You are here:

Hướng dẫn lập mẫu báo cáo lưu chuyển tiền tệ trực tiếp

Mẫu báo cáo lưu chuyển tiền tệ trực tiếp là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp nắm bắt rõ ràng dòng tiền ra vào. Trong bài viết này, TinLaw sẽ hướng dẫn bạn cách lập báo cáo này một cách chi tiết và dễ hiểu. Xem ngay nhé!

Mẫu báo cáo lưu chuyển tiền tệ trực tiếp là gì?

Mẫu báo cáo lưu chuyển tiền tệ trực tiếp là một công cụ giúp doanh nghiệp theo dõi và đánh giá dòng tiền thực tế trong một kỳ kế toán. Mẫu báo cáo này khác với báo cáo lợi nhuận chỉ phản ánh kết quả kinh doanh trên giấy. Bởi báo cáo lưu chuyển tiền tệ sẽ cho thấy doanh nghiệp đã thu được bao nhiêu tiền và đã chi tiêu vào đâu một cách cụ thể.

Tải mẫu báo cáo lưu chuyển tiền tệ trực tiếp

Cơ sở lập mẫu báo cáo lưu chuyển tiền tệ trực tiếp

Để lập được một báo cáo lưu chuyển tiền tệ trực tiếp chính xác và đầy đủ, doanh nghiệp cần dựa trên những cơ sở dữ liệu nào? Dưới đây chính là các cơ sở giúp bạn lập mẫu báo cáo lưu chuyển tiền tệ trực tiếp.

  • Bảng cân đối kế toán: Cung cấp thông tin chi tiết về tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định.
  • Báo cáo kết quả kinh doanh: Phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong một kỳ.
  • Thuyết minh báo cáo tài chính: Giải thích các số liệu và phương pháp kế toán được sử dụng trong báo cáo tài chính.
  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ kỳ trước: Dùng để so sánh và phân tích xu hướng của dòng tiền qua các kỳ.
  • Sổ kế toán tổng hợp: Ghi nhận tổng hợp các giao dịch phát sinh, cung cấp thông tin chi tiết về từng loại giao dịch.
  • Sổ kế toán chi tiết các tài khoản 111, 112, 113: Cung cấp thông tin cụ thể về các giao dịch liên quan đến tiền mặt, các khoản phải thu và phải trả ngắn hạn.
  • Bảng tính và phân bổ khấu hao TSCĐ: Dùng để tính toán các khoản khấu hao tài sản cố định và xác định ảnh hưởng của khấu hao đến dòng tiền.
  • Các chứng từ gốc: Hóa đơn, phiếu thu, phiếu chi,… là bằng chứng pháp lý cho các giao dịch kinh tế phát sinh.
mẫu báo cáo lưu chuyển tiền tệ trực tiếp

Cơ sở lập mẫu báo cáo lưu chuyển tiền tệ trực tiếp

Việc lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ trực tiếp đòi hỏi sự kết hợp giữa các nguồn dữ liệu khác nhau và kiến thức về kế toán. Bằng cách dựa trên các cơ sở trên, doanh nghiệp có thể xây dựng một báo cáo chính xác và hữu ích cho việc ra quyết định.

Nguyên tắc lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ trực tiếp

Để đảm bảo tính chính xác và minh bạch của báo cáo lưu chuyển tiền tệ, doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc sau:

  1. Phân loại và trình bày luồng tiền:
  • Ba loại hoạt động: Tất cả các giao dịch đều được phân loại vào một trong ba hoạt động chính: kinh doanh, đầu tư hoặc tài chính.
  • Nguyên tắc thuần: Các giao dịch có tính chất bù trừ trong cùng một loại hoạt động sẽ được trình bày trên cơ sở thuần.
  • Quy đổi ngoại tệ: Tất cả các giao dịch bằng ngoại tệ đều phải quy đổi về đồng tiền chính thức của doanh nghiệp theo tỷ giá hối đoái tại thời điểm phát sinh.
  1. Cơ sở dữ liệu:
  • Bảng cân đối kế toán: Cung cấp thông tin về tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu.
  • Báo cáo kết quả kinh doanh: Phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh của kỳ.
  • Các chứng từ gốc: Hóa đơn, phiếu thu, phiếu chi,… làm bằng chứng cho các giao dịch.
  • Sổ kế toán: Ghi nhận chi tiết các giao dịch.
  1. Các quy định chung:
  • Tuân thủ chuẩn mực: Phải tuân thủ nghiêm ngặt các chuẩn mực kế toán liên quan đến báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
  • Nguyên tắc kế toán: Áp dụng các nguyên tắc kế toán như nhất quán, thận trọng, phù hợp và toàn diện.
  • Nguyên tắc lịch sử: Tài sản cố định được ghi nhận theo giá gốc.
  • Nguyên tắc đối ứng: Mọi giao dịch đều có hai mặt đối ứng.
  1. Trường hợp đặc biệt:
  • Đầu tư ngắn hạn: Chỉ các khoản đầu tư có thời hạn dưới 3 tháng và dễ chuyển đổi thành tiền mới được coi là tương đương tiền.
  • Giao dịch bù trừ: Tùy thuộc vào tính chất giao dịch mà có cách trình bày khác nhau.
  • Giao dịch mua bán trái phiếu, REPO: Có quy định cụ thể về cách phân loại luồng tiền.
  • Giao dịch không sử dụng tiền mặt: Ví dụ như mua tài sản bằng cách nhận nợ, không được trình bày trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
  1. Trình bày và kiểm tra:
  • Trình bày rõ ràng: Báo cáo phải trình bày một cách rõ ràng, dễ hiểu và đầy đủ thông tin.
  • Kiểm tra kỹ lưỡng: Sau khi lập báo cáo, cần kiểm tra lại tính chính xác của các số liệu và sự phù hợp với các quy định.

Lưu ý:

  • Doanh nghiệp có thể lựa chọn phương pháp trực tiếp hoặc gián tiếp để lập báo cáo, tùy thuộc vào đặc điểm và quy mô.
  • Luôn cập nhật các quy định mới nhất về kế toán và báo cáo tài chính để đảm bảo báo cáo luôn tuân thủ pháp luật.
Nguyên tắc lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ trực tiếp

Nguyên tắc lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ trực tiếp

Với việc tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc trên, doanh nghiệp sẽ xây dựng được một báo cáo lưu chuyển tiền tệ chính xác. Từ đó mà cung cấp những thông tin hữu ích cho các nhà đầu tư, chủ sở hữu và các bên liên quan khác.

Phương pháp lập mẫu báo cáo lưu chuyển tiền tệ trực tiếp

Sau khi nắm vững các nguyên tắc cơ bản, TinLaw sẽ đi sâu vào việc xây dựng mẫu báo cáo lưu chuyển tiền tệ trực tiếp.

Lập báo cáo các chỉ tiêu luồng tiền từ hoạt động kinh doanh

Luồng tiền từ hoạt động kinh doanh phản ánh các luồng tiền vào và luồng tiền ra liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong kỳ, bao gồm cả luồng tiền liên quan đến chứng khoán nắm giữ vì mục đích kinh doanh.

Đối với lập báo cáo các chỉ tiêu luồng tiền từ hoạt động kinh doanh theo phương pháp trực tiếp (Xem Mẫu số B 03-DN) thực hiện như sau:

Các luồng tiền vào và luồng tiền ra từ hoạt động kinh doanh được xác định và trình bày trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ bằng cách phân tích và tổng hợp trực tiếp các khoản tiền thu vào và chi ra theo từng nội dung thu, chi từ các sổ kế toán tổng hợp và chi tiết của doanh nghiệp.

Lập báo cáo các chỉ tiêu luồng tiền từ hoạt động kinh doanh

Lập báo cáo các chỉ tiêu luồng tiền từ hoạt động kinh doanh

Tiền thu từ bán hàng, cung cấp dịch vụ và doanh thu khác (Mã số 01)

Chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền đã thu trong kỳ từ hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, tiền bản quyền,… Số liệu này bao gồm: 

  • Tiền thu từ các khoản nợ phải thu của các kỳ trước nhưng được thu trong kỳ này
  • Tiền ứng trước của người mua.

Lưu ý:
Chỉ tiêu này không bao gồm các khoản tiền thu từ việc:

  • Thanh lý
  • Nhượng bán tài sản cố định
  • Bất động sản đầu tư
  • Thu hồi vốn đầu tư vào các đơn vị khác
  • Cổ tức và lợi nhuận được chia
  • Các khoản tiền thu được từ hoạt động tài chính như vay vốn hoặc nhận vốn góp của chủ sở hữu.

Dữ liệu được ghi vào chỉ tiêu này lấy từ sổ kế toán các tài khoản 111, 112 (phần thu tiền) và các tài khoản phải thu (chi tiết tiền thu từ bán hàng, cung cấp dịch vụ). Sau khi đối chiếu với các tài khoản 511, 131 (chi tiết doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ) hoặc các tài khoản 515, 121 (chi tiết thu từ bán chứng khoán kinh doanh).

Tiền chi trả cho người cung cấp hàng hoá, dịch vụ (Mã số 02)

Chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền đã chi trong kỳ để mua hàng hóa, dịch vụ. Cùng với đó là  thanh toán các khoản chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bao gồm:

  • Tiền chi mua chứng khoán kinh doanh.
  • Tiền đã thanh toán các khoản nợ phải trả hoặc ứng trước cho người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Lưu ý:
Chỉ tiêu này không bao gồm các khoản chi:

  • Mua sắm
  • Xây dựng tài sản cố định
  • Bất động sản đầu tư
  • Xây dựng cơ bản (kể cả chi mua nguyên vật liệu sử dụng cho xây dựng cơ bản)
  • Tiền cho vay
  • Góp vốn đầu tư vào đơn vị khác
  • Các khoản chi khác được phân loại là luồng tiền từ hoạt động đầu tư.
  • Khoản chi trả nợ gốc vay, trả lại vốn góp cho chủ sở hữu, cổ tức.

Số liệu cho chỉ tiêu này được lấy từ sổ kế toán các tài khoản 111, 112 (phần chi tiền), sổ kế toán các tài khoản phải thu. Thêm đó là khoản đi vay (chi tiết tiền đi vay nhận được hoặc thu nợ phải thu để trả ngay các khoản nợ phải trả). 

Sau đó, đối chiếu với sổ kế toán các tài khoản 331 và các tài khoản phản ánh hàng tồn kho. Chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới dạng ghi trong ngoặc đơn (…).

Tiền chi trả cho người lao động (Mã số 03)

Chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền doanh nghiệp đã chi trả cho người lao động trong kỳ báo cáo. Bao gồm: tiền lương, tiền công, phụ cấp, tiền thưởng và các khoản chi khác liên quan đến người lao động.
Số liệu cho chỉ tiêu này được lấy từ sổ kế toán các tài khoản 111, 112 (chi tiết tiền trả cho người lao động). Cụ thể là sau khi đối chiếu với sổ kế toán tài khoản 334 (chi tiết số đã trả bằng tiền) trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này được ghi bằng số âm và biểu thị bằng dấu ngoặc đơn (…).

Tiền lãi vay đã trả (Mã số 04)

Chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền lãi vay mà doanh nghiệp đã chi trả trong kỳ báo cáo. Bao gồm: 

  • Tiền lãi vay phát sinh và được thanh toán trong kỳ.
  • Tiền lãi vay của các kỳ trước đã được trả trong kỳ này và lãi vay trả trước.

Lưu ý:

Chỉ tiêu này không bao gồm lãi vay đã trả trong kỳ được vốn hóa vào giá trị tài sản dở dang. Trong trường hợp lãi vay đã trả trong kỳ được chia thành phần vốn hóa và phần chi phí tài chính. Kế toán cần xác định tỷ lệ vốn hóa theo Chuẩn mực kế toán “Chi phí đi vay” để phân bổ đúng số lãi vay. Cụ thể là giữa luồng tiền từ hoạt động kinh doanh và luồng tiền từ hoạt động đầu tư.

Số liệu cho chỉ tiêu này được lấy từ sổ kế toán các tài khoản 111, 112, 113, sổ kế toán các tài khoản phải thu trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này được ghi bằng số âm và biểu thị trong ngoặc đơn (…).

Thuế TNDN đã nộp (Mã số 05)

Chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền thuế TNDN mà doanh nghiệp đã nộp cho Nhà nước trong kỳ báo cáo. Bao gồm:

  • Số thuế TNDN phát sinh và nộp trong kỳ.
  • Số thuế TNDN còn nợ từ các kỳ trước đã được nộp trong kỳ này.
  • Số thuế TNDN nộp trước (nếu có).

Dữ liệu cho chỉ tiêu này được lấy từ sổ kế toán các tài khoản 111, 112, 113 (chi tiết tiền nộp thuế TNDN). Cùng với đó, chỉ tiêu này được ghi bằng số âm và biểu thị trong ngoặc đơn (…).

Tiền thu khác từ hoạt động kinh doanh (Mã số 06)

Chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền thu từ các nguồn khác ngoài các khoản đã được phản ánh ở Mã số 01. Bao gồm: 

  • Tiền thu từ các khoản thu nhập khác như tiền bồi thường, tiền phạt, tiền thưởng và các khoản tiền thu khác.
  • Tiền hoàn thuế.
  • Tiền thu từ ký quỹ, ký cược.
  • Tiền thu hồi từ các khoản ký quỹ, ký cược.
  • Tiền thu từ nguồn kinh phí sự nghiệp, dự án (nếu có).
  • Tiền thưởng, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân bên ngoài.
  • Tiền nhận được ghi tăng các quỹ do cấp trên cấp hoặc cấp dưới nộp.

Sau khi đối chiếu với sổ kế toán các tài khoản 711, 133, 141, 244 và các tài khoản liên quan khác trong kỳ báo cáo. Bạn sẽ lấy được dữ liệu cho chỉ tiêu này từ sổ kế toán các tài khoản 111, 112.

Tiền chi khác cho hoạt động kinh doanh (Mã số 07)

Chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền đã chi cho các khoản ngoài các khoản liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bao gồm: 

  • Tiền chi bồi thường, bị phạt và các chi phí khác.
  • Tiền nộp các loại thuế (không bao gồm thuế TNDN).
  • Tiền nộp phí, lệ phí, tiền thuê đất. 
  • Tiền nộp BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ.
  • Tiền ký cược, ký quỹ.
  • Tiền trả lại các khoản ký cược, ký quỹ; tiền chi từ nguồn dự phòng phải trả.
  • Chi trực tiếp từ quỹ khen thưởng, phúc lợi, quỹ phát triển khoa học và công nghệ
  • Chi từ các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu và tiền chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp, kinh phí dự án,…

Dữ liệu cho chỉ tiêu này được lấy từ sổ kế toán các tài khoản 111, 112, 113 trong kỳ báo cáo.

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh (Mã số 20)

Chỉ tiêu này phản ánh chênh lệch giữa tổng số tiền thu vào với tổng số tiền chi ra từ hoạt động kinh doanh trong kỳ báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được tính bằng tổng cộng số liệu các chỉ tiêu từ Mã số 01 đến Mã số 07. Nếu số liệu chỉ tiêu này là số âm thì ghi trong ngoặc đơn (…).

Mã số 20 = Mã số 01 + Mã số 02 + Mã số 03 + Mã số 04 + Mã số 05 + Mã số 06 + Mã số 07

Lập báo cáo các chỉ tiêu luồng tiền từ hoạt động đầu tư

Đối với lập báo cáo các chỉ tiêu luồng tiền từ hoạt động đầu tư chỉ có thể thực hiện bằng phương pháp trực tiếp hoặc trực tiếp có điều chỉnh.

Luồng tiền từ hoạt động đầu tư được lập và trình bày trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ một cách riêng biệt các luồng tiền vào và các luồng tiền ra, trừ trường hợp các luồng tiền được báo cáo trên cơ sở thuần đề cập trong đoạn 18 của Chuẩn mực “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ”.

Luồng tiền từ hoạt động đầu tư được lập theo phương pháp trực tiếp hoặc trực tiếp có điều chỉnh.

  • Theo phương pháp trực tiếp, các luồng tiền vào, ra trong kỳ từ hoạt động đầu tư được xác định bằng cách phân tích và tổng hợp trực tiếp các khoản tiền thu vào và chi ra theo từng nội dung thu, chi từ các ghi chép kế toán của doanh nghiệp.
  • Theo phương pháp trực tiếp có điều chỉnh, các luồng tiền vào và ra trong kỳ được xác định bằng số chênh lệch giữa số dư cuối kỳ và số dư đầu kỳ của các khoản mục trên Bảng cân đối kế toán có liên quan sau đó điều chỉnh cho ảnh hưởng của các khoản mục phi tiền tệ.
  • Thông tư này hướng dẫn lập luồng tiền từ hoạt động đầu tư theo phương pháp trực tiếp. Trường hợp lập theo phương pháp trực tiếp có điều chỉnh, doanh nghiệp vận dụng phương pháp lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất được quy định tại Thông tư số 202/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp lập và trình bày Báo cáo tài chính hợp nhất và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.
Lập báo cáo các chỉ tiêu luồng tiền từ hoạt động đầu tư

Lập báo cáo các chỉ tiêu luồng tiền từ hoạt động đầu tư

Tiền chi mua sắm, xây dựng TSCĐ và các tài sản dài hạn khác (Mã số 21)

Chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền đã chi ra để đầu tư vào tài sản cố định trong kỳ. Bao gồm:

  • Chi phí mua sắm, xây dựng, cải tạo các tài sản hữu hình và vô hình.
  • Các khoản đầu tư xây dựng dở dang. 

Các khoản chi này trực tiếp làm tăng giá trị tài sản của doanh nghiệp và được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai.

Số liệu cho chỉ tiêu này bao gồm:

  • Chi phí mua sắm nguyên vật liệu, tài sản dùng cho đầu tư.
  • Thanh toán cho nhà thầu xây dựng.
  • Các khoản trả nợ liên quan đến đầu tư.
  • Chi phí sản xuất thử nghiệm (sau khi đã điều chỉnh doanh thu từ sản xuất thử).

Lưu ý: Chỉ những khoản chi liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư mới được phản ánh vào chỉ tiêu này. Các khoản chi chung cho cả hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh sẽ được phân bổ hợp lý.

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được lấy từ sổ kế toán các tài khoản:

  • TK 111, 112, 113
  • Sổ kế toán các tài khoản phải thu
  • Sổ kế toán TK 3411
  • Sổ kế toán TK 331 

Tất cả khoản trên đều sẽ được đối chiếu với sổ kế toán các tài khoản TK 211, 213, 217, 241 trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).

Tiền thu thanh lý, nhượng bán TSCĐ và các tài sản dài hạn khác (Mã số 22)

Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào:

  • Số tiền thuần đã thu từ thanh lý, nhượng bán TSCĐ hữu hình, TSCĐ vô hình.
  • Bất động sản đầu tư trong kỳ báo cáo
  • Số tiền thu hồi các khoản nợ liên quan trực tiếp đến thanh lý hoặc nhượng bán.

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là chênh lệch giữa số tiền thu và số tiền chi cho thanh lý, nhượng bán. 

  • Số tiền thu được lấy từ sổ kế toán các tài khoản TK 111, 112, 113, đối chiếu với các tài khoản TK 711, 5117, 131. 
  • Số tiền chi lấy từ sổ kế toán các tài khoản TK 111, 112, 113, đối chiếu với các tài khoản TK 632, 811.

Chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…) nếu số tiền thực thu nhỏ hơn số tiền thực chi.

Tiền chi cho vay và mua các công cụ nợ của đơn vị khác (Mã số 23)

Chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền đã chi cho các giao dịch đầu tư, bao gồm: 

  • Gửi tiền ngân hàng có kỳ hạn trên 3 tháng.
  • Cho vay bên khác.
  • Mua trái phiếu Chính phủ.
  • REPO chứng khoán.
  • Công cụ nợ của đơn vị khác (trái phiếu, thương phiếu, cổ phiếu ưu đãi phân loại là nợ phải trả).

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này lấy từ sổ kế toán các tài khoản TK 111, 112, 113, đối chiếu với sổ kế toán TK 128, 171. Chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…) nếu số tiền chi lớn hơn số tiền thu.

Tiền thu hồi cho vay, bán lại công cụ nợ của đơn vị khác (Mã số 24)

Chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền đã thu từ các giao dịch như: 

  • Rút tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn trên 3 tháng.
  • Thu tiền từ mua bán lại trái phiếu Chính phủ và REPO chứng khoán.
  • Thu hồi gốc cho vay, gốc trái phiếu, cổ phiếu ưu đãi phân loại là nợ phải trả.

Chỉ tiêu này được lấy từ sổ kế toán các tài khoản TK 111, 112, 113, đối chiếu với sổ kế toán TK 128, 171 trong kỳ báo cáo.

Tiền chi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác (Mã số 25)

Chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền đã chi để đầu tư vào công cụ vốn của đơn vị khác trong kỳ báo cáo. Các khoản chi bao gồm: 

  • Mua cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết,
  • Mua cổ phiếu ưu đãi phân loại là vốn chủ sở hữu.
  • Góp vốn vào công ty con, liên doanh, liên kết.

Chỉ tiêu này được lấy từ sổ kế toán các tài khoản TK 111, 112, 113, sau khi đối chiếu với các tài khoản TK 221, 222, 2281, 331 trong kỳ báo cáo.

Tiền thu hồi đầu tư vốn vào đơn vị khác (Mã số 26)

Chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền đã thu hồi từ việc bán lại hoặc thanh lý các khoản vốn đầu tư vào đơn vị khác. Bao gồm cả tiền thu nợ phải thu từ bán công cụ vốn của kỳ trước.

Chỉ tiêu này lấy từ sổ kế toán các tài khoản TK 111, 112, 113, sau khi đối chiếu với sổ kế toán các TK 221, 222, 2281, 131.

Thu lãi tiền cho vay, cổ tức và lợi nhuận được chia (Mã số 27)

Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào số tiền thu về các khoản tiền lãi cho vay, lãi tiền gửi, lãi trái phiếu, cổ tức và lợi nhuận nhận được từ đầu tư vốn vào các đơn vị khác trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này không bao gồm các khoản lãi, cổ tức nhận được bằng cổ phiếu hoặc bằng tài sản phi tiền tệ.

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, sau khi đối chiếu với sổ kế toán TK 515.

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư (Mã số 30)

Chỉ tiêu “Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư” phản ánh chênh lệch giữa tổng số tiền thu vào với tổng số tiền chi ra từ hoạt động đầu tư trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này được tính bằng tổng cộng số liệu các chỉ tiêu có mã số từ Mã số 21 đến Mã số 27. Nếu số liệu chỉ tiêu này là số âm thì được ghi dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).

Mã số 30 = Mã số 21 + Mã số 22 + Mã số 23 + Mã số 24 + Mã số 25 + Mã số 26 + Mã số 27

Lập báo cáo các chỉ tiêu luồng tiền từ hoạt động tài chính

Lập báo cáo các chỉ tiêu luồng tiền từ hoạt động tài chính cũng chỉ được lập theo phương pháp trực tiếp hoặc trực tiếp có điều chỉnh.

Luồng tiền từ hoạt động tài chính được lập và trình bày trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ một cách riêng biệt các luồng tiền vào và các luồng tiền ra, trừ trường hợp các luồng tiền được báo cáo trên cơ sở thuần được đề cập trong Chuẩn mực “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ”.

Luồng tiền từ hoạt động tài chính được lập theo phương pháp trực tiếp hoặc trực tiếp có điều chỉnh.

  • Theo phương pháp trực tiếp, các luồng tiền vào và ra trong kỳ từ hoạt động tài chính được xác định bằng cách phân tích và tổng hợp trực tiếp các khoản tiền thu vào và chi ra theo từng nội dung thu, chi từ các ghi chép kế toán của doanh nghiệp.
  • Theo phương pháp trực tiếp có điều chỉnh, các luồng tiền vào và ra trong kỳ được xác định bằng số chênh lệch giữa số dư cuối kỳ và số dư đầu kỳ của các khoản mục trên Bảng cân đối kế toán có liên quan sau đó điều chỉnh cho ảnh hưởng của các khoản mục phi tiền tệ.
  • Thông tư này hướng dẫn lập luồng tiền từ hoạt động tài chính theo phương pháp trực tiếp. Trường hợp lập theo phương pháp trực tiếp có điều chỉnh, doanh nghiệp vận dụng phương pháp lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất được quy định tại Thông tư số 202/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp lập và trình bày Báo cáo tài chính hợp nhất và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.
Lập báo cáo các chỉ tiêu luồng tiền từ hoạt động tài chính

Lập báo cáo các chỉ tiêu luồng tiền từ hoạt động tài chính

Tiền thu từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu (Mã số 31)

Chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền thu được từ việc các chủ sở hữu góp vốn vào doanh nghiệp trong kỳ báo cáo. Không bao gồm các khoản vay hoặc nợ chuyển thành vốn, lợi nhuận sau thuế chuyển thành vốn góp,…

Đối với công ty cổ phần, chỉ tiêu này bao gồm tiền thu từ:

  • Phát hành cổ phiếu phổ thông theo giá thực tế.
  • Phát hành cổ phiếu ưu đãi thuộc vốn chủ sở hữu và quyền chọn của trái phiếu chuyển đổi. 

Số liệu ghi vào chỉ tiêu này được lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, 113, sau khi đối chiếu với sổ kế toán TK 411 trong kỳ báo cáo.

Tiền trả lại vốn góp cho các chủ sở hữu, mua lại cổ phiếu đã phát hành (Mã số 32)

Chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền đã trả để hoàn lại vốn góp cho các chủ sở hữu. Bao gồm cả tiền mua lại cổ phiếu đã phát hành để hủy bỏ hoặc sử dụng làm cổ phiếu quỹ trong kỳ báo cáo.

Số liệu được lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, 113, đối chiếu với các TK 411, 419 trong kỳ báo cáo. Và tất cả sẽ được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).

Tiền thu từ đi vay (Mã số 33)

Chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền doanh nghiệp nhận được từ việc vay các tổ chức tài chính, tín dụng,…Bao gồm:

  • Vay qua phát hành trái phiếu thông thường.
  • Trái phiếu chuyển đổi
  • Cổ phiếu ưu đãi với điều khoản mua lại trong tương lai (phân loại là nợ phải trả).
  • Tiền nhận được từ giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ và các giao dịch Repo chứng khoán. 

Cụ thể:

  • Phát hành trái phiếu thường: Số tiền nhận được trong kỳ, điều chỉnh với chiết khấu, phụ trội trái phiếu, hoặc lãi trái phiếu trả trước.
  • Phát hành trái phiếu chuyển đổi: Số tiền tương ứng với phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi.
  • Phát hành cổ phiếu ưu đãi: Số tiền nhận được từ phát hành cổ phiếu ưu đãi phân loại là nợ phải trả, không bao gồm số tiền thu được cao hơn mệnh giá.
  • Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ: Tổng số tiền nhận được trong kỳ từ giao dịch mua, bán lại trái phiếu Chính phủ và REPO chứng khoán.

Số liệu lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, 113, các tài khoản phải trả, đối chiếu với TK 171, 3411, 3431, 3432, 41112.

Tiền trả nợ gốc vay (Mã số 34)

Chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền đã trả để giảm nợ gốc vay, bao gồm:

  • Trả nợ gốc trái phiếu thường.
  • Trái phiếu chuyển đổi.
  • Cổ phiếu ưu đãi với điều khoản bắt buộc mua lại trong tương lai (phân loại là nợ phải trả) trong kỳ báo cáo.
  • Tiền trả lại cho bên mua trong giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ và các giao dịch Repo chứng khoán.

Số liệu lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, 113 và các tài khoản phải thu (tiền trả nợ từ thu các khoản phải thu), đối chiếu với sổ kế toán TK 171, 3411, 3431, 3432, 41112 trong kỳ báo cáo. 

Tiền trả nợ gốc thuê tài chính (Mã số 35)

Chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền đã trả để giảm nợ thuê tài chính trong kỳ báo cáo. 

Số liệu lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, 113 và các tài khoản phải thu, đối chiếu với sổ kế toán TK 3412 trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).

Cổ tức, lợi nhuận đã trả cho chủ sở hữu (Mã số 36)

Chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền cổ tức và lợi nhuận đã chi trả cho các chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ báo cáo.

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, 113, đối chiếu với sổ kế toán các TK 421, 338 (chi tiết các khoản trả về cổ tức và lợi nhuận) trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính (Mã số 40)

Chỉ tiêu lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính phản ánh chênh lệch giữa tổng số tiền thu vào với tổng số tiền chi ra từ hoạt động tài chính trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này được tính bằng tổng cộng số liệu các chỉ tiêu có mã số từ Mã số 31 đến Mã số 36. Nếu số liệu chỉ tiêu này là số âm thì ghi trong ngoặc đơn (…).

Mã số 40 = Mã số 31 + Mã số 32 + Mã số 33 + Mã số 34 + Mã số 35 + Mã số 36.

Tổng hợp các luồng tiền trong kỳ (Xem Mẫu số B03-DN)

Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ (Mã số 50)

Chỉ tiêu “Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ” phản ánh chênh lệch giữa tổng số tiền thu vào với tổng số tiền chi ra từ ba loại hoạt động: Hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính của doanh nghiệp trong kỳ báo cáo. Mã số 50 = Mã số 20 + Mã số 30 + Mã số 40. Nếu số liệu chỉ tiêu này là số âm thì ghi trong ngoặc đơn (…).

Tiền và tương đương tiền đầu kỳ (Mã số 60)

Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào số liệu chỉ tiêu “Tiền và tương đương tiền” đầu kỳ báo cáo (Mã số 110, cột “Số đầu kỳ” trên Bảng Cân đối kế toán).

Ảnh hưởng của thay đổi tỷ giá hối đoái quy đổi ngoại tệ (Mã số 61)

Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng số chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư cuối kỳ của tiền và các khoản tương đương tiền bằng ngoại tệ (Mã số 110 của Bảng cân đối kế toán) tại thời điểm cuối kỳ báo cáo.

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, 113, 128 và các tài khoản liên quan (chi tiết các khoản thoả mãn định nghĩa là tương đương tiền), sau khi đối chiếu với sổ kế toán chi tiết TK 4131 trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này được ghi bằng số dương nếu có lãi tỷ giá và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…) nếu phát sinh lỗ tỷ giá.

Tiền và tương đương tiền cuối kỳ (Mã số 70)

Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào số liệu chỉ tiêu “Tiền và tương đương tiền” cuối kỳ báo cáo (Mã số 110, cột “Số cuối kỳ” trên Bảng Cân đối kế toán).

Chỉ tiêu này bằng số “Tổng cộng” của các chỉ tiêu Mã số 50, 60 và 61 và bằng chỉ tiêu Mã số 110 trên Bảng cân đối kế toán kỳ đó.

Mã số 70 = Mã số 50 + Mã số 60 + Mã số 61.

>> Xem thêm: Cách lập mẫu báo cáo lưu chuyển tiền tệ gián tiếp B03 – DNN

Kết luận

Mẫu báo cáo lưu chuyển tiền tệ trực tiếp là một công cụ hữu ích giúp doanh nghiệp quản lý dòng tiền hiệu quả. Bằng cách hiểu rõ cách lập báo cáo này, doanh nghiệp có thể đưa ra các quyết định đầu tư, tài chính đúng đắn hơn. Và đừng quên tiếp tục theo dõi thêm nhiều nội dung hữu ích đến từ TinLaw nhé!

Picture of TinLaw
TinLaw
Đối tác pháp lý toàn diện và đáng tin cậy giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tuân thủ pháp luật, tối ưu hiệu quả và phát triển bền vững.
Picture of TinLaw

TinLaw

Đối tác pháp lý toàn diện và đáng tin cậy giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tuân thủ pháp luật, tối ưu hiệu quả và phát triển bền vững.

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

Đặt câu hỏi, ý kiến hoặc yêu cầu tư vấn

Form Example