Chào TinLaw, tôi là Trần.V.Đăng, hiện có một số thắc mắc liên quan đến trợ cấp thất nghiệp, hi vọng quý công ty sẽ giải đáp tôi. Trước đó, tôi tạm nghỉ không lương do Covid-19, nhưng vì nghỉ quá lâu, không có thu nhập nên đã quyết định nghỉ việc luôn. Mong quý công ty giải đáp giúp tôi nghỉ không hưởng lương do Covid-19, sau đó chấm dứt hợp đồng lao động thì có được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không?
Chào anh Đăng, cảm ơn anh đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Đối với thắc mắc “nghỉ không hưởng lương do Covid-19, sau đó chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) thì có được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không?” Công ty kế toán thuế TinLaw xin được giải đáp như sau:
Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp
Để biết trường hợp của anh Đăng có được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không , đầu tiên TinLaw xin chia sẻ những điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Từ đó làm căn cứ giải đáp cho thắc mắc của anh.
- Đã tham gia đóng BHTN khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, cụ thể:
- Từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc có xác định thời hạn;
- Từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
- Chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc, trừ trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc trái pháp luật hoặc đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm.
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ các trường hợp sau đây:
- Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
- Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
- Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
- Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Chết.
Người lao động đang đóng BHTN được xác định là NLĐ có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc đã đóng BHTN và được tổ chức bảo hiểm xã hội xác nhận. Tháng liền kề bao gồm cả thời gian sau:
- NLĐ có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng lương tại doanh nghiệp.
- NLĐ có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng theo quy định pháp luật không hưởng tiền lương tháng tại doanh nghiệp.
⇒ Như vậy, NLĐ muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp, ngoài thỏa mãn các điều kiện 1, 2, 3, 4 nêu trên cần đáp ứng điều kiện về “tháng liền kề”.

Lưu ý: Khoảng thời gian mà NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại doanh nghiệp mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc thì không được tính vào thời gian đóng BHTN để tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Nghỉ không hưởng lương do Covid-19, sau đó chấm dứt HĐLĐ có được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 thì:
“Điều 42. Quản lý đối tượng
….
Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.[…]
Trong trường hợp NLĐ nghỉ không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng do Covid-19 thì tháng đó không đóng BHXH. Quy định trên chỉ đề cập đến BHXH mà không nêu rõ loại bảo hiểm; tuy nhiên, có thể hiểu rằng trong tháng đó, NLĐ không làm việc và không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên thì doanh nghiệp sẽ không phải đóng các loại bảo hiểm bắt buộc bao gồm BHXH, BHTN, BHTNLĐ-BNN cho NLĐ.
Riêng với BHYT, tham khảo Điểm 9.7 Mục 9 của Công văn 1734/BHXH-QLT năm 2017 khi doanh nghiệp phát sinh giảm NLĐ tham gia bảo hiểm thì doanh nghiệp nhanh chóng thực hiện thủ tục báo giảm lao động đến cơ quan BHXH để không đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ-BNN nhưng vẫn phải đóng BHYT cho NLĐ trong tháng báo giảm. Trong trường hợp báo giảm chậm (sau ngày cuối cùng của tháng giảm), doanh nghiệp phải đóng BHYT của cả tháng giảm và tháng kế tiếp cho NLĐ.
Như vậy, trong trường hợp tháng liền kề trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc do Covid-19 mà NLĐ nghỉ không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, sau đó nghỉ việc ngay thì NLĐ sẽ không đáp ứng điều kiện về “tháng liền kề” nêu trên để được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tuy nhiên, từ ngày 15/07/2020, Nghị định 61/2020/NĐ-CP có hiệu lực đã thay đổi, bổ sung các trường hợp để xác định là NLĐ đang đóng BHTN. Theo đó, NLĐ có tháng liền kề trước tháng chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan BHXH xác nhận trên sổ BHXH vẫn được xác định là NLĐ đang đóng BHTN.
Do đó, từ ngày 15/07/2020 thì trong trường hợp NLĐ nghỉ việc đáp ứng đủ các điều kiện 1, 2, 3, 4 nêu trên mà tháng liền kề trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc do Covid-19 mà NLĐ nghỉ không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, sau đó nghỉ việc ngay thì NLĐ vẫn đáp ứng đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Tóm lại “nghỉ việc không lương do Covid-19 rồi nghỉ việc luôn có được hưởng trợ cấp thất nghiệp?” Câu trả lời là có thể nếu đáp ứng đẩy đủ những điều kiện nêu trên. Nếu vẫn còn thắc mắc hay vấn đề không rõ, quý khách vui lòng liên hệ chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết!

Trụ sở: Tòa nhà TIN Holdings, 399 Nguyễn Kiệm, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.
Tổng đài: 1900 633 306
Email: cs@tinlaw.vn
Hotline: 0919 824 239