết tranh chấp bằng toà án vẫn có vai trò rất quan trọng và thường được coi như một giải pháp cuối cùng để giải quyết tranh chấp khi các phương thức thương lượng, hòa giải không có hiệu quả và các bên không muốn sử dụng. Việc giải quyết tranh chấp hợp đồng nhượng quyền thương mại bằng toà án có nhiều ưu điểm:

  • Toà án là cơ quan đại diện cho quyền lực nhà nước nên các quyết định, bản án của toà án mạng tinh bắt buộc thi hành đối với các bên và được đảm bảo bởi sức mạnh cưỡng chế của nhà nước;
  • Với nguyên tắc hai cấp xét xử và xét xử tập thể, những sai sót trong quá trình giải quyết tranh chấp có khả năng được phát hiện và khắc phục. Án phí toà án thường thấp hơn trọng tài;

Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc giải quyết tranh chấp hợp đồng nhượng quyển thương mại tại toà án cũng có một số hạn chế nhất định:

  • Mất nhiều thời gian và công sức;
  • Chậm trễ, trì hoàn. Thủ tục tư pháp thường thông qua nhiều cấp xét xử làm cho thời gian giải quyết tranh chấp bị kéo dải, gây trở ngại đối với việc giải quyết tranh chấp hợp đồng nhượng quyền thương mại;
  • Tốn kém hơn so với thương lượng hoặc hoà giải
  • Hoàn toàn có thể dẫn tới sự đỗ vỡ không thể cứu vãn của mối quan hệ nhượng quyền.

Picture of Ls Nguyễn Thị Thúy Linh
Ls Nguyễn Thị Thúy Linh
Với hơn 4 năm làm việc tại các công ty luật danh tiếng và 5 năm đảm nhiệm vai trò pháp chế doanh nghiệp, Luật sư Linh đã tích lũy kinh nghiệm sâu rộng trong các lĩnh vực như Doanh nghiệp – Đầu tư, Lao động – Việc làm và Hợp đồng.

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

Đặt câu hỏi, ý kiến hoặc yêu cầu tư vấn