Nhập cảnh là thuật ngữ được nhiều người nhắc đến khi di chuyển giữa các nước khác nhau. Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn về thuật ngữ này cũng như những điều cần biết về nhập cảnh Việt Nam, mời quý khách theo dõi bài viết sau.
Khái niệm Nhập cảnh
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, cụ thể là Khoản 4 Điều 3 Luật số 47/2014/QH13 ngày 16 tháng 06 năm 2014 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi là Luật Xuất nhập cảnh) thì nhập cảnh là việc người nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam.
Cụ thể hơn, nhập cảnh vào Việt Nam là việc người nước ngoài vào lãnh thổ của Việt Nam thông qua các nơi được phép nhập cảnh. Để được nhập cảnh, người nước ngoài phải tuân theo những nguyên tắc nhất định. Không những thế, họ còn phải đáp ứng những điều kiện cũng như thực hiện các thủ tục theo quy định của luật pháp Việt Nam.
Các văn bản pháp luật quy định về nhập cảnh
Hầu hết các quy định pháp luật về nhập cảnh đều nằm trong những văn bản sau:
- Luật số 47/2014/QH13 ngày 16 tháng 06 năm 2014 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Văn bản này thay thế cho Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2000 đã hết hiệu lực (Pháp lệnh Xuất nhập cảnh).
- Thông tư 04/2015/TT-BCA quy định mẫu giấy tờ liên quan đến việc nhập, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công An ban hành;
- Thông tư 31/2015/TT-BCA hướng dẫn về cấp thị thực, cấp thẻ tạm trú, cấp giấy phép xuất nhập cảnh, giải quyết thường trú cho người nước ngoài tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành;
- Thông tư 04/2016/TT-BNG hướng dẫn thủ tục cấp thị thực, gia hạn tạm trú, cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam thuộc thẩm quyền của Bộ Ngoại giao.
- Ngoài ra, một số nội dung liên quan đến thủ tục nhập cảnh được quy định rải rác trong các văn bản khác của Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính.
Điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam
Tại Việt Nam, người nước ngoài muốn nhập cảnh phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực và không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh.

Trong đó, giấy tờ có giá trị quốc tế và hộ chiếu có thể thay thế cho nhau nhưng thị thực thì bắt buộc phải có. Vì đây là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, cho phép người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.
Các trường hợp chưa cho nhập cảnh gồm:
- Không đủ các giấy tờ ở điều kiện thứ nhất.
- Trẻ em dưới 14 tuổi không có cha, mẹ, người giám hộ hoặc người được ủy quyền đi cùng.
- Giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh.
- Người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.
- Bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực.
- Bị buộc xuất cảnh chưa quá 06 tháng kể từ ngày quyết định buộc xuất cảnh có hiệu lực.
- Vì lý do phòng, chống dịch bệnh.
- Vì lý do thiên tai.
- Vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Trên là những thông tin cơ bản về những điều cần biết về nhập cảnh Việt Nam, Công ty Luật TinLaw hi vọng bài viết đã đem đến nhiều thông tin hữu ích cho quý khách. Chúc quý khách thành công trong việc thực hiện những thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam.

Trụ sở: Tòa nhà TIN Holdings, 399 Nguyễn Kiệm, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.
Tổng đài: 1900 633 306
Email: cs@tinlaw.vn
Hotline: 0919 824 239