Khi người lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp có trách nhiệm chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Vậy, nếu công ty cố tình không trả sổ BHXH có bị phạt không? Người lao động cần làm gì trong trường hợp này? Hãy cùng dịch vụ bảo hiểm xã hội TinLaw tìm hiểu trong bài viết sau:
Trách nhiệm của NLĐ và người sử dụng lao động khi chấm dứt HĐLĐ?
Căn cứ theo Điều 48, Bộ Luật lao động 2019, trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động được quy định như sau:
- Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:
- Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
- Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
- Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
- Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
- Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:
- Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
- Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.
Doanh nghiệp có phải trả số BHXH cho người lao động thôi việc, chấm dứt HĐLĐ?
Theo Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau:
“Điều 21. Trách nhiệm của người sử dụng lao động
….
5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.“
Như vậy, doanh nghiệp có nghĩa vụ trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc.

Doanh nghiệp cố tình không trả sổ BHXH cho người lao động bị phạt thế nào?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 41 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định khác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp như sau:
“4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
….
d) Không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 21 của Luật Bảo hiểm xã hội.”
Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP:
“1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.”
Như vậy, khi doanh nghiệp cố tình không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động nghỉ việc thì công ty có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 4 – 8 triệu đồng cho mỗi người lao động. Nhưng tối đa không quá 150 triệu đồng.
Người lao động cần làm gì khi doanh nghiệp cố tình không trả sổ BHXH?
Trường hợp sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ trả lại giấy tờ cũng như sổ BHXH cho người lao động trong thời gian tối đa 30 ngày thì người lao động có thể thực hiện theo trình tự sau:
- Đầu tiên, trong trường hợp công ty cố tình không trả sổ BHXH cho bạn, bạn có thể làm đơn khiếu nại lên Ban giám đốc công ty hoặc thông qua tổ chức Công đoàn tại công ty để khiếu nại về việc không trả sổ BHXH cho bạn.
- Sau 07 làm việc kể từ ngày doanh nghiệp nhận được đơn khiếu nại, nếu không được giải quyết thì bạn có thể gửi đơn đến Thanh tra lao động thuộc Phòng Lao động, Thương binh – xã hội để cơ quan này giải quyết buộc công ty trả lại sổ BHXH cho bạn.
Người lao động nghỉ ngang có được chốt sổ bảo hiểm xã hội không?
Người lao động tự ý nghỉ ngang sẽ bị coi là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Hậu quả dành cho hành vi này là hợp đồng lao động bị chấm dứt và người lao động phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người sử dụng lao động.
Về phía doanh nghiệp, trường hợp chỉ cần hợp đồng lao động bị chấm dứt không phân biệt lý do thì doanh nghiệp đều phải thực hiện chốt sổ bảo hiểm xã hội và trả lại sổ đó cho người lao động.
Vậy nên ngay cả khi người lao động nghỉ ngang thì công ty vẫn thực hiện chốt sổ bảo hiểm xã hội.
Trên đây là giải đáp của TinLaw về một số vấn đề liên quan đến hành vi không trả sổ bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp. Sổ bảo hiểm là tài liệu vô cùng quan trọng đối với người lao động vì nó liên quan đến các chế độ bảo hiểm xã hội. Vì thế, những ai đang rơi vào hoàn cảnh tương tự nên làm theo hướng dẫn ở trên để bảo vệ quyền lợi của mình. Nếu vẫn còn thắc mắc vui lòng liên hệ theo thông tin bên dưới:

Trụ sở: Tòa nhà TIN Holdings, 399 Nguyễn Kiệm, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.
Tổng đài: 1900 633 306
Email: cs@tinlaw.vn
Hotline: 0919 824 239