Đặt tên cho công ty tưởng chừng rất đơn giản nhưng nếu không nắm rõ quy định pháp luật thì rất có thể cơ quan chức năng sẽ từ chối đơn đăng ký thành lập công ty của bạn. Gần đây, TinLaw nhận khá nhiều yêu cầu giải đáp cho các vấn đề sau: Tên công ty có thể đặt trùng với tên công ty khác được không? Có được đăng ký tên doanh nghiệp trùng với tên của doanh nghiệp đã bị giải thể hoặc phá sản không?
Do vậy, trong bài viết này dịch vụ thành lập công ty TinLaw sẽ có giải đáp chi tiết cho 2 câu hỏi trên. Cùng theo dõi nhé!
Có được đăng ký tên công ty trùng với tên công ty đã được đăng ký trước không?
Căn cứ theo quy định khoản 1, Điều 18 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 18. Đăng ký tên doanh nghiệp
1. Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp không được đăng ký tên doanh nghiệp trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc, trừ những doanh nghiệp đã giải thể hoặc đã có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản…”
Như vậy, bạn sẽ không được được đăng ký tên doanh nghiệp trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký, trừ những doanh nghiệp đã giải thể hoặc đã có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản.

Có được đăng ký tên doanh nghiệp trùng với tên của doanh nghiệp đã bị giải thể hoặc phá sản không?
Cũng căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 18 Nghị định 01/2021/NĐ-CP nêu trên, chủ doanh nghiệp được đăng ký tên doanh nghiệp trùng với tên của doanh nghiệp đã bị giải thể hoặc phá sản.
Có được đăng ký tên công ty trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ?
Đầu tiên, các bạn cần hiểu rằng đăng ký tên doanh nghiệp và đăng ký nhãn hiệu là hai thủ tục hành chính khác nhau. Trong khi Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính là nơi xét duyệt việc đăng ký và thay đổi tên doanh nghiệp. Còn Cục Sở hữu trí tuệ là nơi xét duyệt hồ sơ và cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.
Do thủ tục thực hiện ở 2 cơ quan khác nhau và sử dụng cơ sở dữ liệu riêng nên Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ rất khó để phát hiện thông tin về nhãn hiệu đã được cấp văn bằng, dẫn đến trường hợp dù cho cá nhân, tổ chức đăng ký tên công ty trùng hoặc tương tự với tên nhãn hiệu đã được cấp văn bằng thì vẫn được Phòng Đăng ký kinh doanh chấp nhận.
Tuy nhiên, theo quy định pháp luật tại Khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009 quy định như sau:
“1. Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:
a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.”
Cũng theo khoản 1 Điều 19 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định rõ hơn như sau:
1. Không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu đó. Trước khi đăng ký đặt tên doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp tham khảo các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã đăng ký và được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp.
Theo đó, việc sử nhãn hiệu trùng/tương tự được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ/hàng hoá dịch vụ tương tự mà không được sự cho phép của chủ sở hữu được coi là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.
Có thể kết luận rằng, việc đặt tên công ty có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đã được đăng ký là hành vi vi phạm pháp luật.
Làm thế nào để tên công ty tránh bị trùng tên doanh nghiệp, nhãn hiệu đã đăng ký?
Để tránh trường hợp tên công ty bị trùng, các bạn nên tra cứu tên doanh nghiệp dự kiến trên cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp quốc gia và cơ sở dữ liệu về đăng ký nhãn hiệu của Cục sở hữu trí tuệ trước khi điền vào hồ sơ thành lập công ty nộp cho cơ quan chức năng.
>> Xem chi tiết: Cách tra cứu thông tin đăng ký kinh doanh
Những điều bị cấm trong đặt tên doanh nghiệp
Căn cứ theo quy định tại Điều 38 Luật Doanh nghiệp 2020, trong quá trình đặt tên doanh nghiệp không được vi phạm điều cấm sau đây:
- Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký được quy định tại Điều 41 của Luật này.
- Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
- Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Cách đặt tên công ty đúng
Tên công ty bao gồm hai thành tố “Loại hình công ty” và “tên riêng” cấu thành theo thứ tự sau:
Loại hình công ty + Tên riêng.
Trong đó:
- Loại hình doanh nghiệp viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.
- Tên riêng doanh nghiệp đặt theo ý muốn của mình, miễn là không trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên công ty đang có.
- Tên riêng này nếu là tiếng Việt thì cần phải viết được bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số/ký hiệu nhưng phải phát âm được;
- Nếu viết bằng tiếng nước ngoài thì phải là tên dịch từ tên bằng tiếng Việt sang tiếng nước ngoài. Khi dịch có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài;
- Tên viết tắt (không bắt buộc): Viết tắt từ tên bằng tiếng Việt hoặc tên viết bằng tiếng nước ngoài.
TinLaw vừa giải đáp xong cho câu hỏi Tên công ty có thể đặt trùng với tên công ty khác được không? Có được đăng ký tên doanh nghiệp trùng với tên của doanh nghiệp đã bị giải thể hoặc phá sản không? Nếu vẫn còn thắc mắc cần được giải đáp, vui lòng liên hệ chúng tôi theo thông tin bên dưới để được hướng dẫn, tư vấn:

Trụ sở: Tòa nhà TIN Holdings, 399 Nguyễn Kiệm, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.
Tổng đài: 1900 633 306
Email: cs@tinlaw.vn
Hotline: 0919 824 239