Trong thời đại hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, các điều ước quốc tế được ký kết giữa các quốc gia ngày càng gia tăng và bao phủ trên nhiều lĩnh vực. Các quốc gia tham gia ký kết điều ước quốc tế nhằm mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước khác cũng như tăng vị thế của quốc gia mình trên trường quốc tế. Doanh nghiệp hiện nay không chỉ làm việc, ký kết hợp đồng thương mại với các thương nhân Việt Nam mà còn là các giao kết với các thương nhân, doanh nghiệp nước ngoài. Trong bài viết này, dịch vụ luật sư TinLaw sẽ giới thiệu những lưu ý pháp lý quan trọng mà doanh nghiệp cần xem xét khi giao kết hợp đồng thương mại.
05 Lưu ý khi giao kết hợp đồng thương mại
Vì điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, các vấn đề pháp lý trong quá trình giao thương giữa các doanh nghiệp trở thành một vấn đề mà mỗi doanh nghiệp đặt lên hàng đầu. Văn bản được xem là quan trọng nhất, quy định quyền và nghĩa vụ của mỗi doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh thương mại cũng như các nội dung pháp lý khác có liên quan chính là Hợp đồng thương mại.
Hợp đồng thương mại là một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Khi giao kết một hợp đồng thương mại, không chỉ cần đảm bảo tính hợp lệ và tuân thủ theo quy định của pháp luật, mà còn cần lưu ý đến các vấn đề pháp lý khác như bảo vệ lợi ích, giải quyết tranh chấp và tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ.
Bằng cách nắm vững những lưu ý này, doanh nghiệp có thể đảm bảo tính hợp lệ và an toàn pháp lý cho các giao dịch thương mại của mình. Hợp đồng thương mại đóng vai trò quan trọng trong việc định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia vào một giao dịch thương mại. Điều này giúp tạo ra một cơ chế pháp lý để bảo vệ lợi ích và đảm bảo sự công bằng trong các giao dịch kinh doanh. Tuy nhiên, khi tham gia vào một hợp đồng thương mại, doanh nghiệp cần phải lưu ý đến các quy định pháp lý liên quan để đảm bảo tính hợp lệ và tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Về quy định pháp luật điều chỉnh đối với hợp đồng thương mại
Theo quy định tại pháp luật Việt Nam, hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Như vậy, những hoạt động thương mại giữa các doanh nghiệp – thương nhân với nhau sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại 2005, những quy định tại Luật Thương mại không quy định sẽ được điều chỉnh tại Bộ luật Dân sự.
Đồng thời, có một số lĩnh vực kinh doanh thương mại sẽ có những văn bản quy phạm pháp luật đặc thù riêng điều chỉnh như: Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Kinh doanh bảo hiểm …
Do đó, khi tiến hành giao kết các hợp đồng thương mại, Doanh nghiệp phải hiểu rõ hoạt động thương mại của mình đang được pháp luật nào điều chỉnh, từ đó soạn thảo hợp đồng mới phù hợp với quy định pháp luật và bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của doanh nghiệp.
Về hình thức văn bản hợp đồng thương mại
Theo quy định tại Luật Thương mại hiện hành, thì Hợp đồng thương mại có thể thể hiện ở 03 hình thức: Bằng văn bản, bằng lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể. Tuy nhiên có một vài văn bản theo quy định pháp luật phải được thể hiện bằng văn bản như:
- Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (Điều 27 LTM);
- Hợp đồng dịch vụ khuyến mãi (Điều 90 LTM);
- Hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại (Điều 110 LTM);
- Hợp đồng dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ (Điều 124 LTM);
- Hợp đồng dịch vụ tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại (Điều 130 LTM);
- Hợp đồng đại diện cho thương nhân (Điều 142 LTM);
- Hợp đồng ủy thác (Điều 159 LTM);
- Hợp đồng đại lý (Điều 168 LTM);
- Hợp đồng gia công (Điều 179 LTM);
- Hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hoá (Điều 193 LTM);
- Hợp đồng dịch vụ quá cảnh (Điều 251 LTM);
- Hợp đồng nhượng quyền thương mại (Điều 285 LTM);
Đối với những hợp đồng có thể xác lập bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể thì để tránh những tranh chấp phát sinh sau này do sự không minh bạch, rõ ràng … thì hợp đồng cần được thể hiện dưới dạng văn bản. Đây cũng là cơ sở pháp lý để có thể chứng minh và đảm bảo quyền lợi của các bên, đặc biệt với những hợp đồng có giá trị lớn.
Về chủ thể giao kết hợp đồng thương mại
Đối với chủ thể hợp đồng, để đảm bảo hợp đồng được giao kết phù hợp với quy định pháp luật hay chưa để tránh trường hợp hợp đồng vô hiệu do chủ thể giao kết không đúng thẩm quyền:
- Nếu đối tác là doanh nghiệp thương nhân thì bạn phải kiểm tra doanh nghiệp đó có được thành lập hợp pháp không, đã đăng ký kinh doanh chưa, hình thức doanh nghiệp là gì? Đặc biệt, quy định tại Luật Doanh nghiệp có quy định các giao dịch mà phải có sự thông qua của Hội đồng thành viên (Công ty TNHH 2 TV trở lên), Chủ tịch công ty (Công ty TNHH MTV), Đại Hội đồng cổ đông – Hội đồng quản trị (Công ty CP). Do đó, việc nắm rõ đối tác giao kết hợp đồng thương mại cũng là nội dung cần lưu ý.
- Các bên cần kiểm tra tư cách của người giao kết hợp đồng có đúng pháp luật hay chưa? Nếu không phải là Đại diện theo pháp luật thì phải có Giấy ủy quyền giao kết Hợp đồng. Đối với Giấy ủy quyền thì cũng cần xem xét kỹ nội dung trong giấy ủy quyền như: phạm vi ủy quyền, thời hạn ủy quyền, giấy ủy quyền có được đóng dấu hợp lệ không … Nếu không chẳng may có tranh chấp xảy ra thì chính việc giao kết hợp đồng với người không đúng thẩm quyền sẽ khiến cho hợp đồng có thể bị vô hiệu.
Về nội dung hợp đồng thương mại
Khi ký kết hợp đồng thương mại, các bên cần đảm bảo rằng nội dung hợp đồng đáp ứng đầy đủ các nội dung cơ bản cần có. Điều này đặc biệt quan trọng để tránh thiếu sót điều khoản và đảm bảo tính hợp lệ và an toàn pháp lý của hợp đồng. Các điều khoản có thể được chia thành ba nhóm chính để giúp các bên thỏa thuận và thực hiện hợp đồng một cách hiệu quả:
- Nhóm đầu tiên là các điều khoản bắt buộc, tức là những điều khoản không thể thiếu được đối với từng loại hợp đồng. Những điều khoản này là cốt lõi và không thể thiếu trong hợp đồng. Nếu các bên không thỏa thuận được những điều khoản này, hợp đồng sẽ không được coi là hợp lệ. Một số điều khoản gần như bắt buộc có trong Hợp đồng: Nội dung công việc, điều khoản thanh toán, điều khoản quyền và nghĩa vụ mỗi bên. Đồng thời, với các hợp đồng cụ thể sẽ có những điều khoản bắt buộc khác nhau.
- Nhóm thứ hai là các điều khoản thường lệ, tức là những điều khoản được pháp luật quy định trước và được áp dụng mặc định trong hợp đồng. Các điều khoản này không cần phải được thỏa thuận một cách rõ ràng, mà được coi là đã được các bên đồng ý ngầm.
- Nhóm cuối cùng là các điều khoản tùy nghi, tức là các điều khoản mà các bên có thể thỏa thuận để cụ thể hóa hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hợp đồng. Các điều khoản này không được pháp luật quy định trước, mà phụ thuộc vào sự thoả thuận của các bên;
Đồng thời, khi soạn thảo nội dung hợp đồng, nên sử dụng những câu chữ rõ ràng về ngữ nghĩa, diễn tả ý chí của các bên một cách mạch lạc, rõ ràng, tránh những từ mang nghĩa “bóng”, hàm ý, dễ hiểu lầm, hiểu sai hoặc các từ viết sai chính tả dẫn đến sai nghĩa.
Và hơn hết, các bên nên đọc kỹ từng câu, từng chữ trong hợp đồng để có thể phát hiện sớm những rủi ro tiềm ẩn.
Về việc thực hiện hợp đồng thương mại
Các bên cần chú ý tới “Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng” và “thời hạn hợp đồng”:
Hợp đồng thể hiệu lực ngay sau khi giao kết hay bắt đầu từ một ngày nào đó do hai bên ấn định hay có cần đáp ứng điều kiện nào thì hợp đồng mới có hiệu lực hay không? Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực thì các bên phải thực hiện đúng các nội dung đã giao kết trong hợp đồng.
Thời hạn hợp đồng: sẽ là những điều khoản về hợp đồng tự động gia hạn, hợp đồng hết hiệu lực khi nào, những điều khoản mà hiệu lực không phụ thuộc và thời hạn hợp đồng như bảo hành, bảo mật thông tin,…
Việc nắm rõ những quy định trên rất quan trọng với doanh nghiệp, vì doanh nghiệp sẽ biết được thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của mình, để có thể tiến hành hợp đồng theo đúng nội dung thỏa thuận, tránh các trường hợp tranh chấp phát sinh.
Trong một thị trường kinh doanh ngày càng phát triển và cạnh tranh, việc hiểu và tuân thủ các quy định pháp lý liên quan đến hợp đồng thương mại là vô cùng quan trọng. Điều này giúp đảm bảo tính hợp lệ và tuân thủ pháp luật, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp và tránh các rủi ro pháp lý. Bằng cách lưu ý đến những điều này, các doanh nghiệp có thể thực hiện giao dịch thương mại một cách an toàn và minh bạch, tạo ra một môi trường kinh doanh đáng tin cậy và phát triển bền vững.
Đội ngũ luật sư TinLaw luôn sẵn sàng hỗ trợ Quý khách trong các vấn đề liên quan đến hợp đồng, thương mại và các thủ tục pháp lý khác. Hãy liên hệ các thông tin dưới đây nếu Quý khách cần được tư vấn:
Trụ sở: Tòa nhà TIN Holdings, 399 Nguyễn Kiệm, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.
Tổng đài: 1900 633 306
Email: cs@tinlaw.vn
Hotline: 0919 824 239