You are here:

Lý lịch tư pháp nhờ người thân làm được không?

Nhiều người đi làm ăn xa không sắp xếp được thời gian để về quê làm phiếu lý lịch tư pháp. Vậy, có thể uỷ quyền nhờ người thân làm lý lịch tư pháp được không? Hãy cùng dịch vụ xin cấp phiếu lý lịch tư pháp của TinLaw tìm giải đáp trong bài viết sau.

Trường hợp nào có thể ủy quyền nhờ người thân làm lý lịch tư pháp?

Đối với phiếu lý lịch tư pháp số 1

Căn cứ khoản 3 Điều 45 Luật Lý lịch tư pháp 2009 có quy định:

“3. Cá nhân có thể uỷ quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản theo quy định của pháp luật; trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền.”

Như vậy, nếu Quý khách xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 thì có thể uỷ quyền cho người khác thực hiện thay. Và phải có giấy uỷ quyền theo quy định của pháp luật; tuy nhiên trong trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 thì không cần văn bản ủy quyền.

Căn cứ khoản 2 Điều 46 Luật Lý lịch tư pháp quy định:

“2. Trường hợp cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 thì không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp.”

Như vậy, trường hợp Quý khách xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 thì không thể uỷ quyền cho người khác mà bản thân phải tự xin cấp tại cơ quan có thẩm quyền.

Tóm lại:

  • Có thể uỷ quyền nhờ người thân làm lý lịch tư pháp số 1.
  • Không thể uỷ quyền nhờ người thân làm lý lịch tư pháp số 2.
Lý lịch tư pháp nhờ người thân làm được không?

Lý lịch tư pháp nhờ người thân làm được không?

Nhờ người thân làm lý lịch tư pháp bằng cách nào?

Trường hợp nhờ người thân làm lý lịch tư pháp mà người thân đó là cha, mẹ, vợ/ chồng, con của người được cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1 thì khi tiến hành làm thủ tục với cơ quan chức năng cần phải xuất trình giấy tờ chứng minh quan hệ cha, mẹ, vợ, chồng, con như: giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh, giấy xác nhận nơi cư trú…

Trường hợp người thân khác là cô, dì, chú, bác  người quen..; của người được cấp phiếu lý lịch tư pháp thì bắt buộc phải có văn bản ủy quyền có công chứng trong hồ sơ xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Do vậy, Quý khách cần lưu ý người được uỷ quyền là ai để chuẩn bị về hồ sơ cho chính xác.

Hồ sơ nhờ người thân làm lý lịch tư pháp gồm những gì?

Khi tiến hành thủ tục uỷ quyền làm lý lịch tư pháp thay người thân, cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

  • Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp;
  • Bản chụp giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp;
  • Bản chụp sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp;
  • Văn bản ủy quyền hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ cha, mẹ, vợ, chồng, con;
  • Xuất trình giấy tờ tùy thân của người đi làm lý lịch tư pháp.
Tham khảo và tải mẫu lý lịch tư pháp tại: Mẫu sơ yếu lý lịch tư pháp mới nhất 2023

Thủ tục xin phiếu lý lịch tư pháp bằng hình thức ủy quyền cho người thân

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ theo hướng dẫn ở phần trên

Bước 2: Nộp hồ sơ 

Sau khi chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, người được uỷ quyền mang đến nộp tại Sở Tư pháp nơi người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thường trú;

Trường hợp không có nơi thường trú thì nộp tại Sở Tư pháp nơi tạm trú; trường hợp cư trú ở nước ngoài thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi xuất cảnh.

Lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp là 200.000 đồng/lần/người; học sinh, sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ là 100.000/lần/người; trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo được miễn phí.

Sau khi kiểm tra hồ sơ hợp lệ và nộp lệ phí đầy đủ, cán bộ nhận hồ sơ sẽ cấp giấy hẹn lấy Phiếu lý lịch tư pháp. 

Bước 3: Nhận kết quả

Người được uỷ quyền đến nhận Phiếu lý lịch tư pháp theo thời gian ghi trong giấy hẹn.

Trường hợp nào bị từ chối cấp phiếu lý lịch tư pháp

Căn cứ Điều 49 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có quyền từ chối cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp sau đây:

  1. Việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp không thuộc thẩm quyền;
  2. Người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người khác mà không đủ điều kiện quy định tại Điều 7 và khoản 3 Điều 45 của Luật này;
  3. Giấy tờ kèm theo Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp không đầy đủ hoặc giả mạo.

Trường hợp từ chối cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do.

TinLaw vừa giải đáp cho câu hỏi “Lý lịch tư pháp nhờ người thân làm được không?”. Nếu vẫn còn thắc mắc cần giải đáp vui lòng liên hệ chúng tôi theo thông tin bên dưới:

Picture of Hồng Phương

Hồng Phương

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

Đặt câu hỏi, ý kiến hoặc yêu cầu tư vấn

Form Example