Luật doanh nghiệp 2014 sau khi có hiệu lực đã sửa đổi và bổ sung một số điểm mới trong vấn đề quy định về thành lập doanh nghiệp. Muốn thành lập doanh nghiệp đúng pháp luật, người đăng ký thành lập công ty, thành lập doanh nghiệp cần phải cập nhật và tìm hiểu thêm thông tin về những quy định này.
Khi tiến hành thành lập doanh nghiệp người sáng lập cần quan tâm đến đại diện pháp luật, hồ sơ pháp lý cần có, trình tự thủ tục và những thủ tục liên quan sau khi thành lập doanh nghiệp.
Người đại diện doanh nghiệp
Tại Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014 có thay đổi so với Luật Doanh nghiệp 2005 ở việc mở rộng về lựa chọn người đại diện theo pháp luật. Theo đó, loại hình doanh nghiệp công ty TNHH và công ty Cổ phần có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật hoặc có nhiều người đại diện theo pháp luật trong các trường hợp cần thiết.
Hồ sơ pháp lý để thành lập doanh nghiệp
Tại các Điều 20, 21, 22, 23 Luật Doanh nghiệp 2014 có yêu cầu cụ thể về các loại hồ sơ ứng theo từng loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi thành lập doanh nghiệp cần phải có các loại giấy tờ sau:
- Giấy tờ đề nghị đăng ký doanh nghiệp
- Bản thảo điều lệ công ty
- Bản sao giấy tờ tùy thân của cá nhân chủ doanh nghiệp và người được đại diện theo ủy quyền gồm: giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc thẻ căn cước công dân
- Trong trường hợp chủ sở hữu là tổ chức thì có Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền
- Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty Cổ phần thì phải có danh sách thành viên
- Một số giấy tờ khác theo yêu cầu của từng loại hình doanh nghiệp
Trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp
Quy định tại Điều 27 Luật Doanh nghiệp hiện hành sẽ bao gồm các bước sau:
- Bước 1: Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền gửi hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.
- Bước 2: Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
- Bước 3: Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, sự phối hợp liên thông giữa các cơ quan trong cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội và đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử
Tại khoản 2 Điều này Luật Doanh nghiệp 2014 giảm thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp xuống 3 ngày thay vì 5 ngày như quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005.
Thủ tục doanh nghiệp cần làm sau khi thành lập
Ngoài việc treo biển tại trụ sở, kê khai thuế, mở tài khoản ngân hàng thì việc khắc dấu là việc quan trọng và có những thay đổi theo quy định của luật hiện hành. Theo tinh thần của điều luật cũ việc cấp, sử dụng con dấu doanh nghiệp phải theo quy định của Bộ Công an. Tại Điều 44 của Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ cần thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để được thông báo trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp là được.
Tóm lại, thành lập doanh nghiệp là một việc cực kỳ quan trọng. Trước khi thành lập, người sáng lập hoặc người đại diện thực hiện thành lập cần phải tìm hiểu kỹ quy định thành lập doanh nghiệp của pháp luật hiện hành, để việc thành lập không sai luật, giảm thiểu thiệt hại về sau. Để việc thành lập trở nên dễ dàng và rút ngắn thời gian, doanh nghiệp có thể chọn cách thức đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng.
Trụ sở: Tòa nhà TIN Holdings, 399 Nguyễn Kiệm, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.
Tổng đài: 1900 633 306
Email: cs@tinlaw.vn
Hotline: 0919 824 239